04/09/2018 - 13:38

Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật 

Bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chưa được thu gom, xử lý triệt để đang trở thành nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại những vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng.

Đi dọc con đường đất nhỏ ven cánh đồng ở ấp Đắc Lực, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, dễ dàng bắt gặp hình ảnh bao bì thuốc BVTV bị vứt bừa bãi sau khi nông dân sử dụng hết thuốc. Dưới chân ruộng và dưới lớp cỏ mục bên đường, vỏ bao thuốc BVTV từ những mùa vụ trước vẫn còn vương vãi, rất chậm phân hủy. Cũng không khó nhận ra nhiều chủng loại thuốc BVTV đã được nhà nông sử dụng, khi nhìn vào nhãn mác sót lại trên vỏ thuốc. Ông Tư Mạnh, một nông dân địa phương thật thà cho biết: “Đối với chai, lọ thủy tinh đựng thuốc BVTV, nhiều người còn có thói quen nhặt về dự trữ để bán phế liệu mà không hề súc rửa. Bà con ở đây cũng biết bao bì thuốc BVTV sẽ gây ô nhiễm môi trường nhưng biết vứt vào đâu?”.

Ở Sóc Trăng vẫn còn tình trạng người nông dân vứt bừa bãi bao bì thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường.

Khi được hỏi cách “giải quyết” bao bì thuốc BVTV sau sử dụng, nhiều nhà vườn chuyên canh cây ăn trái ở xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, trả lời là vứt tại chỗ, trên bờ hoặc dưới kênh rạch, mương nước đều không quan trọng. Ông Lê Văn Cần ở ấp Mỹ Thạnh, xã Nhơn Mỹ, dẫn tôi ra sau nhà, chỉ vào cái hố nhỏ, nói: “Sợ vỏ thuốc khó phân hủy, ảnh hưởng đến vật nuôi của gia đình nên tôi đào hố này để thu gom, đốt bỏ”.

Đời sống kinh tế của bà con ở xã Trường Khánh, huyện Long Phú, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nổi bật là trồng lúa. Toàn xã có gần 2.350ha canh tác lúa ổn định, mỗi năm sản xuất 2-3 vụ. Để bảo đảm năng suất và hạn chế dịch bệnh, thuốc BVTV được nhà nông sử dụng ngày càng tăng, cả về số lượng và chủng loại. Ông Lâm Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ước tính riêng trên cánh đồng lớn của xã (630ha trong tổng số gần 2.350ha), mỗi năm nhà nông sử dụng khoảng 6 tấn thuốc BVTV; như vậy cũng có khoảng 895kg bao bì đựng thuốc được thải ra trên đồng ruộng”.

Tỉnh Sóc Trăng hiện có gần 445.000ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích đất trồng lúa khoảng 357.330ha, còn lại là diện tích trồng hoa màu và cây ăn trái. Một nghiên cứu mới đây của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Sóc Trăng (đơn vị thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh) cho thấy, mỗi năm nông dân tỉnh Sóc Trăng sử dụng hơn 2.400 tấn thuốc BVTV; đồng thời thải ra khoảng 366 tấn bao gói, chai lọ đựng thuốc, đó là chưa tính đến khối lượng bao bì thuốc BVTV còn tích lũy từ các năm trước.

 Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Sóc Trăng, trong 366 tấn bao bì thuốc BVTV thải ra hằng năm trên địa bàn tỉnh, có khoảng 6,7 tấn thuốc còn bám lại (lượng thuốc tương đương 1,85% tỷ trọng bao bì). Bao bì thuốc BVTV sau sử dụng được xác định là loại chất thải độc hại, gây tác động xấu tới môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe con người.

Mặc dù ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể và địa phương trong tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều nỗ lực trong việc thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV nhưng kết quả còn rất khiêm tốn. Các công ty cung ứng, nhà phân phối thuốc BVTV trên địa bàn cũng có tổ chức thu gom, xử lý rác thải từ thuốc BVTV nhưng chỉ giới hạn ở sản phẩm do mình bán ra.

Ông Huỳnh Ngọc Hạp, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Tính đến nay, mới có 150 bể chứa rác thải từ thuốc BVTV được xây dựng, lắp đặt ngoài đồng ruộng ở các địa phương trong tỉnh. Quanh khu vực nơi lắp đặt bể chứa, tỷ lệ thu gom, xử lý chỉ đạt trung bình 5 đến 10%”.

Ông Lâm Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Khánh, huyện Long Phú, thông tin: Từ tháng 10-2017, xã Trường Khánh đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng đầu tư (thí điểm) 2 bể thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV. Bước đầu, mô hình đã phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong nông dân về ý thức bảo vệ môi trường. Tuy nhiên để xử lý hiệu quả vấn đề rác thải thuốc BVTV, xét trên tổng thể diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nhu cầu của xã cần đến 800 bể chứa (3ha/bể, theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường). “Với giá đầu tư xây dựng, lắp đặt 15 triệu đồng/bể, kinh phí của xã sẽ không kham nổi; còn vận động xã hội hóa trong lĩnh vực này thì rất khó khăn, ít được ủng hộ”- ông Lâm Hùng Cường chia sẻ.

Tương tự, theo báo cáo của ngành nông nghiệp huyện Châu Thành, toàn huyện có gần 19.000ha đất trồng lúa, nhu cầu cần tới 6.300 bể thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV nhưng chỉ có 10 bể được lắp đặt.

Trước tình hình bao bì thuốc BVTV chưa được thu gom, xử lý triệt để, trong khi khối lượng phát sinh ngày một lớn, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Sóc Trăng đưa ra cảnh cáo: Bao bì thuốc BVTV đang trở thành nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhất là tại những vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng. Được biết hiện nay, ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đã có kiến nghị UBND tỉnh triển khai các biện pháp xử lý bao bì thuốc BVTV phù hợp với từng địa bàn và từng loại cây trồng; chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo nông dân hạn chế việc sử dụng hóa chất và thuốc BVTV; thực hiện chế tài ràng buộc đối với các doanh nghiệp cung ứng thuốc BVTV trên địa bàn trong việc thực hiện thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

 Bài, ảnh: THỔ CHÂU

Chia sẻ bài viết