15/05/2009 - 09:23

Nhiều kiến nghị, giải pháp phát triển nông nghiệp tổng hợp ở Đồng bằng sông Cửu Long

* Trên 18 tỉ đồng triển khai công tác khuyến nông, khuyến ngư

(CT)- Như tin đã đưa, sáng ngày 14-5, Hội thảo “Chiến lược và giải pháp phát triển nông nghiệp tổng hợp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” tiếp tục diễn ra tại TP Cần Thơ. Trong buổi làm việc này, các vấn đề liên quan đến nuôi trồng thủy sản (NTTS), thủy lợi và nhiều lĩnh vực khác tiếp tục được đưa ra thảo luận nhằm tìm giải pháp phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL.

Theo Bộ NN&PTNT, ĐBSCL có nhiều lợi thế và tiềm năng cho phát triển NTTS lớn nhất cả nước và khu vực. NTTS ở ĐBSCL đã và đang phát triển mạnh mẽ đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế chung của vùng và cả nước. Tuy nhiên, phát triển NTTS ở ĐBSCL diễn ra quá nóng, trình độ dân trí, trình độ canh tác, cơ sở hạ tầng (đặc biệt là hệ thống thủy lợi) chưa đủ đảm bảo cho phát triển NNTS cũng như phát triển nông nghiệp nông thôn ở ĐBSCL một cách bền vững.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu kiến nghị: Bộ NN&PTNT cần thành lập Ban chỉ đạo thực hiện quy hoạch phát triển NTTS vùng ĐBSCL để phối hợp, chỉ đạo các địa phương xây dựng quy hoạch chi tiết cho từng địa phương và xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư, đồng thời nắm bắt thông tin, kịp thời điều chỉnh quy hoạch theo từng thời kỳ thực hiện. Bộ NN&PTNT kết hợp với các ngành, các tổ chức trong và ngoài nước tiến hành xây dựng thương hiệu quốc tế cho tôm sú và cá tra nuôi; xây dựng quy hoạch chi tiết hệ thống chế biến, thương mại thủy sản và quy hoạch hệ thống sản xuất giống thủy sản vùng ĐBSCL… Ngoài ra, phát triển thủy lợi không chỉ phục vụ nông nghiệp mà cả các ngành kinh tế khác; công trình thủy lợi phải đảm bảo nhu cầu nước ổn định về lượng và chất, có giải pháp thích ứng tiêu thoát nước dư thừa và ô nhiễm… Liên quan đến phát triển nông nghiệp nông thôn tổng hợp ĐBSCL, nhiều đại biểu còn kiến nghị: các viện, trường, các ngành hữu quan cần nghiên cứu, tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi có khả năng thích ứng với những biến đổi khí hậu trong thời gian tới; quan tâm đến vấn đề bảo quản sau thu hoạch, dạy nghề cho lao động nông thôn, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn (hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn, điện, trường…)…

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những ý kiến thảo luận tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, cho biết: Thống nhất xây dựng chương trình khung “Chiến lược và giải pháp phát triển nông nghiệp tổng hợp ở ĐBSCL”. Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB) (đơn vị tài trợ) sẽ thực hiện vấn đề này và tiếp tục lấy ý kiến từ các địa phương trong vùng để Chương trình có ý nghĩa thiết thực cho ĐBSCL. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: Phát triển nông thôn tổng hợp vùng ĐBSCL là vấn đề lớn. Vì thế, các địa phương vùng ĐBSCL đề xuất, kiến nghị giải pháp, nhu cầu đầu tư… phải mang ý nghĩa rộng, không thể bó hẹp trong lĩnh vực nông nghiệp và phải có tầm nhìn đến năm 2020. Đặc biệt, những giải pháp kiến nghị này cần lưu ý đến vấn đề biến đổi khí hậu trong thời gian tới…

* Theo Viện Kế hoạch, Bộ NN&PTNN, trong năm 2009, từ ngân sách trung ương, các tỉnh ĐBSCL được đầu tư 18,279 tỉ đồng cho công tác khuyến nông, khuyến ngư để triển khai các hoạt động xây dựng mô hình trình diễn; tổ chức thông tin, tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo. Công tác này tập trung vào các nội dung như: triển khai sản xuất lúa chất lượng cao, sử dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch lúa, chăn nuôi an toàn sinh học, nuôi thủy sản thân thiện với môi trường và tập trung vào các đối tượng có khả năng chế biến xuất khẩu.

Bộ NN&PTNT cũng đang tiếp tục xây dựng định mức, kinh tế kỹ thuật cho công tác khuyến nông, khuyến ngư; xây dựng chương trình khuyến công, khuyến ngư phục vụ sản xuất cho các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực, tạo nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu cho vùng ĐBSCL.

HÀ TRIỀU – TRANG THẢO

Chia sẻ bài viết