Gần năm mươi năm trước, ở xóm Cải xa xôi hẻo lánh quê tôi làm gì có trường mẫu giáo. Duy có mỗi cụ già giàu lòng nhân ái mở lớp vỡ lòng, dạy cho lũ trẻ hôi bùn hôi đất chúng tôi dăm ba con chữ lận lưng, để mà biết đọc biết viết. Chỉ một năm học thôi rồi… tốt nghiệp. Trò nào muốn học nữa thì xin lên trường sơ học gần quận lỵ học tiếp.
Cụ dạy chúng tôi bằng tất cả tấm lòng nhân ái hơn là phương pháp sư phạm. Nghe đâu hồi trước cụ có theo cách mạng. Khi khai lý lịch, ở mục trình độ học vấn, cụ điền vào mấy chữ: Biết đọc, biết viết. Thảo nào mà cụ ngại khi chúng tôi gọi bằng “thầy”, và bảo chúng tôi gọi bằng “ông Ba”. Ông Ba mang guốc dông (tự đẽo lấy) thường mặc áo bà ba “lên lớp”. Râu, tóc ông đều bạc phơ, búi đứng trên đỉnh đầu. Ông gội tóc bằng nước tro vỏ dừa.
Lớp học chúng tôi dao động từ mười đến mười lăm trò. Tuổi thì từ sáu, bảy đến mười bốn, mười lăm. Ông Ba lấy nhà làm lớp học. Bàn ghế là chiếc quả lộ dùng để ngồi ăn cơm. Ông sống độc thân, nên vừa “đứng lớp” vừa làm nội trợ. Khói bếp bay lên nghi ngút trong giờ học. Cuối tháng, thu được vài chục đồng học phí, ông mua kẹo da trâu, bánh vòng đãi học trò, để khuyến học.
Là dân “tay ngang”, nên ông cứ mua sách ở tiệm tạp hóa, mang về dạy chúng tôi. Giờ giấc thì không chừng không đỗi. Buổi sáng dạy một lớp, buổi chiều dạy một lớp. Ông bảo với phụ huynh: “Dạy nó chừng mươi, mười lăm đứa vậy mới thông”. Khi chúng tôi đến, thấy đông đủ là ông đập roi tre xuống mặt quả lộ, phản xạ có điều kiện, chúng tôi ùa vào giành chỗ ngồi như lũ gà con giành ăn. Cứ ngỡ dạy chơi chơi, học chơi chơi, nhưng khi trò nào không chăm học, không ngoan là ông nghiêm khắc roi vọt, để rồi sau đó ông xót lòng cứ xuýt xoa!
Ngoài chương trình học, thỉnh thoảng ông còn kể chuyện ngụ ngôn, lịch sử, khơi gợi tình yêu nước. Thì ra có mấy trò hồi đó theo cách mạng là do ông làm “mai mối”. Trong lũ chúng tôi ngày nào học “trường ông Ba” bây giờ người là sĩ quan quân đội, người là bác sĩ, người nối nghiệp thầy theo ngành sư phạm… Tất cả cũng sắp bước vào tuổi hưu trí. Ông Ba không còn, lớp học cũng đã giải tán từ rất lâu nhưng ông và lớp học đã gieo lòng nghĩa nhân trong chúng tôi đến vĩnh hằng.
Phạm Bội Anh Thuyên