07/05/2012 - 20:59

HUYỆN CỜ ĐỎ

Nhiều nỗi lo bậc học mầm non

Các cháu Trường Mầm non thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ đang ăn trong khoảng sân được nâng cấp- đây cũng là phòng học của các cháu. Ảnh: T.Thọ

Nhiều đơn vị trên địa bàn TP Cần Thơ đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu dạy học theo hướng hiện đại hóa. Trong khi đó huyện Cờ Đỏ vẫn loay hoay, trăn trở với việc làm thế nào để học sinh có nơi học tập, sinh hoạt đàng hoàng, ổn định, đặc biệt là bậc học mầm non...

Toàn huyện Cờ Đỏ hiện có 49 trường học từ mầm non đến THPT nhưng có đến 125 điểm trường. Trong đó, mầm non mẫu giáo có 16 trường nhưng có đến 62 điểm trường (bình quân mỗi trường có gần 4 điểm). Những năm gần đây, huyện Cờ Đỏ cũng thực hiện giảm bớt các điểm lẻ nhằm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các điểm chính, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giảng dạy. Thế nhưng, do địa bàn rộng nên dù giảm cách nào, các trường tiểu học vẫn còn điểm lẻ. Hiện huyện Cờ Đỏ có 23 trường tiểu học với 53 điểm trường.... Theo thống kê, toàn huyện có 695 phòng học từ mầm non đến THPT, trong đó, 282 phòng học kiên cố, 345 phòng học bán kiên cố và 38 phòng học tạm. Ông Trần Ngọc Nghị, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện chưa đồng bộ. Hầu như trường mầm non, tiểu học nào cũng có điểm lẻ. Cá biệt, có trường mầm non gồm 7-8 điểm lẻ, nên gây khó khăn trong quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn. Nếu gom các điểm lại để dễ đầu tư thì học sinh ở các điểm xa sẽ bỏ học, còn đầu tư dàn trải hết các điểm thì không đủ kinh phí”.

Chúng tôi đến Trường Mầm non thị trấn Cờ Đỏ vào giờ ăn, cô và trẻ hợp lại ở phòng ăn cũng là phòng học và nơi ngủ trưa của các cháu. Cô Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Cờ Đỏ, cho biết: “Diện tích toàn trường là 255m2 bao gồm: phòng học, nhà ăn, nhà bếp, phòng làm việc của giáo viên... Tại điểm trường này có đến 143 cháu từ nhà trẻ đến lớp lá. Nhu cầu gởi con của phụ huynh tăng lên hàng năm nên trường buộc phải nâng cấp khoảng sân phía trước thành phòng học”. Thực tế, cơ sở vật chất hiện tại của Trường Mầm non thị trấn Cờ Đỏ là nhà đèn cũ trước giải phóng. Sau nhiều lần nâng cấp, cải tạo, phòng học chính của học sinh vừa ẩm thấp, tối và nhỏ. Phần sân được nâng cấp thành lớp học phải chứa 82 cháu lớp chồi và lá. Năm học vừa qua, do mở rộng tuyến đường phía trước trường nên cổng phải dời sâu vào bên trong. Do đó, khoảng cách từ cổng đến lớp học là khoảng sân chưa đầy 2 mét. Với diện tích sân này, trường không thể cho trẻ vận động ngoài trời được nên được trưng dụng làm nơi để xe của giáo viên. Do quá gần với đường xe chạy, nên ngoài tiếng ồn, các cháu Trường Mầm non thị trấn Cờ Đỏ còn chịu ảnh hưởng bụi đường. Cô Phương Lan nói thêm: “Trường cũng nghĩ đến giải pháp che kín lớp học để tránh tình trạng bụi đường, bụi xe ảnh hưởng sức khỏe các cháu nhưng nếu làm vậy lớp học sẽ rất ngộp, thiếu ánh sáng...”.

Những năm gần đây, TP Cần Thơ và huyện Cờ Đỏ có tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp cho bậc học mầm non. Nhưng theo nhiều cán bộ phụ trách công tác quản lý giáo dục ở huyện Cờ Đỏ, số phòng học được xây dựng mới không thấm vào đâu so với nhu cầu của bậc học này. Chẳng hạn, các Trường Mầm non Trung Thạnh và Thạnh Phú, mỗi trường được xây dựng mới với 9 phòng học và các phòng chức năng ở điểm trung tâm, nhưng 2 trường này vẫn còn 5-7 điểm lẻ với các phòng học xuống cấp, cần xây dựng mới. Tương tự, Trường Mầm non Thới Đông dù đã có kế hoạch đạt chuẩn quốc gia từ lâu, nhưng vẫn còn đến 5-7 điểm lẻ... Ngoài kinh phí đầu tư trực tiếp từ ngành giáo dục thành phố, năm 2011, huyện cũng đầu tư xây dựng 3 phòng học ở Trường Mầm non Thới Đông, 2 phòng học ở Trường Mẫu giáo Thới Xuân... nhưng thực tế, huyện vẫn còn hàng loạt phòng học đang rất khó khăn chờ đầu tư xây dựng. Không chỉ manh mún, nhỏ hẹp, hiện huyện Cờ Đỏ chưa có một trường mầm non trọng điểm trong toàn huyện.

Bên cạnh nỗi lo về cơ sở vật chất là nỗi lo thiếu giáo viên. Toàn huyện Cờ Đỏ hiện thiếu 60 giáo viên mầm non. Nếu thực hiện đúng kế hoạch, một, hai năm tới, huyện sẽ xóa bỏ được tình trạng này, vì ngành giáo dục thành phố cho phép huyện liên kết đào tạo giáo viên tại huyện. Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế, năm 2010, chỉ tiêu tuyển 60 học viên, huyện tuyển mãi cũng chỉ được khoảng 40 học viên để đào tạo và cứ... rơi rụng dần. Đến nay, lớp Trung cấp Sư phạm Mầm non này chỉ còn hơn 30 học viên. Năm 2011, huyện tiếp tục tuyển 60 học viên nhưng kết thúc nhận hồ sơ, cũng chỉ có 10 người đăng ký theo học. Số lượng học viên quá ít nên không thể mở lớp. Vì vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cờ Đỏ phải gởi học viên ra huyện Thới Lai học. Ông Trần Ngọc Nghị cho biết: “Số giáo viên thiếu hiện nay chỉ căn cứ vào số học sinh hiện tại. Nếu sau này, số học sinh học 2 buổi/ ngày tăng lên, khi thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, chắc chắn huyện sẽ thiếu nhiều giáo viên mầm non hơn nữa”.

Không phải thi tuyển, học không tốn tiền nhưng tại sao vẫn không có người tha thiết trở thành cô nuôi dạy trẻ? Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Liễu, cán bộ phụ trách mầm non ngành giáo dục huyện Cờ Đỏ, chia sẻ: “Biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng thực tế, giáo viên mầm non vất vả hơn giáo viên các bậc học khác rất nhiều, trong khi hệ số lương cũng thấp nhất. Nếu dạy một buổi thì buổi còn lại, giáo viên vẫn phải vào trường làm việc. Riêng giáo viên bán trú, phải đi dạy từ sáng sớm đến tối mịt”. Công việc vất vả, lương thấp, thường xuyên chịu áp lực... nên rất nhiều người ngán ngại. Chẳng những vậy, do điều kiện kinh tế của bà con vùng ngoại thành còn nhiều khó khăn, nên ngoài tiền lương, hầu như giáo viên không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào khác từ nhà trường, từ Hội phụ huynh học sinh... Vì vậy, mong muốn có một chế độ ưu đãi riêng, để thu hút giáo viên mầm non là nhu cầu chính đáng của ngành giáo dục huyện Cờ Đỏ và những địa phương còn khó khăn khác ở TP Cần Thơ.

Do tình hình thực tế, thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất... nên hiện nay, huyện Cờ Đỏ là đơn vị có tỷ lệ trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ ngày, thấp nhất thành phố, là điều khó tránh khỏi.

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết