19/06/2024 - 08:34

Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính 

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan, đơn vị của TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện 18/35 nhiệm vụ của kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) năm 2024; các nhiệm vụ, hoạt động còn lại đã và đang được triển khai đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Trong đó, nhiều nội dung, chỉ tiêu có sự chuyển biến tích cực, như: cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chế độ công vụ và các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số.

Công chức tiếp nhận và giải quyết TTHC của các tổ chức, công dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Cần Thơ.

Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm nâng cao chất lượng công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả, HÐND thành phố ban hành 10 nghị quyết; UBND thành phố ban hành 9 quyết định; thực hiện cập nhật 19 văn bản được ban hành lên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định. Bên cạnh cải cách thể chế, nội dung cải cách TTHC có sự chuyển biến tích cực, tạo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Ðặc biệt, sự kiện ra mắt Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Cần Thơ (tháng 2-2024) được xem là bước đột phá trong công tác CCHC. Trung tâm là đầu mối tập trung để thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả đối với các TTHC của 16 sở và tương đương.

Bên cạnh đó, Bộ phận Một cửa UBND cấp huyện và cấp xã đều được trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống mạng không dây, đáp ứng yêu cầu phục vụ tổ chức, cá nhân khi đến liên hệ làm việc. Ông Trần Anh Dũng ở khu vực 6, phường An Cư, quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Tôi đến Bộ phận Một cửa UBND phường để làm giấy khai sinh cho cháu. Tôi cảm thấy rất hài lòng khi được công chức tận tình hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, nhất là có thể liên thông đăng ký cấp giấy khai sinh, bảo hiểm y tế và đăng ký thường trú, rất tiện lợi vì không phải đi lại nhiều lần”.

Hay như anh Nguyễn Văn Hy ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, vừa mở cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, anh được bạn bè hướng dẫn đăng ký thành lập hộ kinh doanh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tuy lần đầu thực hiện TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, nhưng qua thực tế trải nghiệm, anh thấy các thao tác khá đơn giản, vì có phụ lục chi tiết hướng dẫn và có thể thanh toán phí qua tài khoản. “Tôi nghĩ cần đẩy mạnh tuyên truyền dịch vụ công đến với người trẻ bởi đối tượng này sử dụng thành thạo thiết bị công nghệ, dễ nắm bắt quy trình thực hiện. Việc giao dịch hồ sơ trên mạng cũng công khai, minh bạch quá trình thực hiện, biết rõ thời gian nhận kết quả nên mình cũng an tâm hơn” - anh Hy chia sẻ.

Theo UBND thành phố, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của thành phố đã được kết nối, khai thác thông tin, dữ liệu dân cư với các dịch vụ của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đáp ứng yêu cầu để phục vụ việc tra cứu, xác thực dữ liệu dân cư khi giải quyết các TTHC. Ðiều này giúp người dân không phải xuất trình hoặc nộp các bản sao có chứng thực của các giấy tờ công dân khi thực hiện các TTHC, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của người dân.

Các đơn vị, địa phương cũng triển khai nhiều sáng kiến trong công tác CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC. Ngay từ đầu năm, UBND quận Ô Môn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đăng ký thực hiện mô hình, sáng kiến mới phù hợp điều kiện thực tế tại cơ quan, đơn vị, gắn với giải quyết những vướng mắc trong thực hiện TTHC. Cụ thể, UBND phường Thới Hòa thực hiện 2 sáng kiến: cuộc thi tìm hiểu về công tác CCHC và thực hành nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến; phối hợp Viettel xây dựng phần mềm ứng dụng theo dõi, đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ đối với công chức phường. UBND phường Châu Văn Liêm thực hiện trao giấy chứng nhận kết hôn tại UBND phường. UBND phường Thới An thực hiện mô hình “Ngày không hẹn, nộp hồ sơ trực tuyến và trả kết quả trước hạn 100%”. Hoặc như quận Ninh Kiều thí điểm một số lĩnh vực TTHC nhận trực tuyến (không nhận trực tiếp) có cam kết rút ngắn thời hạn giải quyết; xây dựng mô hình “Ngày không hẹn” trong giải quyết TTHC (phường An Cư); quét mã QR để khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC (phường An Phú).

Từ các giải pháp đồng bộ trên, kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, dịch vụ công trực tuyến theo thời gian thực trên môi trường điện tử của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 81,86% (xếp hạng 4/63 tỉnh, thành). Trong đó, nhóm chỉ số công khai, minh bạch đạt tỷ lệ 72,78%; nhóm chỉ số tiến độ, kết quả giải quyết đạt tỷ lệ 96%; nhóm chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ 65,83%; nhóm chỉ số về thanh toán trực tuyến đạt tỷ lệ 91%; nhóm chỉ số số hóa hồ sơ đạt tỷ lệ 68,64%; nhóm chỉ số mức độ hài lòng đạt tỷ lệ 97,22%.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác cải cách TTHC vẫn còn một số hạn chế nhất định. Ðó là một số cơ quan, đơn vị còn tình trạng cập nhật thông tin giải quyết hồ sơ TTHC trên phần mềm chưa kịp thời; còn tình trạng giải quyết hồ sơ TTHC trễ hạn như: UBND quận Ninh Kiều (1 hồ sơ), UBND quận Bình Thủy (5 hồ sơ), Sở Kế hoạch và Ðầu tư (1 hồ sơ), Sở Tài nguyên và Môi trường (25 hồ sơ), Sở Y tế (2 hồ sơ), Sở Giao thông vận tải (7 hồ sơ). Tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa trong giải quyết TTHC của thành phố còn thấp (6,56%). Nguồn nhân lực quản lý, triển khai chuyển đổi số trong các cơ quan, nhà nước còn thiếu và yếu, nhất là ở cấp xã. Thời gian tới, các cấp, các ngành tập trung đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế trên, trong đó chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng lại thông tin, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được số hóa trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị. Ðồng thời, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các địa phương trong theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển chính quyền số.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết