01/06/2018 - 07:36

Nhận diện tác nhân kích hoạt tính hung hăng, hiếu chiến 

Hành vi hung hăng, bạo lực không chỉ gây nỗi đau thể xác mà còn để lại tổn thương tinh thần đối với nạn nhân và gây nhiều hệ lụy xã hội. Phát hiện mới của các nhà khoa học Thụy Điển mới đây về loại tế bào thần kinh kích thích sự hiếu chiến được kỳ vọng mở ra giải pháp mới giúp kiềm chế những hành động gây hấn bắt nguồn từ cảm xúc tiêu cực.

Hiểu biết vai trò của nơron PMv có thể giúp con người kiểm soát hành vi hung hăng và bạo lực. Ảnh: Health Site
Hiểu biết vai trò của nơron PMv có thể giúp con người kiểm soát hành vi hung hăng và bạo lực. Ảnh: Health Site

Với khoảng 86 tỉ tế bào thần kinh (nơron), não bộ đóng vai trò trung tâm xử lý mọi hành vi, suy nghĩ của chúng ta. Một số nghiên cứu gần đây phát hiện ngoài những chức năng cơ bản như ăn, ngủ, thức dậy..., tế bào thần kinh còn bị cho là căn nguyên hình thành “thói quen xấu” hoặc tình trạng lo âu, căng thẳng. Trong nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học thuộc Viện Karolinska ở Stockholm đã khám phá bí mật đằng sau nhóm tế bào thần kinh khởi xướng và điều khiển một trong các cảm xúc cơ bản của con người: tính hiếu chiến.

Theo Phó Giáo sư Christian Broberger, nhóm tế bào này nằm ở khu vực não gọi là hạt nhân ngoại biên (PMv) của vùng dưới đồi (hypothalamus) - vốn là trung tâm kiểm soát những cảm xúc cơ bản như hưng phấn, buồn bã hay giận dữ. Vùng não này cũng chính là bộ phận kích thích việc giải phóng hoóc-môn adrenaline trong tình huống gây lo lắng như nói chuyện trước đám đông, phỏng vấn xin việc hoặc khi đối đầu với kẻ thù.

Trong báo cáo đăng trên tạp chí Nature Neuroscience, nhóm chuyên gia cho biết khám phá mới về vai trò của tế bào thần kinh PMv được thu thập khi họ tiến hành nghiên cứu trên chuột –loài gặm nhấm có đặc điểm thần kinh tương tự con người. Theo đó, các nhà khoa học đã đem nhốt một con chuột đực mới vào một chiếc lồng có sẵn nhiều con khác, rồi tiến hành quan sát và phân tích. Nhóm chuyên gia nhận thấy hoạt động thần kinh tại khu vực PMv tăng lên đáng kể ở những con chuột hiếu chiến và gây hấn nhất. Sử dụng kỹ thuật quang sinh học, các nhà nghiên cứu đã kiểm soát được bản tính này ở chúng bằng cách dùng ánh sáng để kích hoạt hoặc ức chế nơron thần kinh PMv.

Cụ thể, khi ức chế tế bào thần kinh PMv, các nhà khoa học có thể thúc đẩy hành vi tích cực của những con chuột, thậm chí ngăn chúng “ẩu đả” trong những tình huống đáng lý bộc phát hành vi tiêu cực. Ngược lại, khi kích hoạt các nơron ở khu vực trên, các con vật trở nên hung hăng hơn ngay cả trong hoàn cảnh bình thường. Đặc biệt, việc tiếp tục tác động lên tế bào PMv có thể kéo dài tính hiếu chiến ở chuột thí nghiệm - điều giúp lý giải vì sao cảm giác giận dữ vẫn tồn tại trong thời gian dài sau những trận cãi vã.

Phát hiện bất ngờ nhất của nghiên cứu là việc tác động đến nơron còn cho phép hoán đổi vai trò “Chỉ huy hoặc phục tùng” thường thấy trong quan hệ bầy đàn của loài gặm nhấm. Cụ thể, khi cho hai con chuột đối đầu nhau trong không gian dài và hẹp, các nhà khoa học xác định được con nào chỉ huy và con nào phục tùng. Bằng cách vô hiệu hóa hoạt động của nơron PMv ở con chỉ huy đồng thời kích hoạt nơron PMv ở con còn lại, vai trò “kẻ mạnh/kẻ yếu” của chúng liền bị hoán đổi và xu hướng này có thể kéo dài tới 2 tuần.

Theo Phó Giáo sư Broberger, ông và các cộng sự hy vọng những phát hiện trên có thể mở đường cho một số giải pháp tiềm năng giúp kiểm soát hiệu quả sự giận dữ và hung hăng ở con người, thông qua việc tác động đến những tế bào thần kinh quyết định tính hiếu chiến của mỗi người.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Medical News Today)

Chia sẻ bài viết