12/10/2023 - 09:07

Nhìn lại thể thao Việt Nam sau ASIAD 19 

Liên tiếp đứng đầu bảng tổng sắp huy chương ở 2 kỳ SEA Games 31 và 32, nhưng thể thao Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong các nước ở khu vực Ðông Nam Á tại ASIAD 19, vừa kết thúc hôm 8-10 tại Hàng Châu (Trung Quốc). Vì sao mỗi khi ra đấu trường châu Á hay Olympic là thể thao Việt Nam hụt hơi, xếp sau các nước khu vực Ðông Nam Á?

VÐV Nguyễn Huy Hoàng giành 2 HCÐ nội dung 400m và 800m tự do, là kình ngư duy nhất của nước ta tại ASIAD 19 đạt chuẩn dự Olympic Paris 2024. Trong ảnh: Huy Hoàng trong buổi họp mặt VÐV trước ngày lên đường dự ASIAD 19. Ảnh: Nguyễn Minh

Đoàn thể thao Việt Nam đến ASIAD 19 với lực lượng 337 VÐV, thi đấu 202 nội dung tại đấu trường châu Á, nhưng chỉ giành được 27 huy chương (3 HCV, 5 HCB, 19 HCÐ). Như vậy, để có được 1 huy chương, Việt Nam phải dùng đến 13-14 lượt VÐV xuất trận. Rất nhiều môn trắng tay như bóng đá, điền kinh, cử tạ, judo, xe đạp, bóng bàn, đấu kiếm, quần vợt, soft tennis…

Trên bảng xếp hạng ASIAD 19, Việt Nam ở vị trí thứ 21. Có 5 nước khu vực Ðông Nam Á xếp thứ hạng cao hơn là: Thái Lan đứng thứ 8 (12 HCV, 14 HCB, 32 HCÐ), Indonesia vị trí thứ 13 (7 HCV, 11 HCB, 18 HCÐ), Malaysia thứ 14 (6 HCV, 8 HCB, 18 HCÐ), Philippines xếp thứ 17 (4 HCV, 2 HCB, 12 HCÐ) và Singapore vị trí thứ 20 (3 HCV, 6 HCB, 16 HCÐ). Thái Lan vẫn là cường quốc thể thao số 1 ở khu vực Ðông Nam Á và có khoảng cách khá xa so với Việt Nam. Nếu như chỉ vài tháng trước, Thái Lan thua Việt Nam ở SEA Games 32 thì tới ASIAD 19, kết quả trội hơn hẳn phần còn lại ở khu vực Ðông Nam Á.

Ðã có nhiều phân tích của các chuyên gia cũng như lãnh đạo ngành về thể thao Việt Nam từ nhiều năm qua, nhưng dường như chưa có sự thay đổi; trong khi các nước láng giềng từ lâu tập trung đầu tư cho ASIAD, Olympic. Theo ông Ðặng Hà Việt, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 19, nguyên nhân sâu xa là thể thao Việt Nam gặp khó khăn trong xây dựng môn trọng điểm, với 3 yếu tố tác động chính gồm kinh tế, hệ thống tuyển chọn - đào tạo và xu thế thể thao thế giới. Cụ thể, ngân sách nhà nước cho thể thao được đánh giá không đủ chia cho các môn, với nhiều khâu từ tuyển chọn, đào tạo, tổ chức giải, tập huấn... Giải pháp thu hút tài trợ, nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp chưa được đẩy mạnh dẫn đến nhiều liên đoàn không thể tự tìm nguồn thu để hoạt động mà dựa hoàn toàn vào tiền ngân sách. Hệ thống tuyển chọn và đào tạo VÐV ở 63 tỉnh, thành chưa đầy đủ, chưa có được hệ thống thi đấu từ cấp tiểu học để tìm kiếm và lựa chọn tài năng. Bên cạnh đó, xu thế thể thao đỉnh cao dần cắt giảm những hạng cân nhẹ ở các môn thi đấu có phân hạng cân, dẫn đến Việt Nam gặp khó. Ở ASIAD 19, cử tạ bỏ hạng cân 56kg nam, trong khi thuyền nhẹ môn rowing loại bỏ nội dung 4 người mà Việt Nam từng giành HCV kỳ trước.

Bên cạnh các vấn đề về tuyển chọn, đầu tư, cơ sở vật chất… thì việc đầu tư dàn trải đã khiến Việt Nam không có được những gương mặt thực sự đủ tầm cạnh tranh ở đấu trường châu lục. Thực tế từ lâu, ngành thể thao đã đưa ra định hướng tập trung vào các môn trong chương trình thi đấu ASIAD và Olympic. Dù vậy, kết quả chưa theo kịp với mục tiêu đặt ra, khi mà giữa định hướng và thực tiễn vẫn còn khoảng cách khá xa.

THÁI BÌNH

 

Chia sẻ bài viết