23/04/2008 - 09:58

Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Nhất trí giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, nhưng không hạ chỉ tiêu giảm nghèo

Chiều 22-4, thảo luận về Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2007 và triển khai thực hiện kế hoạch phất triển kinh tế - xã hội năm 2008 của Chính phủ, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí về việc cần điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8,5 - 9% xuống khoảng 7%, nhưng không hạ chỉ tiêu giảm nghèo (Nghị quyết của Quốc hội đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 11 - 12 %).

Trưởng ban công tác đại biểu của Quốc hội Phạm Minh Tuyên nhận định, trong điều kiện giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng cao, nền kinh tế lại tăng trưởng chậm lại thì nhất định tỷ lệ hộ nghèo sẽ gia tăng. Ông Tuyên đề nghị báo cáo của Chính phủ phải nêu rõ những giải pháp về an sinh xã hội, đặc biệt đối với những người thuộc diện nghèo. Đồng tình với ý kiến của ông Tuyên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước nêu rõ: Tiêu chí hộ nghèo mà nước ta quy định còn rất thấp. Báo cáo Chính phủ cần nêu rõ năm 2008 này sẽ giảm được bao nhiêu hộ nghèo. Các ông Phạm Minh Tuyên và Ksor Phước cũng nêu những băn khoăn về thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, nhất là hiện tượng đầu cơ. Hai thị trường này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nếu Nhà nước không có biện pháp quản lý chặt chẽ sẽ làm gia tăng lạm phát. Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng đánh giá, báo cáo của Chính phủ còn nặng về kinh tế, nhưng sơ lược về xã hội; chưa đánh giá đúng thực trạng và nêu được những giải pháp để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, tình hình khiếu kiện của dân... Những vấn đề về y tế, giải quyết việc làm, xóa đói và giảm nghèo cũng chưa được đề cập đúng mức trong báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, trong báo cáo của Chính phủ chỉ tiêu tăng giá tiêu dùng chưa rõ. Một vấn đề nữa chưa được báo cáo đề cập là nguồn vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài vào nước ta là bao nhiêu và khả năng kiểm soát, sử dụng hiệu quả nguồn vốn này như thế nào.

Ngoài những nguyên nhân khách quan làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân trong những tháng đầu năm 2008, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị những nguyên nhân chủ quan về điều hành cần nghiên cứu thêm như: Chính sách tiền tệ và vấn đề bội chi ngân sách nhà nước. Thực hiện lộ trình giá thị trường vào cuối năm. Việc thực hiện xử lý và điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Việc quản lý chi tiêu cuối năm trong các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của Nhà nước. Nhận thức và xử lý các phương tiện thanh toán. Theo ông Nguyễn Đức Kiên: Những nhân tố này nếu được xử lý thích hợp sẽ không dẫn đến gia tăng lạm phát và tăng giá.

ĐỖ CƯỜNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết