23/05/2011 - 20:59

Nhân rộng cánh đồng mẫu

Sau thành công của “cánh đồng mẫu lớn” (CĐML) có diện tích hơn 1.000 ha ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang do Công ty Bảo vệ thực vật An Giang thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động chương trình CĐML trên phạm vi toàn vùng ĐBSCL. Ở TP Cần Thơ, mô hình này được thực hiện thí điểm tại ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, từ vụ lúa hè thu 2011.

Nông dân trong Tổ hợp tác Đồng Vạn theo dõi cây lúa từng ngày. Ảnh: MINH HUYỀN 

Trong nhiều năm qua, người nông dân trồng lúa lo lắng nhất là đầu ra sản phẩm, làm sao sản xuất với chi phí thấp và bán được giá để thu về mức lợi nhuận cao nhất. Phía doanh nghiệp muốn có nguồn cung ổn định với sản lượng lúa lớn, chất lượng đồng đều để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đạt giá trị cao. Xuất phát từ thực tế này, ý tưởng CĐML ra đời. Theo quy hoạch của ngành nông nghiệp thành phố, CĐML sẽ được thực hiện tại Tổ hợp tác Đồng Vạn, ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh với diện tích 400 ha, 208 nông hộ tham gia. Đây được xem là địa phương thí điểm, là bước đệm cho việc nhân rộng mô hình này trong toàn thành phố. Như vậy, CĐML được xem là bước kế thừa và phát triển của việc ký kết hợp đồng bao tiêu lúa và “cánh đồng 1 giống” trước đó. Bà Nguyễn Thị Kiều, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, cho biết: “Đây là lần đầu tiên mô hình này được thực hiện ở TP Cần Thơ, nhằm giúp nông dân làm quen, áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào quá trình sản xuất lúa, từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ. Để mô hình được thực hiện thành công trong tương lai, Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố thường xuyên cử cán bộ xuống tận địa bàn để hướng dẫn bà con về kỹ thuật canh tác lúa”.

Tổ hợp tác Đồng Vạn được chọn làm nơi triển khai mô hình CĐML vì nơi đây hội đủ những điều kiện cần thiết cho sự thành công của mô hình này trong tương lai. Tổ hợp tác này ra đời từ năm 2008, ban đầu chỉ có 19 tổ viên với 43 ha. Đến vụ đông xuân 2010-2011, Tổ có 134 hộ tham gia với diện tích 295 ha, chủ yếu sản xuất hai giống lúa Jasmine và OM 7347. Trong đó, có trên 50 hộ tham gia vào nhóm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích 150 ha. Những nông hộ tham gia vào nhóm VietGap tuân thủ rất chặt chẽ việc ghi chép nhật ký đồng ruộng trong suốt quá trình sản xuất. Hàng tuần, nhóm đều họp một lần và cuối vụ sẽ tổng kết để đúc kết kinh nghiệm. Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống tận địa phương, trực tiếp hướng dẫn nông dân kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, sử dụng chế phẩm nấm xanh, trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch, phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Những cách làm này được nông dân nhiệt tình ủng hộ vì vừa tiết giảm chi phí đầu tư, vừa đảm bảo an toàn cho nông dân và nâng cao chất lượng hạt lúa. Sản phẩm lúa làm ra của nông dân được Công ty Cổ phần Thương nghiệp tổng hợp và Chế biến lương thực Thốt Nốt (Công ty Cổ phần Gentraco) bao tiêu được 4 vụ lúa. Giá lúa bằng hoặc cao hơn giá thị trường từ 50-250 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Thành, Tổ trưởng Tổ hợp tác Đồng Vạn, nói: “Nông dân trong Tổ hợp tác đã khá quen thuộc với lối làm ăn tập thể, sản xuất các giống lúa chất lượng cao và ứng dụng đồng loạt khoa học kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Vì thế, quy hoạch chuyển đổi sang mô hình cánh đồng mẫu (CĐM), bà con đều rất đồng thuận. Những nông dân không thuộc Tổ hợp tác nhưng có diện tích canh tác liền kề cũng đăng ký tham gia. Nhờ đó, diện tích của CĐM giờ đã nâng lên 400 ha với 208 nông hộ tham gia”.

Thực hiện sản xuất lúa theo mô hình CĐML, quy trình sản xuất với sự liên kết “4 nhà” là quy trình khép kín. Trên cơ sở hoạch định chính sách của địa phương, sự hỗ trợ về kỹ thuật của nhà khoa học, các doanh nghiệp sẽ tham gia thực hiện cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cũng như bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch. Và hơn ai hết, bản thân nông dân phải chủ động liên kết lại, góp đất với những hộ liền kề hình thành cánh đồng lớn hàng ngàn héc ta. Khi đó, việc đầu tư khoa học, kỹ thuật, thủy lợi nội đồng, vấn đề cơ giới hóa trong sản xuất lúa, khâu vận chuyển, chế biến mới được thực hiện đồng bộ. Nông dân sẽ tiết giảm chi phí sản xuất cho các khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển, không phải mua thiếu và trả lãi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, còn năng suất, chất lượng hạt lúa lẫn giá bán đều được nâng cao. DN cũng được lợi, vừa ổn định về địa bàn thu mua với số lượng lớn, chất lượng đồng đều, không phải qua nhiều khâu trung gian, việc xuất khẩu gạo cũng thuận lợi hơn. Theo bà Lưu Thị Lan, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco, công ty đã thực hiện bao tiêu 5 vụ lúa tại 3 huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai. Qua quá trình hợp tác bao tiêu lúa giữa DN và nông dân, nông dân sản xuất lúa đạt hiệu quả và lợi nhuận cao hơn, vùng lúa nguyên liệu của công ty cũng được phát triển nhanh và bền vững. Vì thế, công ty rất quan tâm đến việc xây dựng mô hình CĐM tại huyện Vĩnh Thạnh và đảm bảo sẽ tiếp tục tham gia hợp đồng bao tiêu lúa của CĐM để góp phần cùng nông dân và địa phương xây dựng thành công mô hình này”.

Ông Phạm Văn Quỳnh. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng: “Thời gian qua, ở TP Cần Thơ đã hình thành được những cánh đồng một loại giống tiến tới xây dựng thành công mô hình CĐML. Đây là cơ sở để chuyển sang nền sản xuất lúa hàng hóa với quy mô lớn ở TP Cần Thơ. Hiện tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố tiếp tục xây dựng và hoàn thiện đề án quy hoạch mô hình CĐML. Đồng thời, mối liên kết “bốn nhà” cần phải được thắt chặt hơn nữa để mô hình được thực hiện thành công trong tương lai”.

Thực tế cho thấy, để tiếp tục duy trì vị trí của một nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới, Việt Nam phải nhanh chóng chuyển sang nền sản xuất lúa hàng hóa với quy mô lớn. Vì thế, việc quy hoạch CĐML ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ là cơ sở để TP Cần Thơ hình thành những vùng canh tác lúa quy mô lớn, đáp ứng xu hướng phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.

MINH HUYỀN - MỸ THANH

Chia sẻ bài viết