28/11/2012 - 21:47

Nhà giáo Ưu tú Trương Thị Phương Trang

Với những người làm công tác giáo dục, Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) được xem là danh hiệu cao quí nhất, bởi phần thưởng này ghi nhận thành quả cống hiến vì sự nghiệp giáo dục. Dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, cô Trương Thị Phương Trang, Tổ trưởng tổ Văn-Giáo dục công dân, Trường THCS Thốt Nốt, vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng NGƯT. Và niềm vinh dự này không chỉ của riêng cá nhân cô Trang, mà là niềm tự hào của tập thể nhà trường, ngành giáo dục.

* Tấm lòng nhà giáo

"Cô Trang giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nhiệt tình trong công tác, hòa đồng với mọi người, còn hay giúp đỡ đồng nghiệp, nhất là đàn em sau mình"- cô Bùi Thị Thu Trang, giáo viên dạy môn Văn, Trường THCS Thốt Nốt, nhận xét về cô Trương Thị Phương Trang như thế. Cô Thu Trang còn nhớ rõ: "Năm học 2009-2010, tôi dự kỳ thi giáo viên giỏi cấp thành phố, cô Phương Trang tận tình hướng dẫn cách làm bài giảng. Những lần hướng dẫn xong, chưa an tâm, cô Phương Trang điện thoại cho tôi và đề nghị mang cả bài giảng đến nhà cô để trao đổi. Nhờ vậy, kỳ thi đó, tôi được công nhận giáo viên giỏi cấp thành phố". Không riêng cô Thu Trang, mà hầu như với các đồng nghiệp khác, cô Phương Trang đều tận tình giúp đỡ trong các kỳ thi giáo viên giỏi, thi Thiết kế bài giảng điện tử… cấp quận, thành phố. Cô Nguyễn Thị Lệ Huyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường, nói: "Hiền lành, sống giản dị, mẫu mực, chuyên môn giỏi, lại yêu nghề, yêu trò, cô Trang là một trong những giáo viên tích cực tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi của trường, là một tấm gương tiêu biểu…".

Cô Trang nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú trong buổi Họp mặt Ngày Nhà giáo Việt Nam, do ngành giáo dục tổ chức ngày 16-11. 

Quê ở Sóc Trăng, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Văn, năm 1988, cô Phương Trang về công tác tại Trường Phổ thông cơ sở phường 2, Thị xã Sóc Trăng. Năm 1990, cô chuyển về Trường cấp 2 Vĩnh Trinh, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ (cũ), năm 1994, về Trường THPT Thốt Nốt. Từ năm 2004 đến nay, cô về giảng dạy tại Trường THCS Thốt Nốt. Dù chuyển công tác nhiều nơi nhưng ở đâu, cô Phương Trang cũng đều hoàn thành tốt công việc. Suốt quãng thời gian công tác, có lẽ khó khăn nhất với cô là những năm 80, 90. Khi ấy, đời sống giáo viên hết sức khó khăn, thu nhập ít ỏi, nhiều giáo viên chuyển công tác khác, nhưng vợ chồng cô Phương Trang cố gắng động viên nhau, quyết tâm không bỏ nghề. Cô nói: "Gia đình tôi đều theo nghề giáo: ông nội là Giáo sư dạy Pháp văn; cha mẹ và cô ruột tôi cũng là giáo viên. Vì thế, ngay từ nhỏ, tôi đã yêu thích nghề giáo. Mới đó mà đã hơn 20 năm…".

46 năm tuổi đời, 24 năm tuổi nghề, nhưng với cô Phương Trang, ngọn lửa nghề vẫn luôn hừng hực trong cô. Trong các cuộc trò chuyện, cô ít nói về mình, mà thường xoay quanh chuyện nghề, chuyện trò. Cô nhớ như in từng học sinh mà mình đã dạy, nhớ cả những học sinh cá biệt đã được cô cảm hóa. Khoảng 5-7 năm trước, có một học sinh cá biệt, hay nghỉ học, tính tình xốc nổi, gia đình khuyên bảo không nghe. Thế nhưng, mỗi lần có chuyện buồn, em lại hay tìm đến cô để trò chuyện. Mỗi lần như thế, hai cô trò tâm sự, cùng ăn cơm… Nhờ vậy, cô có cơ hội khuyên bảo em điều hay lẽ phải. Bây giờ, em đã có gia đình riêng, cuộc sống cũng rất hạnh phúc. Theo cô, danh hiệu NGƯT là niềm vinh dự của nhà giáo nhưng niềm hãnh diện lớn nhất của cô chính là thấy học trò của mình thành đạt trong cuộc sống.

* Đồng vợ, đồng chồng

Khi nhắc về sự hậu thuẫn của gia đình, cô Trang không giấu được niềm xúc động. Cô bộc bạch: "Thành công của tôi có sự động viên rất lớn của ông xã (thầy Đặng Văn Tính, cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thốt Nốt". Những lúc đi sớm, về trễ vì công việc hay những lần tham dự các cuộc thi, chính ông xã cô Phương Trang đã giúp cô cáng đáng việc nhà. Những lúc mệt mỏi thì chính ông xã cô là người khuyến khích cô nỗ lực vượt qua khó khăn. Nhờ sự "đồng vợ, đồng chồng", cô Trang - thầy Tính đã cùng phấn đấu, nuôi dạy hai người con gái chăm ngoan, hiếu hạnh. Cô con lớn Đặng Trúc Thanh, đang học đại học ngành Công nghệ Hóa ở Thủ Đức và con gái út Đặng Trúc Thảo, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Thốt Nốt 1.

Sự cống hiến của cô Trang đối với ngành giáo dục đã thể hiện qua bề dày thành tích mà cô đạt được trong nhiều năm qua: 9 năm đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và thành phố; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục, Bằng khen của UBND TP Cần Thơ; 3 năm học (2007-2008, 2008-2009 và 2010-2011) cô đều đạt giải thưởng trong Hội thi Đồ dùng dạy học cấp quận, thành phố; giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh trong 3 năm liền (1995 đến 1997)… Trước tình trạng nhiều học sinh không mấy "mặn mà" với môn Văn, cô Trang tâm tình: "Đây là thực trạng đáng buồn nhưng ta cũng không nên bi quan, bởi còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố; nhất là ở cách giáo viên truyền thụ kiến thức học trò". Theo cô Trang, để tiết học đạt hiệu quả, giáo viên cần phải luôn làm mới bài giảng, xác định chuẩn kiến thức học sinh, tránh dàn trải. Đổi mới phương pháp giảng dạy, cả khâu kiểm tra đánh giá học sinh và quan trọng là giáo viên truyền được cảm thụ văn chương đến học sinh. Đồng thời, kết hợp sử dụng đồ dùng dạy học, gây sự hứng thú, phát huy tính sáng tạo cho học sinh. Chính điều này, cô Phương Trang đã góp phần "truyền lửa" văn chương, tạo sự hứng thú cho học sinh khi học môn Văn. Bạn Phan Lê Hoài Ân, thủ khoa Trường ĐH Y Dược Cần Thơ năm 2012, cho biết: "Tôi từng là học trò của cô Trang. Cô là cô giáo hết lòng yêu thương học trò và dạy Văn rất hay".

Chia tay tôi, cô Phương Trang bộc bạch: "Nếu cho tôi chọn lại nghề, tôi vẫn chọn nghề giáo, bởi đây là truyền thống của gia đình. Quan trọng hơn, tôi đã tìm được niềm vui trong công việc. Và hạnh phúc lớn nhất là chứng kiến những lớp học trò của mình thành công, sống có ích và cống hiến cho đời".

Bài, ảnh: Đ.NGỌC

Chia sẻ bài viết