27/08/2012 - 21:17

Nhật Bản dẫn đầu về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ đầu năm đến nay đã có 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 4,33 tỉ USD, chiếm 51,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Samoa đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 889,8 triệu USD; Hàn Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 654,7 triệu USD.

Bình Dương đang là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 1,84 tỉ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm. Tiếp theo là thành phố Hải Phòng. Đồng Nai đứng thứ 3. TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã bật khỏi top 3 lần lượt đứng vị trí 4 và 5.

Tính đến hết ngày 20-8, cả nước có 672 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 5,52 tỉ USD, bằng 56,5% so với cùng kỳ năm 2011; đồng thời đã có 244 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 2,95 tỉ USD, bằng 96,8% so với cùng kỳ. Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 8 tháng, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 8,47 tỉ USD, bằng 66,1% so với cùng kỳ 2011.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 281 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 5,74 tỉ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 8 tháng. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 8 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,72 tỉ USD, chiếm 20,4%...

Nổi bật trong tháng 8, có một số dự án lớn được cấp phép là: dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,2 tỉ USD; dự án tăng vốn mở rộng sản xuất thêm 870 triệu USD của Công ty TNHH Wintek Việt Nam tại Bắc Giang; dự án Cty TNHH Sản xuất lốp xe Bridgestone VN tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 574,8 triệu USD...

Còn lại hầu hết các dự án đầu tư nước ngoài trong 8 tháng năm 2012 có quy mô vừa và nhỏ, tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, dịch vụ tư vấn, kinh doanh thương mại và sản xuất phần mềm.

Để thu hút được những dự án FDI có quy mô lớn vào Việt Nam, theo Cục Đầu tư nước ngoài cần phải có các dự án công nghiệp quy mô lớn và phải nằm trong quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam đến 2020; đồng thời hồ sơ xúc tiến đầu tư các dự án này cần được chuẩn bị kỹ theo đúng thông lệ quốc tế, trong đó xác định rõ hình thức đầu tư, địa điểm, đất đai, các điều kiện cơ sở hạ tầng liên quan (cung cấp điện nước), ưu đãi đầu tư...

Cũng trong 8 tháng qua, ước tính các dự án đầu tư FDI đã giải ngân được 7,28 tỉ USD, bằng 99,7% so với cùng kỳ năm 2011.

THÚY HIỀN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết