17/08/2009 - 20:22

Người phụ nữ trưởng khu vực tận tụy

Mỗi khi đi họp bên phường, dì Nguyễn Thị Út phải thuê đò qua sông.

Đứng bên bến phà Cô Bắc nhìn sang cồn Sơn (thuộc khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) như một ốc đảo giữa bốn bề sông nước. Nhà trưởng khu vực Nguyễn Thị Út nằm nép mình yên bình trong khu vườn mận đang ra hoa thơm ngát. Chủ hộ - người phụ nữ ngoài 50 tuổi này luôn được bà con nhắc đến trong các câu chuyện thường ngày bởi tính tình hiền lành, dễ mến, hết lòng vì việc chung. Thời gian qua, dì Út đã không ngại khó, đóng góp công sức của mình để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong khu vực.

Cán bộ dân số giỏi

Dì Út có dáng nhỏ nhắn, tác phong nhanh nhẹn và vui tính. Dì quê ở Vĩnh Long, con út trong gia đình làm nghề nông có 7 anh em. Năm 1988, dì Út theo cha mẹ qua Cần Thơ lập nghiệp bằng nghề làm vườn ở cồn Sơn, rồi định cư ở đó cho đến nay. Anh em dì được ba má chia mỗi người một mảnh vườn kề nhau. Là con hiếu thảo nên dù gia cảnh thiếu trước hụt sau, dì vẫn tự nguyện nhận nhiệm vụ phụng dưỡng cha mẹ già đến cuối đời. Mấy năm nay, khi cuộc sống gia đình ổn định từ thu nhập 2 công vườn trồng mận, dì Út bắt đầu tham gia công tác xã hội.

Trước đây, khu vực 1 còn nhiều hộ sinh con thứ 3. Không muốn nhiều chị em phụ nữ phải vất vả vì cảnh đông con, năm 2001, dì Út tham gia cộng tác viên dân số khu vực, với mong muốn góp chút công sức để nâng cao đời sống cho chị em bằng việc hạn chế sinh con đông. Nhớ lại ngày đầu tiên đến trạm nhận công tác, dì chưa hình dung công việc của mình ra sao. Nhưng với lòng quyết tâm, cả tháng trời dì Út lội bộ ròng rã mỗi ngày mấy cây số bất kể nắng mưa, đến từng nhà ghi chép, khảo sát. Trong quá trình cập nhật số liệu, dì thường hỏi han, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của chị em để kịp thời tư vấn các biện pháp tránh thai phù hợp. Được sự vận động của Ban Dân số -Kế hoạch hóa gia đình phường, dì Út mạnh dạn đăng ký khu vực đạt chuẩn không có người sinh con thứ ba trở lên. Dì lập danh sách phụ nữ ở cồn Sơn trong độ tuổi sinh đẻ rồi kiên trì, bền bỉ tiếp cận đối tượng bằng nhiều hình thức, mọi lúc mọi nơi,vừa giúp chị em cảm thấy buổi tiếp xúc, tư vấn nhẹ nhàng, bổ ích mà còn mang lại không khí vui vẻ, cởi mở. Sau đó, chính những chị em đã thực hiện kế hoạch hóa cùng tham gia với dì vận động các chị em khác. Dì Út cũng biết cách phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành trong công tác tuyên truyền, vận động nên khu vực 1 đạt thành tích xuất sắc 7 năm liền không có người sinh con thứ 3. Và biệt danh “dì Út dân số” của dì ra đời từ đó.

Dì Út kể: “Hiện nay, khu vực 1 có 85 hộ thì đến 69 cặp vợ chồng ở độ tuổi sinh đẻ. Mỗi năm, khi đến chiến dịch truyền thông dân số, tôi đến gặp từng đối tượng hẹn địa điểm tập trung rồi thuê đò đưa chị em qua sông, sau đó thuê xe lôi hoặc xe ôm đưa từng chị đến trạm y tế. Kinh phí không đủ thì tôi đi vận động mạnh thường quân hỗ trợ, có khi phải bỏ tiền túi đưa chị em đi. Những trường hợp vận động khó khăn, tôi phải tới lui nhiều lần, thậm chí gặp đối tượng ở chợ hay đám tiệc tôi cũng tranh thủ tuyên truyền. Nếu anh chị em còn do dự, chưa quyết định, tôi chuyển hướng thuyết phục người thân, cuối cùng cũng thành công. Mục tiêu lớn nhất của công tác kế hoạch hóa gia đình chính là giúp mọi người xây dựng được gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Do đó, cán bộ dân số phải truyền đạt được những hiểu biết và định hướng trên của công tác này cho bà con. Phải thông cảm và kiên trì, nếu đi vận động mà không nhiệt tình sẽ khó thành công”. Năm 2002, Câu lạc bộ không sinh con thứ 3 ở khu vực được thành lập, thu hút đông đảo chị em tham gia, hai tháng sinh hoạt một lần. Ngoài việc truyền đạt các thông tin kiến thức nuôi dạy con theo khoa học, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Câu lạc bộ còn tuyên truyền về Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, kinh nghiệm làm kinh tế gia đình... Những buổi sinh hoạt bổ ích đã giúp chị em thay đổi nhận thức về dân số- kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong thời gian làm cộng tác viên dân số, dì Út đã vận động triệt sản được 12 ca, đặt vòng 141 ca..., dì nhận được nhiều bằng khen cấp thành phố, đầu tháng 7-2009, dì được cử đi Hà Nội tham dự hội nghị tuyên dương cán bộ dân số-kế hoạch hóa gia đình cơ sở tiêu biểu toàn quốc. Nhưng niềm vui lớn nhất của dì chính là nhận thức và mức sống của bà con cồn Sơn được nâng lên rõ rệt. Dì Út nói: “Những nỗ lực của bản thân cũng chỉ mong bà con có đời sống khấm khá, con cái được chăm sóc, giáo dục tốt. Đó là phần thưởng có giá trị lớn nhất mà tôi được nhận”.

Trưởng khu vực nhiệt tâm

Công tác lâu năm, nhiệt tình nên dì Út ngày càng được bà con trong khu vực tin yêu. Đầu năm 2003, dì được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng khu vực cho đến nay.

Nhận thêm nhiệm vụ là gánh trên vai trách nhiệm nặng nề. Dì Út hiểu rõ đời sống bà con ở đây chủ yếu dựa vào mảnh vườn, trình độ hiểu biết còn hạn chế, cần được tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng nhiều hình thức. Ngoài kỹ năng truyền đạt, gần gũi, thân thiện với từng đối tượng, dì Út còn luôn đi đầu trong mọi phong trào để làm gương. Đối với những gia đình có thanh thiếu niên bỏ học, dì lại nhà động viên, tạo điều kiện để các em có cơ hội tiếp tục đến trường hoặc giới thiệu học nghề, không để các em bị bạn xấu rủ rê, sa vào con đường hư hỏng. Những cặp vợ chồng nào hay xảy ra chuyện lục đục hoặc nuôi dạy con cái chưa tốt, dì luôn có mặt kịp thời để can thiệp, khuyên giải.

Để chăm lo tốt hơn cho cuộc sống bà con, 7 năm nay, dì Út duy trì tốt hình thức góp vốn xoay vòng mỗi tháng trong hội viên phụ nữ (dì Út kiêm luôn Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu vực), đã huy động được 126 triệu đồng giúp 84 lượt chị em phát triển kinh tế hộ gia đình, hỗ trợ vật chất cho những gia đình và học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Dì còn cập nhật thông tin từ sách báo để hướng dẫn người dân cách làm ăn, chuyển đổi cây trồng vật nuôi trên mảnh vườn của mỗi gia đình sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Phần lớn sinh hoạt bà con trong khu vực gắn bó nhiều với sông nước nên dì Út quan tâm công tác phòng chống lụt bão. Mỗi năm, đến đợt triều cường, dì đi vận động mọi người góp công, góp của để gia cố đê bao, lập danh sách người cao tuổi, trẻ em để kịp thời di dời vào đất liền. Tổ phòng chống bão lụt của khu vực đều sẵn sàng ứng phó, tuần tra trên những đoạn đê yếu, thấp... Hễ khu vực gặp sự cố, dì Út đều đứng ra giải quyết kịp thời.

Hiện nay, ngoài nhiệm vụ trưởng khu vực, dì Út còn tham gia nhiều công tác khác. Dì Út kiêm nhiệm rất nhiều trọng trách của phường và khu vực 1: cộng tác viên dân số, Tổ trưởng tổ vay vốn, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu vực, Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ phường, Tổ trưởng tổ đại biểu Hội đồng nhân dân đơn vị khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa... Gần 10 năm qua, đôi chân dì Út không biết bao nhiêu lần in dấu trên những đoạn đường vắng, sình lầy của khu vực 1, qua lại thường xuyên giữa các ngôi nhà cách nhau hàng mấy trăm mét, lẩn khuất trong vườn cây trái sum suê để gặp gỡ chị em phụ nữ, các đối tượng cần vận động, tuyên truyền. Dì Út tâm sự: “Làm công tác xã hội không đơn giản, phải có kiến thức, có tâm, nhiệt tình, không so đo, tính toán thiệt hơn. Cuộc sống bà con còn nhiều khó khăn, mình làm được gì thì nên đứng ra gánh vác, giúp đỡ...”. Từ tấm chân tình của dì Út, cuộc sống nhiều hộ dân trong khu vực đã thật sự đổi khác. Như trường hợp dì Nguyễn Thị Dung, làm nghề bán rau, là hộ nghèo, đông con, chồng bệnh nặng, cuộc sống khó khăn. Dì Út đến thuyết phục nhiều lần, đem thuốc đến tận nhà để dì Dung thực hiện kế hoạch hóa gia đình, đề nghị địa phương cất nhà tình thương, hỗ trợ vốn làm ăn... Nhờ sự quan tâm của dì Út và bà con lối xóm, gia đình dì Dung nay đã khá hơn xưa.

Những nỗ lực của dì Út trên mọi mặt công tác cùng sự ủng hộ hết lòng của người dân đã giúp khu vực 1 đạt thành tích 4 năm liền không xảy ra tệ nạn xã hội, 98% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, số hộ nghèo giảm, các chỉ tiêu về kinh tế hằng năm đều tăng... Ông Nguyễn Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND phường Bùi Hữu Nghĩa, chia sẻ: “Với địa hình cách trở sông nước, rất khó cho việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là điện và nước, nên so với những khu vực khác trong phường, khu vực 1 chịu nhiều thiệt thòi hơn. Trong điều kiện như vậy nhưng trưởng khu vực Nguyễn Thị Út vẫn vững vàng cùng bà con nâng được chất lượng cuộc sống, hoàn thành các chỉ tiêu địa phương giao là điều rất đáng biểu dương. Thời gian qua, các cấp lãnh đạo rất quan tâm, giúp bà con trong khu vực khoan cây nước, sử dụng năng lượng điện mặt trời... Tôi tin với sự quyết tâm, đoàn kết của người dân, nhất là có một trưởng khu vực hết lòng vì việc chung, khu vực 1 sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tích hơn nữa”.

Chồng dì Út là chú Lê Văn Điền, Trưởng ban Công tác mặt trận khu vực, là cộng sự đắc lực của dì trong các mặt công tác. Chú Điền kể: “Lúc đầu tôi lo lắm, vì vợ tôi ôm đồm nhiều việc quá, sợ đảm đương không nổi. Nhưng theo thời gian, tôi càng tin tưởng vì nhận ra năng lực của bà xã, cảm thấy vui, tự hào khi nghe bà con khen ngợi. Mỗi lúc có việc, vợ chồng cùng thuê đò, đi xe buýt, xe ôm đi họp chung, cũng vui lắm. 28 năm gắn bó, vợ chồng tôi luôn tâm đầu ý hợp trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc cũng như gắn bó với công tác xã hội”. Mấy năm qua, con trai ngoan, hiền, hiếu thảo, chồng hiểu và thông cảm với công việc của vợ là động lực để dì Út “chân cứng đá mềm” trên con đường đã chọn. Có thời gian nhiều chuyện buồn liên tiếp xảy đến với dì Út, cha mẹ bị bệnh, lần lượt qua đời, con trai vừa xuất ngũ về bị tai nạn giao thông chết. Dù đau buồn nhưng dì vẫn gắng sức hoàn thành nhiệm vụ chung.

Với những đóng góp tích cực cho địa phương, năm 2007, dì Út được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Tháng 4-2009, dì được Quận ủy Bình Thủy tặng Huy hiệu Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bà Huỳnh Thị Lài, Phó Chủ tịch HĐND phường Bùi Hữu Nghĩa, nói: “Dì Út là người nhiệt tình, năng nổ, có trách nhiệm rất cao trong công việc, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Dì luôn khắc phục khó khăn của bản thân để phục vụ cộng đồng bằng những việc ý nghĩa. Dì Út là gương sáng về tinh thần tận tụy, hết lòng phục vụ nhân dân, luôn được bà con tín nhiệm, thương mến”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

 

Chia sẻ bài viết