06/06/2009 - 08:27

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII:

Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đóng góp cho dự án Luật Người cao tuổi

* Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra các dự án luật: Dân quân tự vệ, Viễn thông và Tần số vô tuyến điện

Sáng 5-6, Quốc hội (QH) họp toàn thể tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra 3 dự án Luật: Dân quân tự vệ (DQTV); Viễn thông và Tần số vô tuyến điện.

Theo Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đọc Dự thảo Luật gồm 9 chương, 68 điều quy định tổ chức, biên chế, vũ khí, trang bị của lực lượng DQTV; đào tạo, bồi dưỡng tập huấn cán bộ, huấn luyện DQTV; hoạt động của lực lượng DQTV; chế độ, chính sách đối với DQTV; kinh phí bảo đảm; quản lý nhà nước về DQTV...

Bộ trưởng nêu rõ: Luật DQTV được xây dựng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về DQTV, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng lực lượng DQTV có số lượng hợp lý; chất lượng tổng hợp ngày càng cao, nhất là về chất lượng chính trị; tổ chức chặt chẽ, rộng khắp; biên chế tinh, gọn; trang bị vũ khí phù hợp; được giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự toàn diện, thiết thực; khả năng sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh chiến đấu ngày càng nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ QPAN trong tình hình mới. Bảo đảm chế độ chính sách tương xứng với giá trị hoạt động của DQTV, phù hợp với kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và điều kiện, khả năng bảo đảm của địa phương, cơ sở.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Quốc phòng an ninh (UBQPAN) của QH đồng tình với sự cần thiết phải xây dựng Luật DQTV; đồng thời cho ý kiến về một số nội dung cụ thể như: tổ chức lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp; bồi dưỡng, tập huấn cán bộ và huấn luyện DQTV; sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí; chế độ, chính sách đối với DQTV; nguồn kinh phí bảo đảm cho lực lượng này; quỹ QPQN... Về thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV nòng cốt, theo Chủ nhiệm UB QPAN Lê Quang Bình, Pháp lệnh DQTV hiện hành quy định thời hạn phục vụ của DQTV nòng cốt là 5 năm. Dự thảo Luật rút xuống còn 4 năm là phù hợp với thực tiễn, bảo đảm đủ thời gian huấn luyện, học tập và hiệu quả hoạt động, đồng thời tạo nguồn lực để vũ trang toàn dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời bình và thời chiến. UBQPAN cũng đề nghị xem xét thêm một số nội dung về quy mô tổ chức lực lượng DQTV như: Đối với các đơn vị binh chủng, chỉ tổ chức theo yêu cầu hoạt động tác chiến của khu vực phòng thủ, phù hợp với đặc điểm tình hình từng địa phương để bảo đảm tính khả thi. Đối với lực lượng DQTV thường trực, chỉ tổ chức ở cơ sở tại những địa bàn trọng điểm và địa bàn có yêu cầu sẵn sàng chiến đấu cao trong trường hợp thật cần thiết với số lượng hợp lý, tránh tổ chức tràn lan, chồng chéo nhiệm vụ, gây tốn kém ngân sách. UBQPAN đề nghị giải trình rõ thêm nhiệm vụ, quy mô, chính sách bảo đảm đối với lực lượng dân quân ở các huyện trọng điểm hoặc có yêu cầu sẵn sàng chiến đấu cao vì đây là quy định mới. UB tán thành với dự thảo về chế độ, chính sách đối với DQTV, nhưng để bảo đảm tính khả thi của các hệ thống chính sách này, đối với các địa phương miền núi kinh tế chậm phát triển, còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chi thì Nhà nước cần có cơ chế cụ thể...

Dự thảo Luật Viễn thông quy định mang tính nguyên tắc về cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông và giao Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy. Theo Báo cáo thẩm tra của UB Khoa học-Công nghệ và Môi trường( UB KH-CN & MT) của QH, cần có điều riêng quy định rõ hơn về vai trò, vị trí và chức năng của cơ quan này để nâng cao tính khả thi và phù hợp với yêu cầu của WTO. Hoạt động quản lý viễn thông không chỉ liên quan đến kinh tế- xã hội ( KT-XH) mà còn liên quan đến ANQP và bảo vệ quyền lợi quốc gia về viễn thông. Trong nhiều trường hợp cần phải giải quyết các tình huống có tính cấp bách, do vậy cơ quan quản lý phải có vai trò, vị trí pháp lý đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý được giao. Bên cạnh đó, hầu hết các nước thành viên Liên minh viễn thông quốc tế đã hình thành cơ quan quản lý viễn thông độc lập. Việc thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông là phù hợp với các cam kết khi gia nhập WTO về minh bạch hóa các chính sách quản lý viễn thông.

Theo dự thảo, Thanh tra viễn thông là thanh tra chuyên ngành thuộc hệ thống thanh tra Thông tin và Truyền thông được tổ chức ở 3 cấp: Bộ, Sở và cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông. UB KHCN&MT cho rằng chỉ nên quy định mang tính định hướng, không quá cụ thể trong khi Luật Thanh tra đang trong quá trình sửa đổi. Về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, đa số ý kiến của UB KHCN&MT cho rằng cần thể hiện rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông trong xây dựng và quản lý, mô hình tổ chức, nguồn và cơ chế huy động tài chính, quy chế điều hành, khai thác và sử dụng; danh mục các dịch vụ viễn thông phổ cập, trách nhiệm trong bảo đảm cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập đối với các vùng xa xôi, hẻo lánh.

Báo cáo thẩm tra cũng phân tích sâu về sự cần thiết ban hành Luật; thể chế hóa đường lối chính sách trong lĩnh vực viễn thông; chia sẻ và sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông; quản lý tài nguyên viễn thông; cạnh tranh và các quy định nhằm phát triển thị trường viễn thông; bảo đảm quyền lợi người sử dụng dịch vụ; bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin viễn thông...; đề nghị bổ sung một số nội dung như quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia; hợp tác quốc tế; khuyến khích phát triển công nghiệp viễn thông.

Về Luật Tần số vô tuyến điện, theo Tờ trình của Chính phủ, hiện nay sự phát triển bùng nổ của thông tin vô tuyến trong tất cả các lĩnh vực làm cho nhu cầu sử dụng phổ tần số vô tuyến điện (VTĐ) ngày càng cao, tần số VTĐ ngày càng trở nên quý hiếm, đòi hỏi được quản lý và sử dụng hiệu quả hơn.Việc xây dựng Luật Tần số VTĐ nhằm hoàn thiện nội dung và nâng cao hình thức pháp luật về hoạt động quản lý, sử dụng tần số VTĐ; đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch; từng bước áp dụng hình thức quản lý việc sử dụng tần số VTĐ dựa trên cơ chế thị trường định hướng XHCN nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả phổ tần thông qua các hình thức đấu giá, tuyển chọn quyền sử dụng tần số, băng tần số VTĐ....

Thẩm tra dự án này, UB KHCN&MT của QH lưu ý tới một số nội dung quan trọng như chính sách của Nhà nước trong hoạt động quản lý, sử dụng tần số VTĐ; Ủy ban tần số VTĐ; bảo đảm an toàn bức xạ VTĐ; cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số VTĐ. Về Thanh tra chuyên ngành tần số VTĐ, theo UB KHCN&MT, quy định này chỉ mang tính định hướng, không nên quá cụ thể. Việc xác định vi phạm trong lĩnh vực tần số VTĐ chủ yếu phải thực hiện dựa trên kết quả đo, phân tích của hệ thống kiểm soát tần số VTĐ hiện đại của cơ quan quản lý chuyên ngành. Dự thảo cần làm rõ chức năng thanh tra chuyên ngành về tấn số VTĐ trong lĩnh vực QPAN của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an; bổ sung quy định chi tiết mang tính đặc thù về nội dung thanh tra. Về đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số VTĐ, dự thảo cần quy định theo hướng cho phép áp dụng phương thức đấu giá còn áp dụng với băng tần nào, kênh tần số nào, thời điểm nào sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định để linh hoạt với từng thời kỳ cụ thể...

* Chiều 5-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Người cao tuổi (NCT), Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp.

Các đại biểu đã góp ý về bố cục, phạm vi điều chỉnh; xác định độ tuổi, chính sách đối với người cao tuổi... Đại biểu Bùi Thị Lệ Phi (Cần Thơ) đề nghị gộp Chương II (phụng dưỡng người cao tuổi) và chương III (chăm sóc người cao tuổi) vào một chương để luật rút gọn hơn. Đa số đại biểu đều nhất trí như quy định tại điều 2 về độ tuổi NCT từ 60 trở lên. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị xem xét quy định cụ thể hơn đối với độ tuổi NCT là nữ, vì hiện nay nữ công nhân viên chức đang hưởng chế độ hưu từ tuổi 55. Về phạm vi điều chỉnh của dự án luật, đa số đại biểu nhất trí quy định: NCT cao tuổi là công dân Việt Nam, đang cư trú tại Việt Nam là đối tượng điều chỉnh của luật này. Nhưng đại biểu Tạ Ngọc Tấn (Thái Bình) và một số đại biểu khác đề nghị đưa NCT là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam cũng được luật NCT điều chỉnh, như vậy mới thể hiện đạo lý nhân hậu của dân tộc ta. Hầu hết các đại biểu đề nghị xác định rõ: Hội người cao tuổi Việt Nam là tổ một chức xã hội và chỉ nên tổ chức hai cấp là Trung ương hội và cấp hội ở xã, phường.

Để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích là mục tiêu lớn của dự án luật, nhưng thực tế hiện nay đang nảy sinh nhiều khó khăn đối với NCT, vì: rất nhiều gia đình do kế sinh nhai những thế hệ sau (con, cháu) phải xa bố, mẹ, ông, bà đi đến các tỉnh, thành xa để làm việc; hoặc ra nước ngoài sinh sống…; lối sống thực dụng, coi trọng đồng tiền đã thâm nhập vào một bộ phận lớp trẻ, vì vậy luật này cần lấy gia đình làm đối tượng trung tâm để quy định trách nhiệm phụng dưỡng, chăm sóc NCT, sau đó mới đến xã hội và Nhà nước..., đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) nhấn mạnh. Các đại biểu khác đề nghị, nên quy định NCT từ 80 tuổi trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng; cơ sở y tế xã, phường có trách nhiệm lập hồ sơ chăm sóc sức khỏe NCT (khi có yêu cầu) và phải thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với NCT cô đơn, không nơi nương tựa cư trú trên địa bàn, kinh phí do Nhà nước chịu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và tiếp tục chỉnh sửa dự thảo luật.

THANH HÒA - HỒNG QUÂN(TTXVN)

THANH HÒA - HỒNG QUÂN(TTXVN)

Chia sẻ bài viết