16/11/2017 - 21:04

Cấp nước an toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Nhu cầu cấp bách 

Theo Bộ Xây dựng, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu (BĐKH), tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt sinh hoạt, sản xuất ở vùng ĐBSCL diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL được hình thành và triển khai trên phạm vi 7 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang và Kiên Giang, hứa hẹn nguồn nước sạch an toàn, vệ sinh, bảo vệ sức khỏe cho người dân vùng ĐBSCL.

Công trình cống ngăn mặn được xây dựng tại tỉnh Kiên Giang, nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất.

Thiếu nguồn nước ngọt

Các chuyên gia nghiên cứu BĐKH cho biết, tác động của BĐKH đối với khu vực ĐBSCL đã và đang đe dọa nghiêm trọng tới vấn đề an toàn cấp nước cho toàn khu vực, làm cho nguồn nước bị nhiễm mặn và hạn hán kéo dài. Đặc biệt, cuối năm 2015 và đầu năm 2016, ĐBSCL đã chịu đợt khô hạn và xâm nhập mặn lớn nhất từ trước tới nay, khiến cho tốc độ tăng trưởng, năng suất, diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đều giảm, ước thiệt hại trong 6 tháng đầu năm 2016 của cả vùng gần 4.700 tỉ đồng. Trong đó có khoảng 230.000 người thiếu nước ngọt sinh hoạt. Mùa khô năm 2017, nhiều địa phương vùng ĐBSCL vẫn thiếu nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt... Ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau, cho biết: “Vào thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn, người dân rất cần có nguồn nước ngọt, nước hợp vệ sinh để sinh hoạt, ăn uống. Cà Mau là địa phương thường xuyên chịu tác động bởi hạn hán, thiếu nước ngọt sinh hoạt, sản xuất. Do đó, địa phương rất cần Bộ Xây dựng sớm triển khai thực hiện Dự án cung cấp nước an toàn vùng ĐBSCL. Nguồn nước ngọt này được lấy từ sông Hậu để cung cấp, phục vụ sản xuất, đảm bảo sinh hoạt cho người dân sống ở vùng nước mặn”.

Hiện nay, ở ĐBSCL, một số tỉnh phía thượng lưu sử dụng nước mặt cho sản xuất, sinh hoạt; còn lại phần lớn các tỉnh (hạ lưu và ven biển) sử dụng nước ngầm. Việc khai thác nước ngầm tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực: sụt lún nền đất, hạ thấp mực nước (trung bình 0,3 – 0,9m/năm), suy thoái chất lượng và nhiễm mặn, vượt quá khả năng an toàn. Cụ thể, ở tỉnh Cà Mau, địa phương cực Nam của vùng ĐBSCL và là tỉnh duy nhất của cả nước có 3 mặt giáp biển, với hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt hơn 10.000km và có rất nhiều cửa sông, với 87 cửa sông thông ra biển, cửa biển. Do đó, Cà Mau là một trong những địa phương rất dễ bị tổn thương vì BĐKH và chịu tác động kép của BĐKH từ các hiện tượng nước biển dâng, hạn hán, thiếu nước ngọt... Hiện Cà Mau sử dụng 100% nước ngầm cho sản xuất, sinh hoạt. Do đó, địa phương đang đối mặt với tình trạng sụt lún nền đất.

UBND tỉnh Cà Mau đang đề xuất các Bộ, ngành Trung ương cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng, tiểu vùng, có tính tới tác động của BĐKH. Từ đó quy hoạch lại hệ thống thủy lợi theo hệ sinh thái nước ngọt; quy hoạch xây dựng các hồ chứa nước ngọt tại chỗ, quy hoạch đưa nước ngọt sông Hậu về Bán đảo Cà Mau và khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn nước này... để thích ứng với BĐKH. Còn ở tỉnh Sóc Trăng, tại các huyện ven biển thiếu nước ngọt trầm trọng. Người dân tại địa phương vừa khai thác nước ngầm cho sản xuất, vừa tận dụng nguồn nước mưa cho sinh hoạt, ăn uống...

Thúc đẩy dự án cấp nước  an toàn vùng ĐBSCL 

 Chính vì sự ảnh hưởng khó lường của BĐKH, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, thực hiện rà soát và điều chỉnh quy hoạch xây dựng và quy hoạch cấp nước cho vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời kêu gọi các tổ chức quốc tế tham gia vào công tác quy hoạch và xây dựng các dự án đầu tư cho khu vực này. Qua đó, Bộ Xây dựng đã triển khai nghiên cứu và lập Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL để xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho 7 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Tây Nam sông Hậu. Đây là dự án đầu tiên thực hiện theo quan điểm bảo đảm quy hoạch chung; khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch, nước thô không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Theo Ban Quản lý dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật - Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL được xây dựng với tổng kinh phí dự kiến đến 1,7 tỉ USD, gồm hệ thống cấp nước liên tỉnh; hệ thống lọc nước, dự kiến nước thô sẽ được lấy từ sông Hậu, sau đó xử lý và truyền dẫn nước sạch đến 7 công ty cấp nước (thuộc 7 tỉnh, thành phía Tây Nam sông Hậu) thông qua mạng lưới tuyến ống truyền tải. Các công ty này phân phối bán lẻ cho khách hàng ở địa phương. Giai đoạn đầu, dự án được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ 400 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 40 triệu USD, gồm 4 hợp phần, trong đó hợp phần 1 dự kiến xây dựng nhà máy nước công suất 200.000 – 300.000m3/ngày đêm, lấy nước sông Hậu; xây dựng các đường ống truyền tải vùng, trạm tăng áp, các hạng mục khác... Trên cơ sở đó, Dự án chuẩn bị dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL được hình thành. Công ty TNHH tư vấn NJS (Nhận Bản) được chọn là đơn vị tư vấn với nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết dự án, hồ sơ mời thầu và xây dựng thể chế.

Báo cáo đầu kỳ Dự án chuẩn bị dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL hoàn tất, có tham vấn các bên liên quan (sở xây dựng, tài nguyên và môi trường, trung tâm nước sạch và môi trường nông thôn, ban quản lý khu công nghiệp của 7 tỉnh, thành Nam sông Hậu), vấn đề còn lại là dự án trên cần sớm được triển khai thực hiện. Ông Dư Minh Hùng cho biết thêm: “Để đủ nước cung cấp sinh hoạt, sản xuất và ứng phó hạn hán, tỉnh Cà Mau đang triển khai kế hoạch xây dựng các hồ chứa nước ngọt với diện tích từ 200ha đến 300ha. Bên cạnh đó, địa phương cũng tận dụng các tuyến kênh, sông, rạch khác để dự trữ nước ngọt phục vụ sản xuất... Do đó, chúng tôi rất mong Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL sớm thực hiện hoàn thành, dẫn nước ngọt (nước thô) về các hồ, sông, rạch trên”. Ông Lương Hồng Tân, Phó trưởng Phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ), cho biết: “Ngoài mục tiêu ứng phó BĐKH, dự án trên còn xác định mục tiêu giúp các địa phương hạn chế lấy nước ngầm cho sản xuất, sinh hoạt, ngăn chặn tình trạng sụt lún nền đất ĐBSCL. Theo tôi, dự án cần tăng cường cung cấp nước thô (nước sông Hậu chưa xử lý) cho các nhà máy nước ở 7 tỉnh, thành phía Tây Nam ĐBSCL để xử lý và cung cấp cho người tiêu dùng. Vì hiện nay các địa phương đều có nhà máy và đang thiếu nguồn nước ngọt (nước thô) để xử lý; đồng thời tăng cường cung nước thô phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, phòng khi hạn hán, nước sinh hoạt... cho các tỉnh ven biển”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, cho biết: “Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung xây dựng vùng ĐBSCL đảm bảo an ninh về cấp nước, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường cho các giai đoạn phát triển đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ Xây dựng chỉ đạo đơn vị trực thuộc phối hợp đơn vị tư vấn, thiết kế xây dựng dự án và sớm triển khai thực hiện theo kế hoạch”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết