Qua hơn 15 năm đi vào cuộc sống, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã tác động tích cực đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT), nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã bộc lộ một số vướng mắc, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Do vậy, việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 2 luật: Luật Đường bộ và Luật Trật tự, ATGT đường bộ là hết sức cần thiết. Vừa qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ phối hợp Công an thành phố tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp đối với các dự thảo luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, trong đó có dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ.

Thượng tá Nguyễn Hoàng Sa, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Cần Thơ đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ.
Dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ điều chỉnh, bổ sung một số nội dung liên quan đến quy định về đo nồng độ cồn, hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, độ tuổi lái xe đạp điện, thay đổi kết cấu phương tiện giao thông, việc cấp cứu tai nạn giao thông trên hiện trường, người tham gia giao thông là người khuyết tật… Dự thảo này sẽ trình tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.
Góp ý cho dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ, các đại biểu đề nghị cần xem xét bổ sung một khoản tại Điều 3 để giải thích cụ thể về thuật ngữ “tổng thành”, nhằm bảo đảm tính khả thi, thuận tiện trong thực thi. Đồng thời, đề nghị cần làm rõ các căn cứ, cơ sở khoa học của quy định cấm để đảm bảo tính thuyết phục, tránh tình trạng không quản lý được thì cấm, gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực tới xã hội.
Tại khoản 1, Điều 9, dự thảo Luật Trật tự, ATGT nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Với quy định này, chị Nguyễn Thị Nga ở phường Thới An, quận Ô Môn, rất đồng tình. Theo chị Nga, rượu, bia ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần và hành vi của con người, đặc biệt là những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia thì nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Hiện nay, việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe đang phát huy rất hiệu quả.
Tuy nhiên, một số người vẫn có ý kiến không nên cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn tham gia giao thông, chỉ nên cấm người lái xe có nồng độ cồn vượt mức an toàn. Bởi trong thực tế, người uống một ít rượu, bia khoảng 6-10 giờ trước đó, về nhà nghỉ ngơi sau đó làm việc, điều khiển phương tiện bình thường. Tuy nhiên, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra thì vẫn vi phạm quy định về nồng độ cồn vì tùy thể trạng từng người “hơi rượu, bia” sẽ giữ lại trong người lâu hay mau hết. Thêm vào đó, một số thức ăn, đồ uống, gia vị có chứa mức độ cồn nhất định (ăn cơm rượu, uống rượu thuốc trị bệnh...), người sử dụng vẫn bị vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Quy định nồng độ cồn trong hơi thở bằng “0” là chưa thực sự phù hợp thực tế.
Ngoài ra, tại hội nghị lấy ý kiến, một số đại biểu cho rằng cần xem xét đưa vào đào tạo và cấp chứng chỉ cho người lái xe gắn máy, xe điện thuộc độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi; làm rõ hơn cơ sở pháp lý và thực tiễn quy định về việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ;...
Đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký xe, Thượng tá Nguyễn Hoàng Sa, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Cần Thơ, đồng tình với quy định về tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng giấy tờ khi đăng ký xe; công tác đăng ký xe đã phân cấp triệt để đến công an cấp huyện, cấp xã đủ điều kiện, nhằm giảm số lần đi lại và thời gian chờ đợi của người dân và doanh nghiệp, công khai minh bạch các thủ tục, lệ phí đăng ký, cấp biển số. Đặc biệt là nghiên cứu chuyển từ phương thức cấp và quản lý biển số xe theo phương tiện, sang cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe, tiếp nhận và sử dụng dữ liệu điện tử qua cổng dịch vụ công để thực hiện đăng ký, cấp biển số xe, đáp ứng chương trình chuyển đổi số quốc gia, phục vụ mục tiêu công dân số, Chính phủ số theo Đề án 06 của Chính phủ...
Bài, ảnh: CHẤN HƯNG