07/06/2017 - 10:45

Thị trường phân bón

Nguồn cung dồi dào, giá giảm

Sau khi tăng lên ở mức cao trong những tháng đầu năm 2017, hiện giá nhiều loại phân bón đã giảm trở lại, giúp nông dân "nhẹ gánh" khi bước vào vụ sản xuất thu đông. Nguồn cung phân bón trên thị trường đang rất dồi dào, dự báo giá có khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Nông dân bớt lo

Phân bón chiếm tỷ trọng khá lớn trong chi phí sản xuất. Do vậy, nông dân khá vui khi gần đây giá phân bón có xu hướng giảm. Ông Phạm Văn Kha ngụ xã Trường Thành, huyện Thới Lai, cho biết: "Đa số nông dân không có nhiều vốn để mua phân bón dự trữ sẵn, nên khi bước vào vụ lúa thu đông 2017 giá phân bón giảm nên bà con yên tâm. Vụ lúa hè thu vừa rồi, phân Urê Phú Mỹ tới 400.000 đồng/bao, nhưng nay giá giảm chỉ còn 330.000 đồng/bao. Các loại phân bón DAP, NPK, Kali cũng giảm vài chục ngàn đồng/bao so với trước". Bà Lê Thị Tín ngụ ấp Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, cho biết: "Đã xuống giống lúa vụ thu đông 2017 và bắt đầu mua các loại phân, thuốc để sử dụng. Nhìn chung, giá thuốc bảo vệ thực vật đang bình ổn, còn giá hầu hết các loại phân bón đều giảm so với trước".

Nguồn cung phân bón dồi dào tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Giá nhiều loại phân bón như: Urê, Kali, DAP… hiện giảm ít nhất từ 10.000-80.000 đồng/bao 50kg so với nay hơn 3 tháng (thời điểm giá phân bón đạt mức cao nhất). Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, Urê Phú Mỹ (Việt Nam) từ trên dưới 400.000 đồng/bao, giảm chỉ còn 330.000-340.000 đồng/bao. Đạm Cà Mau (Urê Cà Mau) và nhiều loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Nga đang ở mức 320.000 - 330.000 đồng/bao. Trong khi đó, giá phân bón DAP (Trung Quốc, loại xanh Hồng Hà) 540.000 đồng/bao; NPK 20-20-15 Bình Điền và NPK 20-20-15 Cò Bay từ 520.000-530.000 đồng/bao; NPK 16-16-8 Việt Nhật khoảng 460.000 đồng/bao. Giá phân bón Kali (Canada, Israel, Nga, Úc) đang phổ biến từ 370.000- 400.000 đồng/bao; lân (Long Thành) khoảng 140.000 đồng/bao.

Theo nhiều chủ cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, giá phân bón giảm do nguồn cung dồi dào và nhu cầu tiêu thụ của thị trường có xu hướng giảm so với trước. Đặc biệt, nhiều cửa hàng kinh doanh, bán lẻ phân bón vẫn còn tồn lượng hàng đáng kể trong kho, nên ít lấy hàng từ nhà sản xuất và phân phối.

Giá có khả năng còn giảm

Với tình hình nguồn cung phân bón dồi dào và sức tiêu thụ có xu hướng giảm, giới kinh doanh vật tư nông nghiệp dự đoán, giá nhiều loại phân bón có khả năng còn giảm trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Phượng, chủ Cửa hàng Vật tư nông nghiệp Phượng ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho rằng: "Hằng năm, sức tiêu thụ phân bón trong vụ thu đông thường không bằng vụ đông xuân và hè thu do diện tích sản xuất lúa thường giảm mạnh. Nhu cầu bón phân cho các loại cây ăn trái và nhiều loại cây trồng khác trong vụ thu đông cũng giảm do nông dân hạn chế bón phân cho cây trồng trước các tác động bất lợi của các yếu tố thời tiết như: mưa gió, bão lũ…". Theo ông Nguyễn Văn Em, chủ Cửa hàng Vật tư nông nghiệp Tư Em ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, vụ thu đông 2017, nhiều nông dân tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL chuyển đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái và một số loại cây trồng khác cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sức tiêu thụ phân bón. Bởi nông dân thường ít bón phân cho cây ở giai đoạn mới trồng, nhất là các loại cây ăn trái. Nhiều khả năng cho thấy, giá các loại phân bón sẽ tiếp tục có xu hướng giảm và bình ổn trong thời gian tới do sức tiêu thụ bị hạn chế, trong khi nguồn cung dồi dào và có sự cạnh tranh giữa nhiều cửa hàng kinh doanh và nhiều loại phân bón trong và ngoài nước.

Theo các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, thời gian qua một số loại phân bón như: Urê, DAP… có biên độ biến động tăng giá rất lớn, có thời điểm tăng tới trên dưới 100.000 đồng/bao, tạo áp lực rất lớn đến các cửa hàng kinh doanh bán lẻ. Trong bối cảnh thị trường có nhiều cạnh tranh, để bán được hàng, nhiều cửa hàng phải nâng cao chất lượng phục vụ và bán cho nông dân theo hình thức đến cuối vụ mới thu tiền. Do vậy, giá phân bón giảm cũng giúp các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp giảm một phần áp lực về nguồn vốn.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết