Bài, ảnh: LÊ VINH
Từ nguyên liệu là những hạt gạo, hạt nếp quen thuộc, qua bàn tay khéo léo của mình, chị Nguyễn Thị Tuyết Phượng đã tạo nên những bức tranh đẹp mắt, sinh động, có hồn…
.jpg)
Chị Nguyễn Thị Tuyết Phượng bên bức tranh hình bản đồ Việt Nam.
Căn nhà nhỏ của chị Phượng tuy nằm sâu trong hẻm thuộc khu phố Minh Phú, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang nhưng được nhiều người tìm đến. Nơi đó, sau công việc của một Bí thư Chi đoàn thanh niên khu phố, chị Phượng lại tất bật phác thảo, rồi tỉ mỉ gắp từng hạt gạo vào khung hình định sẵn. Công việc góp phần mang lại thu nhập cho người phụ nữ trẻ một mình nuôi 2 con nhỏ chưa đầy 10 tuổi.
Chị Phượng cho biết, việc đến và gắn bó với nghề tranh gạo là do một lần tình cờ nhìn thấy tranh gạo trên mạng xã hội, chị đã say mê, mày mò tìm hiểu và nhanh chóng học cách làm. “Tranh gạo bình dị nhưng đặc sắc, giản đơn nhưng tinh xảo. Bình thường đó chỉ là những hạt gạo nhưng khi dùng làm tranh đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật...” - chị chia sẻ. Càng đi sâu tìm hiểu, chị Phượng càng yêu thích tranh gạo và quyết tâm theo đuổi dù không được gia đình ủng hộ bởi cho rằng tốn nhiều thời gian, công sức. Nghiêm túc làm việc, chị đã chứng minh sự lựa chọn của mình là đúng. Tác phẩm đầu tay được bán với giá 300.000 đồng.
Ðể sản phẩm được phong phú về chất liệu, chị Phượng dùng nhiều loại gạo khác nhau như gạo nếp thơm, nếp than, gạo tấm, gạo lứt… Khác với những thể loại tranh vẽ, tranh gạo không được nhuộm hay tô vẽ mà chính màu sắc tự nhiên của hạt gạo khi đem rang thành những gam màu khác nhau như nâu, đen, cam, vàng, vàng nhạt… Theo chị Phượng, để rang hạt gạo được như ý, màu sắc khác nhau theo ý muốn thì phải có kỹ thuật điều chỉnh lửa, đảo sao cho phù hợp, khéo léo và kiên trì. “Làm tranh gạo không có hình dạng cụ thể, để tạo được độ khít cho bức tranh, phải hết sức tỉ mỉ, không vội vàng và nôn nóng. Cơ bản là tùy theo nhiệt độ và thời gian khác nhau sẽ cho ra những sắc độ màu khác nhau. Gạo có thể rang để từ trắng thành cánh gián, đen, vàng nhạt, cam, nâu đất,…” - chị Phượng chia sẻ.
Một bức tranh gạo đẹp hoàn hảo phải đạt những điều kiện về hình khối, sắc độ, bố cục, các họa tiết được sắp xếp tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối. Ðể tạo ra được đúng gam màu cần thiết không hề dễ, mà đòi hỏi cảm nhận tốt về nghệ thuật. Người làm tranh phải gắp từng hạt gạo lần lượt gắn lên nền của bức tranh đã phết keo chưa có hình dạng cụ thể và các công đoạn phụ phía sau. Tùy sự tạo hình trong trí tưởng tượng của người sáng tác mà cho ra đời những tác phẩm mang phong cách khác nhau. Sau khi hoàn thiện, với mỗi bức tranh sẽ được chị Phượng mang đi phơi nắng tầm 30 phút. Ðể tranh đạt độ bền và đẹp, phải biết cách cân chỉnh thời gian phơi bởi nếu không đủ khô, tranh sẽ bị mốc, còn nếu phơi quá khô sẽ thì hạt gạo sẽ giòn và dễ gãy, mất vẻ đẹp tự nhiên.
Tranh gạo của chị Nguyễn Thị Tuyết Phượng thường có nội dung, chủ đề quê hương, đất nước, con người, động vật, chân dung, tranh dân gian, thư pháp… Chị Phượng bày tỏ: “Cái khó của tranh gạo không phải chỉ có tổng thể hoàn chỉnh, đẹp, đều mà còn phải có hồn và phải có nội dung, chủ đề. Hạt gạo vô cùng quý giá đối với người Việt Nam hàng ngàn năm và tôi cũng tin rằng nó sẽ rực rỡ hơn nữa khi được phát triển đúng hướng qua từng bức tranh”.
Mỗi một bức tranh chị Phượng làm ra có độ bền 5-7 năm. Hiện tranh gạo của chị Phượng đã được nhiều người biết đến. Một số cơ quan, đơn vị ở địa phương đặt chị làm tranh phong cảnh, làng quê, biểu tượng quê hương để biếu, tặng. Nhiều người mua tranh gạo tặng bạn bè phương xa như là cách để giới thiệu về quê hương mình; tặng người thân, bạn bè nhân dịp sinh nhật, tân gia với chân dung bạn bè, gia chủ… Anh Lê Ðông Anh, khách hàng mua tranh, cho biết: “Tình cờ thấy tranh gạo vừa đẹp, lại quá ý nghĩa nên tôi đặt mua một bức phong cảnh quê hương tặng bạn. Món quà đậm chất Việt Nam, làm ra từ hạt gạo Việt Nam”.
Tranh gạo của chị Nguyễn Thị Tuyết Phượng có được thương hiệu nhờ sự khác biệt và độc đáo. Ngoài làm tranh thỏa đam mê, nguồn thu nhập đem lại cũng rất đáng kể. Bình quân 1 bức tranh được hoàn thành trong khoảng 3 ngày có giá bán 500.000-800.000 đồng, hoặc hơn, tùy vào độ lớn nhỏ và độ khó của tranh.