03/09/2017 - 05:05

Nhiều dư địa khởi nghiệp trong nông nghiệp 

Vừa qua, Diễn đàn nông nghiệp APEC về khởi nghiệp và sáng tạo diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017 tại TP Cần Thơ tạo cơ hội cho các nền kinh tế thành viên APEC thảo luận, chia sẻ những ý tưởng nông nghiệp. Đồng thời đề xuất chính sách và giải pháp công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) bắt đầu khởi nghiệp hoặc chuyển sang hoạt động kinh doanh về nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác công - tư.

Đầu tư cho công nghệ

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp là chính, nên vẫn có nhiều dư địa cho những doanh nhân khởi nghiệp nông nghiệp. Thêm vào đó, nhu cầu lương thực trên thế giới ngày càng tăng theo mức tăng dân số, nên cơ hội khởi nghiệp cũng lớn hơn. Xu hướng sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam đang chú trọng mô hình sản xuất hữu cơ, làm nông nghiệp sạch vừa đảm bảo nguồn lương thực an toàn, vừa bảo vệ môi trường sinh thái. Đây cũng là xu hướng của thế giới trong tương lai.

Nông nghiệp vẫn còn nhiều dư địa để phát triển khởi nghiệp. Ảnh: Vườn bưởi ở xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: GIA BẢO

Trong những năm gần đây, hoạt động khởi nghiệp trong nông nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển rất mạnh. Nông nghiệp đóng góp khoảng 20% GDP quốc gia; 70% sản phẩm nông nghiệp do các nông hộ nhỏ sản xuất, nhưng họ chủ yếu quản lý sản xuất bằng kinh nghiệm. Thực tế chứng minh, nông dân sử dụng quá nhiều đầu vào để sản xuất (giống, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) nhưng họ chưa lường hết sự lạm dụng này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sinh thái.

Nông dân là những người thiệt thòi nhất trong chuỗi lương thực, do họ thiếu thông tin thị trường, thiếu vốn đầu tư cho công nghệ… Và nghịch lý là nông dân có thể có mùa vụ bội thu, nhưng giá bán sản phẩm lại không cao, trong khi người tiêu dùng phải trả giá cao để mua sản phẩm. Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, dẫn chứng: “Thời gian qua, Việt Nam thúc đẩy mục tiêu tăng sản lượng, năng suất rất cao, nhưng hiệu quả và tính bền vững lại là câu hỏi mở. Chúng ta quá chú trọng tăng sản lượng lúa, tăng lượng cá tra,… trong khi chưa đánh giá hết mức độ cạnh tranh của những sản phẩm này trên thị trường”.

Các chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng, Việt Nam phải đi theo xu hướng phát triển của thế giới, đó chính là phát triển bền vững. Muốn như vậy, cần có công nghệ phù hợp, để giúp nông dân quản trị tốt và ứng dụng hiệu quả trong khâu sản xuất, thu hoạch và sau thu hoạch. Ông Francis Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc khối phát triển ứng dụng, Microsoft Việt Nam, cho rằng: “Công nghệ là tất yếu cơ bản để đi đến thành công. Microsoft rất muốn hỗ trợ DN khởi nghiệp, năm 2016, Microsoft đã hỗ trợ cho Mimosa Tek thực hiện dự án khởi nghiệp. Chúng tôi cung cấp cho họ công nghệ, kỹ năng mềm, phần mềm điện toán đám mây... để tiếp cận, đưa công nghệ sản xuất trên điện toán đám mây đến với nông dân”. Mimosa Tek sử dụng công nghệ điện toán đám mây cung cấp giải pháp tưới nước chính xác cho các loại cây trồng. Đây chính là nền tảng của nông nghiệp chính xác, giúp nông dân phát triển sản xuất bền vững qua việc tối ưu năng suất trong khi giảm thiểu chi phí và rủi ro mùa vụ.

Theo ông Tuấn Anh, phát triển giải pháp công nghệ cần tính đến yếu tố phù hợp với thu nhập của nông dân, khả năng chi trả của họ, công nghệ càng rẻ thì mọi người càng có nhiều cơ hội tiếp cận. Có thể lựa chọn công nghệ điện toán đám mây, lựa chọn một nhóm nông dân để họ trải nghiệm công nghệ này và so sánh sự khác biệt.

Xác định giá trị cốt lõi

Sản xuất nông nghiệp đang đối mặt với rất nhiều rủi ro, đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu. Vì vậy, cần tính toán lại chuỗi giá trị, để người nông dân không bị bỏ rơi lại trong cuộc phát triển. Ngoài các giải pháp phát triển công nghệ, cần có định chế tài chính trong đảm bảo giảm rủi ro cho người nông dân. Các chính sách phát triển của Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong chuỗi mắt xích khởi nghiệp. Chính sách sát thực tiễn sản xuất sẽ thúc đẩy sự thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, tiến dần đến nền sản xuất hiện đại. Đồng thời thúc đẩy sự hợp tác giữa nông dân với nông dân, giữa DN với DN, giữa DN với nông dân.

Theo ông Cao Thăng Bình, chính sách của Chính phủ cần chuyển đổi từ mục tiêu sản xuất sang tối ưu hóa hiệu quả sản xuất. Đây là yếu tố cốt lõi để thay đổi, nếu Chính phủ có cam kết về thay đổi chính sách. Đồng thời kêu gọi đầu tư từ tư nhân vào nông nghiệp. Chính phủ hiện nay đã nhận thấy được điều đó và đang hỗ trợ mạnh mẽ cho khu vực tư nhân. Nhưng để thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp, cần có con người. Chính phủ cần hỗ trợ việc đào tạo bài bản nguồn nhân lực cho kinh doanh, cho sản xuất; đồng thời có giải pháp tài chính để phát triển nguồn nhân lực. Nhân lực là yếu tố cốt lõi của khởi nghiệp, khi họ làm nên những điều mới mẻ, sáng tạo mà chưa ai làm thì mới hút được các nhà đầu tư.

Một số ý kiến cũng nhấn mạnh về giá trị cốt lõi và cần có vườn ươm khởi nghiệp nông nghiệp để hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, nông dân không chỉ tiếp cận công nghệ mà họ cần phải hiểu thách thức và mục tiêu mà họ muốn đạt được, đặc biệt là nhu cầu thị trường, thị hiếu tiêu dùng. Và trong chuỗi giá trị phát triển lương thực bền vững có vai trò của các tác nhân, Việt Nam đang áp dụng là chuỗi liên kết “4 nhà” (nhà nông, DN, nhà khoa học, Nhà nước) khá hiệu quả. Cuối cùng, quan trọng vẫn là cần định chế tài chính hỗ trợ nông dân. Nếu để nông dân quá phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại cho sản xuất, kinh doanh thì nông dân khó thoát khỏi cảnh nghèo và dễ bị bỏ rơi lại trong quá trình phát triển.

Cùng với những chia sẻ của các chuyên gia nông nghiệp, chuyên gia công nghệ, của DN khởi nghiệp thành công, ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: Khởi nghiệp trong nông nghiệp là vấn đề thời sự mà chúng ta đang nỗ lực thúc đẩy. Những chia sẻ của các chuyên gia quốc tế đến từ các nền kinh tế APEC tại Diễn đàn khởi nghiệp nông nghiệp có giá trị lớn, giúp chúng ta nâng cao nhận thức để hỗ trợ các Startup. APEC là khu vực phát triển mạnh mẽ trong các hoạt động phát triển nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp. Chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác, tạo ra vườn ươm cho nông nghiệp. Cần có các động cơ để thúc đẩy tiếp cận khởi nghiệp và PPP (hợp tác công tư) là công cụ hiệu quả thực hiện hỗ trợ khu vực tư nhân khởi nghiệp. 

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết