15/09/2017 - 22:07

Nhiều đơn vị kiến nghị miễn vé qua trạm BOT quốc lộ 91 

Từ ngày 1-9-2017, trong tổng số 284 phương tiện của 3 địa phương (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang) được giảm giá phí qua trạm thu phí BOT (trạm T1, T2) trên quốc lộ 91 (QL91), TP Cần Thơ có 32 phương tiện. Thành phố đang tiến hành rà soát các phương tiện gần trạm thu phí để đề xuất chủ đầu tư cấp thẻ miễn vé qua trạm đợt 2.

Trạm thu phí T2 trên QL 91. Ảnh: G.B

 

Giá vé cao, vị trí đặt trạm chưa hợp lý

Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn Km14+000 đến Km50+889 theo hình thức hợp đồng BOT (gọi tắt là Dự án) có tổng mức đầu tư 1.720 tỉ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn dự án dự kiến khoảng 23 năm 5 tháng. Vừa qua, trong quá trình vận hành khai thác công trình dự án, việc thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại Trạm thu phí hoàn vốn đầu tư Dự án đã nảy sinh một số phản ánh của Hiệp hội vận tải ô tô An Giang, Kiên Giang, Sở GTVT Kiên Giang, doanh nghiệp (DN) vận tải địa phương và người dân về bất cập trong việc thu phí tại Trạm thu T2 (Km50+050) QL91. Nguyên nhân bức xúc của người dân là “mức thu phí quá cao và vị trí đặt trạm chưa thực sự đảm bảo tính công bằng”.

Ngày 30-5-2017, Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp với các địa phương, nhà đầu tư và cơ quan có liên quan để giải quyết những kiến nghị có liên quan đến trạm thu phí của Dự án. Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Hiệp hội vận tải ô tô An Giang, Kiên Giang và các đơn vị có liên quan để hỗ trợ các phương tiện và người dân sinh sống trong phạm vi lân cận trạm thu phí và các luồng xe theo tuyến cố định, tuyến xe buýt đi qua trạm nhưng sử dụng quãng đường BOT ngắn theo hướng từ tỉnh Kiên Giang về tỉnh An Giang và ngược lại qua trạm T2 (Km50+050), Bộ GTVT thống nhất nguyên tắc giảm giá dịch vụ của một số phương tiện qua trạm T2 trên cơ sở đảm bảo hiệu quả tài chính của Dự án.

Theo đó, giảm 100% giá vé sử dụng dịch vụ đường bộ T1 đối với xe buýt, xe khách phục vụ vận chuyển hành khách công cộng, chạy từ tuyến cố định sử dụng quãng đường BOT theo hướng từ tỉnh Kiên Giang (QL80) về tỉnh An Giang (QL91) và ngược lại. Giảm 100% giá vé qua trạm T2 đối với các phương tiện của người dân sinh sống có hộ khẩu thường trú trong phạm vi lân cận trạm thu phí (tùy theo địa giới hành chính cụ thể). Tại Văn bản số 8687/BGTVT-ĐTCT ngày 3-8-2017 và Văn bản số 9849/BGTVT-ĐTCT ngày 29-8-2017 thống nhất giảm giá dịch vụ đường bộ qua trạm T2 và trạm T1 của 3 địa phương có 284 phương tiện. Các phương tiện qua trạm T1, Cần Thơ có 10 phương tiện; qua trạm T2 Cần Thơ có 22 phương tiện, 73 phương tiện thuộc tỉnh An Giang và 179 phương tiện thuộc tỉnh Kiên Giang.

Trạm thu phí T1 trên QL 91. Ảnh: Đ.LÝ

Ông Nguyễn Hoàng Đạo, Trưởng ban điều hành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt TP Cần Thơ, cho biết, mỗi ngày đơn vị có khoảng 26-30 xe buýt qua trạm thu phí T1 (Km16+905,83) nhưng không được miễn vé. Mỗi xe đóng phí cho 4 lượt đi về/ngày là 140.000 đồng. Trong đợt miễn giảm lần này, đơn vị kinh doanh xe buýt chạy tuyến Cần Thơ chưa được miễn giảm. Nên đơn vị đã có công văn gửi về Sở GTVT thành phố tổng hợp để xem xét chủ đầu tư BOT miễn phí qua trạm T1. Vì giá xe buýt hiện nay không tăng, đơn vị chưa được thành phố trợ giá như nhiều địa phương khác, nên nếu gánh thêm chi phí qua trạm BOT sẽ tăng thêm chi phí hoạt động. DN hoạt động công ích thu tiền qua trạm là rất khó cho DN.

Cần đảm bảo sự công bằng

Ngày 30-8, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã ký Công văn số 9901/BGTVT- ĐTCT việc thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại trạm T1 và T2 gửi TP Cần Thơ, tỉnh An Giang, Kiên Giang yêu cầu phối hợp thực hiện. Hiện trạm T1 và T2 đang áp dụng miễn 100% giá vé qua trạm với 284 phương tiện của An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ. Đối với các phương tiện vận chuyển hành khách hợp đồng và phương tiện vận tải hàng hóa có hợp đồng chạy trên tuyến cố định của các địa phương, Bộ giao Tổng cục đường bộ Việt Nam và các bên liên quan nghiên cứu đề xuất phương án xử lý, báo cáo Bộ xem xét.

Theo Bộ GTVT, đối với dự án này, dù khoảng cách giữa 2 trạm T1 và T2 nhỏ hơn 70km, nhưng việc thu phí đã được tính toán và phương án thu trên nguyên tắc mỗi phương tiện chi trả phí 1 lần đi qua hai trạm.

Phương án này được sự thống nhất của Thành ủy, HĐND, UBND TP Cần Thơ và thỏa thuận của UBND TP Cần Thơ, đã họp có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh An Giang và ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính.

Công văn 9901 của Bộ GTVT cũng nêu rõ đối với kiến nghị di dời trạm T2, Bộ đã đề nghị chủ đầu tư, DN dự án thực hiện chỉ đạo của Bộ tại Văn bản số 6620 và nghiên cứu kiến nghị của Hiệp hội ô tô vận tải An Giang báo cáo Bộ xem xét trước ngày 5-11-2017.

Nhận được công văn của Bộ GTVT, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Công văn số 3450/UBND-KT nêu chỉ đạo của Chủ tịch thành phố. Chủ tịch thành phố giao Giám đốc Sở GTVT chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND quận Ô Môn và đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền cho người dân và các chủ phương tiện tham gia giao thông chấp hành pháp luật của Nhà nước. Phối hợp với các đơn vị chức năng có giải pháp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn, đặc biệt là khu vực thu phí, không để xảy ra ùn tắc giao thông khu vực trạm thu giá dịch vụ, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật (nếu có), tránh hiện tượng các phần tử xấu lợi dụng để lôi kéo, kích động gây rối làm mất an ninh trật tự xã hội.

Theo Sở GTVT TP Cần Thơ, để tạo điều kiện cho các phương tiện và đảm bảo công bằng cho các phương tiện qua trạm, Sở đang phối hợp với các bên liên quan để thống thống kê đợt 2 số phương tiện gần trạm thu phí thuộc diện miễn giảm vé qua trạm. Đồng thời phối hợp với chủ đầu tư BOT, UBND quận Thốt Nốt, Ô Môn hướng dẫn DN, chủ phương tiện làm hồ sơ miễn giảm phí gửi về Tổng cục đường bộ Việt Nam để được xem xét.

GIA BẢO - MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
BOTtrạm thu phí