Bên cạnh sự phát triển năng động, hội nhập, TP Cần Thơ vẫn giữ nét cổ kính, nhân văn với lịch sử, văn hóa lâu đời. Nhiều giá trị văn hóa của Cần Thơ đã được nhiều tổ chức kỷ lục công nhận. Thế nhưng, câu chuyện nhận diện giá trị di sản và biến giá trị đó thành "thương hiệu du lịch" ở Cần Thơ vẫn còn bỏ ngỏ.
Nam Nhã Ðường nằm trong làng cổ Long Tuyền- "Tốp 5 ngôi làng cổ có niên đại hàng trăm năm nổi tiếng của Việt Nam". Ảnh: Ð.H
Những năm gần đây, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) liên tục xác nhận nhiều điểm đến, món ngon của Cần Thơ đạt kỷ lục Việt Nam. Điển hình như làng cổ Long Tuyền (quận Bình Thủy) vinh dự lọt vào "Tốp 5 ngôi làng cổ có niên đại hàng trăm năm nổi tiếng của Việt Nam", bên cạnh các làng cổ: Đường Lâm (Hà Nội), Thổ Hà (Bắc Giang), Phước Tích (Thừa Thiên Huế) và Túy Loan (Đà Nẵng). Làng cổ Long Tuyền với những công trình kiến trúc cổ xưa như đình Bình Thủy, nhà cổ Vườn Lan, Nam Nhã Đường
tạo nên nét văn hóa độc đáo, thu hút đông đảo khách du lịch. Về ẩm thực, Vietkings cũng nhiều lần xác lập tốp món ngon Việt Nam, trong đó có đặc sản Cần Thơ như vịt nấu chao, lẩu mắm, bánh tét lá cẩm, cam mật
Đây là những lợi thế không phải địa phương nào có được và là "đòn bẩy" trong xúc tiến du lịch địa phương.
Nhưng, nhìn lại quá trình quảng bá du lịch Cần Thơ, những lợi thế này vẫn đang "ngủ quên". Khi chúng tôi giới thiệu với một đoàn khách Hà Nội về làng cổ Long Tuyền, cổ kính không kém gì Đường Lâm, Túy Loan
thì họ rất ngạc nhiên vì chưa biết thông tin. Câu chuyện nhỏ này cho thấy việc quảng bá, tận dụng lợi thế du lịch Cần Thơ chưa được tốt. Những danh hiệu, danh xưng ấy cần thiết được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông, internet, trong cẩm nang, pano, tờ gấp giới thiệu du lịch và qua mỗi hướng dẫn viên, thuyết minh viên. Bên cạnh đó, các đơn vị xúc tiến du lịch ở Cần Thơ phải chăng còn khá "hờ hững" với những lợi thế này khi để các doanh nghiệp, người làm nghề "tự bơi". Đơn cử như hẻm 1, đường Lý Tự Trọng, quận Ninh Kiều, nổi tiếng là "hẻm vịt nấu chao" đã được công nhận món ngon Việt Nam, nhưng lại rất hiếm được ngành chức năng nhắc đến và cũng chưa xây dựng được thương hiệu ẩm thực độc đáo này.
Không phủ nhận những nỗ lực của du lịch Cần Thơ trong đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở và thiết lập nhiều tour, tuyến để thu hút khách du lịch. Con số doanh thu 1.313 tỉ đồng trong 8 tháng qua của năm 2016 của ngành du lịch cho thấy hiệu quả từ những nỗ lực đó. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, du lịch Cần Thơ có nhiều lợi thế nổi trội nhưng chưa được khai thác hiệu quả, xứng tầm. Việc khai thác yếu tố văn hóa, ẩm thực, công trình kiến trúc cổ xưa trong phát triển du lịch còn là cách quảng bá nét đẹp văn hóa của đất và người Cần Thơ đến du khách. Bởi, bản sắc văn hóa luôn là điều mà hầu như du khách nào cũng muốn tìm hiểu khi đến một vùng đất mới. Và, đây cũng là cách làm du lịch bền vững, hiệu quả và ít tốn kém.
Trong bối cảnh ngành du lịch đang cạnh tranh khá gay gắt giữa các địa phương, việc định vị bản sắc với những sản phẩm du lịch riêng biệt là bài toán không dễ. Vì vậy, việc nhận diện thế mạnh để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng Cần Thơ từ những danh hiệu đã được công nhận rất cần được ngành chức năng tính toán.
Huỳnh Mai