03/01/2022 - 10:45

Nhiều làng nghề ở An Phú gặp khó 

PHI ÐIỆP

Các ngành nghề nông thôn trên địa bàn huyện An Phú, tỉnh An Giang có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn góp phần nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho một bộ phận gia đình nông thôn. Tuy nhiên các mô hình này hiện nay đang gặp khó khăn, rất cần được hỗ trợ ...

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm ở xã Đa Phước, huyện An Phú đang bị mai một.

Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú - Nguyễn Thị Phướng cho biết, trên địa bàn huyện An Phú có 42 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn (doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh gia đình), với các nhóm ngành nghề như chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ. Các ngành nghề nông thôn này tập trung chủ yếu ở các xã như Ða Phước, Khánh An và
Phước Hưng.

Hiện nay, các ngành nghề nông thôn trên địa bàn huyện An Phú giải quyết việc làm cho 216 lao động, trong đó có 175 lao động thường xuyên và 41 lao động có tay nghề cao. Thu nhập bình quân mỗi lao động từ 5-6 triệu đồng/tháng (đối với lao động thường xuyên). Sản phẩm làm ra được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh, một phần xuất qua Campuchia.

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm phát triển mạnh từ cách đây 6-7 năm ở xã Ða Phước và Nhơn Hội và đã hình thành làng nghề dệt thổ cẩm. Nhờ mẫu mã độc đáo, đa dạng nên sản phẩm được gắn kết với du lịch trong một thời gian dài. Tuy nhiên hiện nay, do thiếu sáng tạo, cải tiến mẫu mã nên mặt hàng này không còn hấp dẫn, chỉ còn một vài hộ hoạt động cầm chừng. Nghề dệt thổ cẩm ở địa phương đang bị mai một do biến động của thị trường, sản phẩm bị cạnh tranh với các mặt hàng của những địa phương khác. Mặt khác, giá nguyên liệu tăng, trong khi sản phẩm làm ra chỉ để bán ở địa phương, không tìm được thị trường ổn định nên việc sản xuất ngày càng gặp khó. Ngoài ra, việc truyền đạt kinh nghiệm từ thế hệ trước cho thế hệ trẻ về nghề dệt thổ cẩm còn yếu, chưa tạo được ý thức gìn giữ những tinh hoa văn hóa của dân tộc. "Hiện nay, thanh niên trong ấp không còn ai mặn mà với nghề dệt nữa. Hầu như tất cả đều đi làm ở các công ty, xí nghiệp nên nghề này ở địa phương chỉ còn lại vài người. Thêm vào đó là những người nắm giữ cách làm khung dệt thuộc thế hệ trước đã không còn nên khó phát triển được" - chị Ây Seh (xã Ða Phước) bộc bạch.

Các ngành nghề nông thôn được duy trì và phát triển đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ, thu hút được một lượng lớn lao động tham gia. Qua đó góp phần tăng thu nhập cho một bộ phận người dân, nhất là khu vực thuần nông. Tuy nhiên hiện nay, các ngành nghề nông thôn, ngành nghề truyền thống trên địa bàn huyện An Phú chưa phát triển mạnh mẽ, quy mô hoạt động còn nhỏ lẻ, không bền vững...

Theo bà Nguyễn Thị Phướng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trên. Một phần do xuất phát điểm ở huyện còn thấp, ngành nghề phát triển chưa cao, thiếu ổn định, việc tăng trưởng các ngành nghề nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH cho nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác, các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn ở quy mô nhỏ, mang tính chất tự phát, chưa thu hút được nhiều nguồn lực lao động; máy móc thiết bị ở mức đơn giản nên sản phẩm làm ra đa phần chỉ để tiêu thụ tại địa phương, chưa có sức cạnh tranh ra bên ngoài nhiều... Thời gian tới, huyện An Phú sẽ tiến hành quy hoạch cụ thể từng vùng, từng khu vực, xây dựng kế hoạch dạy nghề phù hợp, đúng đối tượng, đúng mục đích và có hiệu quả thiết thực trong sản xuất sản phẩm, gắn kết việc dạy nghề với tiêu chí nông thôn mới của các xã. Ðồng thời, đẩy mạnh việc phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác từ những cá thể riêng lẻ để thành lập hợp tác xã với những điều kiện ưu đãi nhằm cho ra đời những sản phẩm đồng nhất, có chất lượng, mãi lực cao và tăng lợi nhuận góp phần phát triển kinh tế nông thôn...

Chia sẻ bài viết