09/03/2008 - 10:25

Nhờ "liều" mà thành công

Anh Nguyễn Văn Minh, khách hàng đầu tiên (người đứng trên máy xịt).

Ở ĐBSCL xưa nay nông dân xịt thuốc cho lúa hoàn toàn bằng tay (vai quảy bình xịt, tay cầm cần xịt thuốc). Sau này, trên thị trường có bán loại xe phun xịt thuốc nhưng là xe kéo tay. Gần đây, nhiều nông dân ở Kiên Giang, An Giang được “thưởng thức” chiếc máy xịt thuốc chạy trên ruộng lúa. Đặc biệt hơn, khi đây là sản phẩm của một người học chưa hết trường làng đã tự mày mò sáng chế. Đó là anh Lâm Văn Mười, sinh năm 1972, ngụ xã Nam Thới Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

* “Thằng liều”

Mới học hết lớp 4 trường làng, nhà nghèo quá, Lâm Văn Mười phải nghỉ học đi đánh cá ngoài biển với cha. Sau này lấy vợ (cùng quê Hòn Đất), anh được người em vợ dạy nghề hàn tiện. Trong trận bão số 5 (năm 1997), tài sản bị bão nhận chìm, đau xót anh Mười cùng vợ con di cư về xã Nam Thới Sơn, tiếp tục sống bằng nghề hàn tiện.

Trong một dịp tình cờ đi thăm đồng với người bạn cùng xóm, thấy nông dân dùng sức mình kéo chiếc xe xịt lúa, anh Mười ngẫm nghĩ: “Phải chi cái xe đó chạy bằng điện sẽ đỡ cơ cực cho nông dân. Nhưng mình không phải là nhà khoa học...”. Sau nhiều đêm khó ngủ, anh quyết tâm đi xem những cái xe xịt thuốc kéo tay coi nó cần chế thêm những gì để cho người xịt ngồi trên xe lái. Rồi anh liên tưởng đến chiếc xe đạp...

Nhìn chồng suốt ngày cặm cụi bên những đống sắt, vợ anh cũng không vui vì nghĩ rằng việc sáng chế chỉ có những nhà khoa học mới làm được. Còn bà con lối xóm thì cười, cho anh Mười là “thằng liều”. Mặc dù vậy, anh Mười vẫn không nản chí. Thấy anh bạn láng giềng chịu khó, anh Nguyễn Văn Minh (người cùng xóm với anh Mười) thông cảm đến động viên. Sau hơn 2 tháng nghiên cứu, chế tạo, anh Mười sụt 3 kg, mắt thâm quầng. Vậy mà, chiếc máy này lại hoạt động không khả thi. Thế là, “thằng liều” Lâm Văn Mười bị cả xóm cười cho ra trò.

* Quyết không bỏ cuộc

Sau nhiều đêm mất ngủ, anh Mười tiếp tục sáng tạo. Ngày hoàn thành chiếc máy, anh cùng với anh Minh mang chiếc máy này vào tận ruộng chạy thử để người ta không bàn tán. Lần này tê hại hơn, chiếc máy chạy vô khoảng 500 m thì nằm ì ra đó... Thế là, hai anh phải đẩy xe về tới nhà 7, 8 giờ tối. Những giọt mồ hôi lăn trên má, anh Mười thầm nhủ: “Cố lên!”.

Với ý chí và nghị lực, cuối cùng anh Mười thành công. Vụ hè thu năm 2006, chiếc máy đầu tiên anh Mười làm ra được anh Minh mua để phục vụ cho hơn 60 công đất ruộng của mình. Chiếc máy này gồm: 1 tay lái, 3 bánh xe, khung sườn được làm hoàn toàn bằng sắt; 1 máy NS 50, 1 thùng phuy chứa 220 lít nước, 1 ống dẫn nước và 1 ống bơm nước vào phuy có cả dàn lược (lọc); cần xịt dài từ 15 đến 20 mét (gắn 44 bét). Trung bình 1 ngày chiếc máy xịt thuốc được 100 công lúa, giảm nhân công và hiệu quả cao.

Anh Minh (người bạn cùng xóm và là khách hàng đầu tiên của anh Mười) tâm sự: “Hồi chưa có chiếc máy này, mỗi lần xịt thuốc hơn 60 công lúa tôi phải thuê từ 3 đến 4 nhân công xịt liên tục 2 ngày mới xong. Tiền thuê mỗi bình xịt tay (16 lít) giá 3.000 đồng. Trong khi một phuy chứa gần 14 bình nước xịt tay, giá xịt thuê một phuy 30.000 đồng, giảm được chi phí. Hơn nữa, xịt bằng máy rất đều, máy tự trộn thuốc, ngồi trên đó điều khiển, đặt ống nước bơm vào phuy chưa tròn 15 phút là đầy... Cứ thế, mỗi ngày xịt đất liền ranh nhau được 130 công và lúa cũng không bị ngã như mình xịt bộ, vì bánh xe rất nhỏ. Dùng máy xịt thuốc này, nông dân không sợ thuốc bay bám vào cơ thể...”.

Bây giờ, “thằng liều” ở xã Nam Thới Sơn ngày nào không chỉ được bà con địa phương nể phục với cái sáng kiến rất hiện đại mà còn được các lão nông ở Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn, Chợ Mới (An Giang) đến đặt hàng. Những lúc vô mùa rộ, nhiều nông dân đến nhà anh Mười ngồi xếp hàng đặt máy. Anh đành phải từ chối một số người đến đặt hàng vì sợ làm không kịp. Người được nhận lời thì ở lại nhà anh để đợi đến khi làm xong mang máy về luôn. Trung bình sản xuất một cái máy mất cỡ 5 ngày. Từ đầu vụ đông xuân 2007 -2008 đến nay, cơ sở của anh Mười đã cung ứng trên 40 máy xịt thuốc đáp ứng nhu cầu bà con nông dân trong và ngoài tỉnh.

“Sắp tới, tôi dự định mở rộng xưởng sản xuất để làm ra nhiều máy xịt thuốc chạy trên ruộng nhưng đồng vốn có hạn, trong khi có người muốn làm theo. Tôi rất mong được nhà nước, các ngành hữu quan giúp tôi đăng ký bản quyền phát minh, sáng chế để nhiều người biết đến và cũng để đáp ứng nhu cầu bà con nông dân trong thời kỳ hội nhập”, anh Mười thố lộ.

• Bài, ảnh: PHỤNG TIÊN

Chia sẻ bài viết