02/11/2022 - 08:19

Chuyển đổi số ở ÐBSCL

Nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài 

Bài, ảnh: ANH KHOA

Tại Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số (CÐS) ở ÐBSCL” do Báo Tiền Phong phối hợp với UBND TP Cần Thơ và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức mới đây, các nhà quản lý, chuyên gia đã đề xuất các giải pháp thiết thực thúc đẩy CÐS cho vùng ÐBSCL. Nhất là đẩy mạnh CÐS trong lĩnh vực nông nghiệp, tiềm năng và thế mạnh của vùng ÐBSCL.

Chuyên gia đề xuất giải pháp thúc đẩy CÐS cho vùng ÐBSCL.

Xu thế tất yếu

Theo ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là một trong những lực lượng đi đầu trong thực hiện CÐS. Là cơ quan Trung ương của Ðoàn, Báo Tiền Phong rất nỗ lực truyền thông, tích cực tham gia vào hoạt động thực tiễn thúc đẩy quá trình CÐS; trong đó có phối hợp tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy CÐS ở ÐBSCL”. CÐS trong lĩnh vực nông nghiệp được xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên, Chương trình CÐS Quốc gia đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Việc thúc đẩy CÐS ở ÐBSCL sẽ giúp quản lý, khai thác, bảo vệ tốt hơn các nguồn tài nguyên vô giá đang bị đe dọa như quỹ đất đai, nguồn nước, nguồn lợi thủy sản…, hỗ trợ hiệu quả công cuộc chống biến đổi khí hậu. Ngoài vấn đề phát triển kinh tế, việc thúc đẩy chính quyền số, xã hội số cũng được coi là động lực thúc đẩy sự phát triển hạ tầng xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng ÐBSCL.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho rằng: CÐS phải gắn liền với thực tế đời sống kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, mang lại những giá trị bền vững và hữu ích. Theo đánh giá, vùng ÐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Vì vậy, ngoài việc CÐS gắn với mục tiêu phục vụ người dân nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, còn phải góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững của cả vùng. TP Cần Thơ với vị thế là trung tâm vùng ÐBSCL; do đó việc phải đi nhanh, đi trước trong khai thác tiềm năng thế mạnh của thành phố để tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng ÐBSCL là xu thế tất yếu.

Ðến nay, TP Cần Thơ đã cơ bản xây dựng đầy đủ khung pháp lý về CÐS, trong đó xác định CÐS đảm bảo trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thành phố đang hoàn thiện khung pháp lý về phát triển đô thị thông minh, phê duyệt Ðề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở Ðề án, các ngành, các cấp xác định nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý để triển khai thực hiện theo lộ trình đề ra.

CÐS để ÐBSCL phát triển bền vững

Tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia đã đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách, thể chế để thúc đẩy CÐS ở ÐBSCL trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ vùng. TS Nguyễn Tuấn Hoa, Chuyên gia CÐS, đang tư vấn CÐS cho nhiều địa phương trong cả nước, cho rằng: ÐBSCL cần có giải pháp đẩy mạnh CÐS trong nông nghiệp, thế mạnh của vùng. Nội dung trọng tâm của CÐS cần hướng đến là thông minh quá quy trình sản xuất và quy trình quản lý, đây cũng là chìa khóa trong CÐS. Nhiều doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam cần đi tìm những giải pháp xung quanh trục này. Nếu đưa được cơ chế tự động thông minh vào quy trình sản xuất, quản lý sẽ dẫn đến thay đổi được phương thức sản xuất của xã hội, trọng tâm của CÐS. Khi đưa công nghệ số vào tạo được một quy trình sản xuất nông nghiệp ÐBSCL hoàn toàn mới, dựa trên ứng dụng các công nghệ cao khác nhau và lấy công nghệ số làm nền tảng…

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh: ÐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển. Ðây là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên, Nghị quyết số 13 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 13) đánh giá kinh tế - xã hội của vùng còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tăng trưởng kinh tế vùng đang chậm lại, ô nhiễm môi trường gia tăng, tài nguyên đang bị suy thoái, các trung tâm logistics lớn chưa được hình thành, xuất khẩu chủ yếu các sản phẩm nông thủy sản giá trị gia tăng thấp; bên cạnh đó ÐBSCL đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn… Vì vậy, cần đẩy mạnh CÐS để cơ cấu lại kinh tế vùng ÐBSCL gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên đã được Chính phủ xác định là nhiệm vụ ưu tiên trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13. CÐS cũng là nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn vùng ÐBSCL.

Theo ông Phan Tâm, ÐBSCL có nhiều việc phải làm để thúc đẩy CÐS như nhiệm vụ phát triển mạnh hạ tầng số, nhất là hạ tầng điện toán đám mây; thông minh hóa hạ tầng các ngành, lĩnh vực, tạo cơ sở cho phát triển bền vững và chất lượng tăng trưởng; đẩy mạnh triển khai chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; đảm bảo an toàn thông tin mạng; tăng cường thông tin tuyên truyền, phát triển xã hội số. CÐS ở ÐBSCL cần giải quyết bài toán sinh kế bền vững cho người dân. Ðể người dân ÐBSCL nâng cao chất lượng cuộc sống cũng phải đẩy mạnh CÐS lĩnh vực giáo dục, y tế và các ngành mũi nhọn. Quan tâm nguồn nhân lực cho CÐS, vùng ÐBSCL nên cân nhắc chọn CÐS lĩnh vực giáo dục, đào tạo là ưu tiên để phát triển nhanh nhân lực số.

Theo TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay nhiều địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình CÐS, ban hành kế hoạch CÐS cấp tỉnh, lãnh đạo các địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của CÐS đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và triển khai thực hiện; mời các chuyên gia có uy tín tham gia các hội đồng tư vấn, mời các đơn vị mạnh về công nghệ và tài chính hỗ trợ. Các bộ, ngành và địa phương cũng đã tích cực triển khai xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến, một số bộ và tỉnh đã thông báo 100% dịch vụ công đạt mức độ 4, điều này cho thấy khả năng đạt được mục tiêu về chính quyền số, chính phủ số là hiện hữu. Tuy nhiên, mảng CÐS doanh nghiệp hiện nay còn rất chậm, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo. Nguyên nhân là các doanh nghiệp sản xuất thường là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu nguồn lực tài chính và con người cho CÐS, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu số cho doanh nghiệp và chưa có sự hỗ trợ của các chuyên gia về công nghệ và quản trị. Ðiều này ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu của kinh tế số. Trong các lĩnh vực của xã hội số, vấn đề vướng mắc hiện nay có lẽ là CÐS trong giáo dục và y tế. Ðây là 2 ngành có ảnh hưởng lớn nhất đối với đời sống xã hội, thu hút nguồn nhân lực và tài chính lớn nhất của xã hội, nhưng rất lúng túng trong CÐS.

TS Nguyễn Quân cho rằng để CÐS thành công, các địa phương cần quan tâm các vấn đề như xây dựng cơ sở dữ liệu số (CSDL) về mọi hoạt động của địa phương, có khả năng tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia; đào tạo và trọng dụng nguồn nhân lực CÐS; đầu tư nguồn lực vật chất và tài chính cho CÐS; nhận thức và ý chí chính trị của người đứng đầu về CÐS.

Chia sẻ bài viết