30/09/2023 - 08:16

Nhận diện tiềm năng văn hóa trong phát triển ÐBSCL 

(CT) - Ngày 29-9, Trường Ðại học Cần Thơ chủ trì tổ chức tọa đàm “Văn hóa, kinh tế xã hội và nhân văn ÐBSCL - Ðặc trưng, đổi mới và phát triển”. Ðây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Phát triển bền vững ÐBSCL tầm nhìn 2045 (SDMD 2045) do Trường Ðại học Cần Thơ chủ trì.

GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: DUY KHÔI

GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: DUY KHÔI

Dự tọa đàm có lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các tổ chức quốc tế; lãnh đạo các hiệp hội, công ty, doanh nghiệp, các viện, trường... trong nước và quốc tế; lãnh đạo các tỉnh, thành ÐBSCL...

Các đại biểu đã tập trung trình bày những vấn đề cơ bản của văn hóa ÐBSCL như văn hóa sông nước, văn hóa miệt vườn, sự giao thoa văn hóa... Trong đó nhấn mạnh, con người văn hóa ÐBSCL, môi trường văn hóa ÐBSCL là chìa khóa quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Ðặc biệt, tài nguyên văn hóa và nhân văn giúp du lịch ÐBSCL phát triển bền vững và bản sắc. Từ việc nhận diện tiềm năng này, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa, nâng tầm đội ngũ cán bộ công tác văn hóa, tăng cường các nguồn lực cho văn hóa và giáo dục...

Tham gia thảo luận, các chuyên gia, những người công tác trong lĩnh vực văn hóa, du lịch đã bàn sâu nhiều vấn đề như di sản văn hóa phi vật thể gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo tồn và phát triển di sản đờn ca tài tử, phát triển nguồn nhân lực cho văn hóa và du lịch... Ðặc biệt, các đại biểu đến từ TP Cần Thơ đã giới thiệu những vấn đề liên quan đến thành phố như khai thác Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ gắn với phát triển du lịch, Cồn Sơn - nơi hội tụ và phát huy văn hóa du lịch sông nước đồng bằng...

GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Ðại học Cần Thơ, cho biết: SDMD 2045 được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, do Trường Ðại học Cần Thơ khởi xướng từ năm 2022, nhằm kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế, góp phần đề xuất các định hướng, chính sách, giải pháp cho Chính phủ, các cơ quan ban ngành. Ðồng thời, SDMD 2045 góp phần thúc đẩy hợp tác xây dựng và triển khai các chương trình, dự án thiết thực, nhằm phát triển bền vững ÐBSCL. Tọa đàm về văn hóa, kinh tế xã hội và nhân văn lần này đã góp phần nhận diện bản sắc văn hóa đa dạng, được kiến tạo, gìn giữ bởi cộng đồng các dân tộc ở ÐBSCL. Phát huy nguồn lực văn hóa, tạo “sức mạnh mềm” cho phát triển là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đưa ÐBSCL phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Dịp này, Trường Ðại học Cần Thơ đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Hiệp hội Du lịch ÐBSCL.

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết