26/11/2013 - 00:52

Nhà thi đấu thể thao - Thiếu mà thừa

Để tổ chức Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) toàn quốc lần thứ VIII-2012 do Cần Thơ đăng cai, nhiều nhà thi đấu đa năng đã được thành phố đầu tư xây dựng tại các trường học. Việc chọn xây dựng nhà thi đấu đa năng tại các trường học là nhằm mục đích tránh lãng phí khi các trường có thể tận dụng những nhà thi đấu này phục vụ cho mục tiêu phát triển thể thao học đường, tạo nền tảng cho thể thao thành tích cao của thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên, sau HKPĐ, nhiều nhà thi đấu bị bỏ không hoặc được tận dụng làm việc khác, trong khi nhiều Trung tâm Văn hóa Thể thao quận, huyện không có nơi tổ chức thi đấu hoặc tập luyện trong nhà.

Bài 1: Những công trình tiền tỉ bị bỏ phế…

Theo kế hoạch tổ chức Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) thành phố Cần Thơ năm nay, Nhà thi đấu đa năng Trường THCS Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, sẽ là nơi diễn ra môn bóng chuyền. Thế nhưng, đến cận ngày khai mạc, ban tổ chức phải thay đổi kế hoạch chuyển ra thi đấu sân ngoài trời, chứ không thể tổ chức bên trong nhà thi đấu này do nền bị lún, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng.

Nhà thi đấu Trường THCS và THPT Trần Ngọc Hoằng thường xuyên "cửa đóng then cài", nền nhà bị sụp lún, đồ đạc ngổn ngang (ảnh nhỏ).

Nhà thi đấu đa năng Trường THCS Thạnh Mỹ được xây dựng cách các phòng học hơn trăm mét, thuận tiện cho học sinh luyện tập vào các giờ ngoại khóa. Tuy nhiên, từ sau HKPĐ toàn quốc 2012 đến nay, nhà thi đấu này ít khi được sử dụng và hiện tại đã trở thành… nhà xưởng của một công ty sản xuất thiết bị trường học. Bên trong nhà thi đấu, vật liệu đóng bàn ghế, thành phẩm nằm la liệt. Cùng chung số phận với nhà thi đấu Thạnh Mỹ, Nhà thi đấu đa năng Trường THCS thị trấn Cờ Đỏ cũng đang trong tình trạng kêu cứu. Hiện tại cơ sở vật chất của nhà thi đấu này bị xuống cấp trầm trọng, thảm trải nền vấy bẩn, bong tróc gần hết, tường bị thấm nước, trần nhà bị dột nên mỗi đợt mưa xuống bên trong nhà thi đấu nước đọng vũng, các dụng cụ TDTT hư hỏng… Một vấn đề lớn của nhà thi đấu này là do nằm gần với các dãy phòng học nên rất khó cho học sinh tập luyện vào giờ học. Chẳng hiểu vì sao khi thiết kế, người ta lại không tính đến khả năng việc tập luyện bên trong nhà thi đấu sẽ gây ồn, ảnh hưởng đến việc học. Thầy Hiệu phó Nguyễn Hồng Nhựt, người chịu trách nhiệm quản lý nhà thi đấu, cho biết: "Sau HKPĐ đến nay, nhà thi đấu thường dành cho các tiết học thể dục chính khóa của học sinh, còn khoảng sau 5 giờ thì có giáo viên, học sinh đến đánh cầu lông đến tối…". Tuy nhiên theo một số người dân xung quanh trường, thực tế tình hình hoạt động của nhà thi đấu không "xôm tụ" như thầy Hồng Nhựt nói. Nhiều lần ngẫu nhiên, phóng viên ghé qua nhà thi đấu thì đều thấy sàn nhà quá bẩn, đầy rác, các góc phòng ngổn ngang bàn ghế…

Ở huyện Cờ Đỏ còn có Nhà thi đấu đa năng Trường THCS và THPT Trần Ngọc Hoằng (ở xã Thới Hưng). So với nhà thi đấu Trường THCS thị trấn Cờ Đỏ thì nhà thi đấu này còn thảm não hơn khi thường xuyên "cửa đóng then cài", nền bị sụp lún nghiêm trọng, cửa kính bị bể, gạch lót sàn nứt từng mảng lớn, toàn bộ khu vực sân khấu bị lún…

Không chỉ "số phận" những nhà thi đấu thuộc diện "vùng sâu vùng xa" như thế, mà nhiều nhà thi đấu nằm ở vị trí đắc địa cũng không khá gì hơn. Đơn cử như Nhà thi đấu đa năng Trường THPT Thốt Nốt, quận Thốt Nốt cũng thiếu sự quan tâm sử dụng… Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thốt Nốt, thầy Lê Văn Hảo, cho biết: "Khi nhận bàn giao nhà thi đấu thì trường được cấp 3 bàn bóng bàn, 1 lưới bóng chuyền, thảm tập vovinam, thảm kéo co, thảm thể dục, khung thành bóng đá…". Thế nhưng, ngày chúng tôi đến, nhà thi đấu này chỉ vỏn vẹn có lưới bóng chuyền, các dụng cụ khác thứ thì không thấy, thứ thì xếp xó đầy bụi, toàn bộ thảm nền bong tróc, dơ bẩn.

* * *

Thành phố Cần Thơ đã triển khai 28 dự án nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới các địa điểm thi đấu phục vụ cho HKPĐ toàn quốc năm 2012. Trong đó, 19 nhà thi đấu đa năng được xây dựng mới tại các trường học ở quận huyện, với trị giá mỗi công trình gần cả chục tỉ đồng như: Nhà thi đấu Trường THCS và THPT Trần Ngọc Hoằng hơn 8 tỉ đồng; Nhà thi đấu THPT Thốt Nốt hơn 11 tỉ đồng, Nhà thi đấu Trường THCS Long Tuyền 9 tỉ đồng… Thế nhưng, các nhà thi đấu này chỉ được sử dụng trong HKPĐ, còn sau đó, nhiều nhà thi đấu đang bị bỏ phế, không được sử dụng đúng như mục đích ban đầu.

XUÂN NGUYÊN

Bài 2: Nơi cần lại không có

 

Chia sẻ bài viết