22/04/2010 - 08:25

Người phụ nữ nặng nợ với đời

Đến khu vực gần phà Vàm Cống (phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) hỏi thăm cô Sáu từ thiện, ai cũng biết. Là một trong số đông người làm thiện nhưng tình cảm nhân hậu và quan niệm sống của cô Sáu đã vượt qua ngưỡng sân si đời thường, sẵn sàng trải lòng, chia sẻ mọi niềm vui, trắc trở, giúp đỡ cho những cảnh đời bất hạnh. Thế nên, bà con lối xóm thường nói đùa cô Sáu là người phụ nữ mắc “nợ”... người dưng!

* Giữ lời với người đã khuất

Đã nhiều năm qua, người dân ở khóm Thới Hòa (phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên) đã quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ ở tuổi lục tuần, nhưng khá nhanh nhẹn, nụ cười tươi tắn thường xuyên đến dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc 4 mẹ con bà Nguyễn Thị Mật bị bệnh tâm thần. Đó là cô Võ Thị Bé Sáu, từng được gọi là cô Sáu từ thiện.

Cô Sáu (bìa phải) đang ngồi với các cụ ở Cơ sở từ thiện khóm Thới Hòa do vợ chồng cô gầy dựng, giúp đỡ, cưu mang những mảnh đời bất hạnh.

Dưới cái nắng gắt giữa ngày tháng 4, theo chân cô Sáu, chúng tôi đến thăm nhà bà Mật. Men theo con đường bê tông vòng vèo, nằm sâu trong con hẻm nhỏ, chúng tôi gặp một người đàn ông trung niên ngoài 40 tuổi. Cô Sáu kéo tay người đàn ông, nói: “Theo cô về nhà đi!”. Người đàn ông trung niên lập tức lẽo đẽo theo sau chúng tôi. Cô Sáu cho biết: “Đó là thằng con lớn của bà Mật, tên Gầm, cứ đi rong chơi suốt ngày. Hễ khi nào thấy cô đến thì nó mới chịu về nhà”. Đi thêm một đoạn đường, trước mắt chúng tôi là một thanh niên áo quần lem luốc, tóc lòa xòa tận vai, đang cầm cây quệt xuống đường cống nước đen ngòm, miệng cười cười, nói nói. Cô Sáu cho biết, đó thằng Mau, con trai út của bà Mật. Đi thẳng vài trăm thước nữa, chúng tôi đến căn nhà tình thương (được cất từ nguồn vận động của chính quyền địa phương và của cô Sáu đóng góp) nơi trú ngụ của 4 mẹ con bà Mật. Căn nhà rất bề bộn, quần áo, đồ dùng sinh hoạt... quăng tứ tung. Ngồi ở một góc sau nhà, bà Mật đang tẩn mẩn thắt gút những tấm lá chuối một cách vô hồn. Cạnh bên, chị Dễ đã ngoài 40 tuổi mà ánh mắt cứ như đứa trẻ nhỏ, trơ trơ nhìn khách, trên tay là cây kim đã xỏ chỉ cứ may may, vá vá những chiếc quần áo cũ, rách nát. Chứng kiến hoàn cảnh thương tâm của mẹ con bà Mật, chúng tôi không tránh khỏi chạnh lòng. Đã nhiều năm qua, gia đình bà Mật sống trong cảnh đau buồn, không thiết tha, hy vọng gì ở ngày mai. Thế nhưng, chính tấm lòng nhân hậu của cô Sáu và nhiều cán bộ địa phương đã chở che, đùm bọc gia đình bà Mật, với mong muốn xoa dịu phần nào nỗi đau, bất hạnh mà họ gánh chịu. Từ khi bước chân vào nhà bà Mật, cô Sáu không lúc nào ngơi tay, hết dọn dẹp chỗ này quay sang chỗ khác. Hơn một giờ sau, căn nhà trở nên gọn gàng và ngăn nắp. Đưa tay lên trán lau mồ hôi, cô Sáu cười nhẹ nhàng, nói: “Một người dọn vô, bốn người bày ra, mệt lắm chứ! Nhưng hễ thấy tôi là 4 mẹ con bà Mật trở nên hiền, không quậy phá. Thế là, bao mệt nhọc cũng tan biến và tôi cảm thấy lòng mình dâng lên một niềm vui khó tả”.

Mỗi sáng bà Mật thường đến nhà kiếm cô Sáu, khi thì xin ít tiền mua quà bánh ăn vặt, khi thì xin một ít gạo, muối, đường, bột ngọt... Điệp khúc này cứ diễn ra trong suốt khoảng thời gian dài, nhưng cô Sáu vẫn tươi cười và không một lời than vãn. Gần đây, 4 mẹ con bà Mật được chính quyền địa phương xét, cấp tiền bảo trợ xã hội và cô Sáu là người đại diện nhận thay. Ngoài số tiền này, cô Sáu còn phụ giúp thêm cho mẹ con bà Mật cuộc sống khá đủ đầy. Dù không bà con, họ hàng thân thích, nhưng nhìn thấy hoàn cảnh của 4 mẹ con bà Mật, cô Sáu thấy thương và gắng sức hoàn thành tâm niệm của người đã khuất...

...Hơn 40 năm về trước, ông Huỳnh Văn Quế (bà con địa phương thường gọi là Hai Quế) trong một lần đi cắt lúa mướn đồng xa đã thầm yêu, trộm nhớ cô gái Nguyễn Thị Mật đồng chung cảnh ngộ. Sau đó, hai người nên nghĩa vợ chồng, cùng nhau góp sức xây dựng tổ ấm nhỏ bé cho riêng mình. Chung sống chưa được bao lâu, vợ ông bắt đầu có những biểu hiện tâm thần nhẹ, lúc nói năng không đâu hoặc có khi thì lầm lì, khó hiểu. Dù vậy, Hai Quế vẫn hết mực yêu thương vợ và cố tâm chăm sóc. Hàng ngày, vợ chồng Hai Quế mưu sinh bằng nghề chạy xe lôi đạp. Tờ mờ sáng đến chạng vạng tối, bất kể trời nắng hay mưa, Hai Quế vẫn cật lực lao động, kiếm tiền lo trang trải chi phí sinh hoạt trong nhà. Thế rồi cậu con trai đầu lòng, Huỳnh Văn Gầm, ra đời chỉ non hai ba tuổi đã có dấu hiệu tâm thần như mẹ. Rồi con gái kế - Huỳnh Thị Dễ cũng như thế. Hy vọng đứa con út sẽ khác, nhưng cuối cùng Huỳnh Văn Mau cũng không thoát khỏi căn bệnh tâm thần. Ba đứa con năm một lần lượt ra đời, mang bệnh đã đè nặng đôi vai gầy yếu của Hai Quế. Đã mấy bận ông đưa cả 4 mẹ con đi điều trị, thế nhưng bệnh tình chẳng thuyên giảm mà tiền bạc tích cóp được mỗi lúc một vơi đi, còn phải ngày càng mắc nợ. Chịu đựng cuộc sống ấy trên 40 năm, ông kiệt sức và qua đời, ở tuổi lục tuần. Trước khi mất, Hai Quế đã gởi gắm vợ con lại cho cô Sáu (người hay giúp đỡ gia đình ông) và cô từ một người dưng trở thành người thân duy nhất, đùm bọc, chở che mẹ con bà Mật.

* Mái ấm của những mảnh đời bất hạnh

Trời vừa hửng nắng, trong khuôn viên Cơ sở từ thiện khóm Thới Hòa đã rôm rả tiếng nói cười. Thấy có khách đến tìm, em Đoàn Văn Hoàng nhắc ghế mời khách, rồi nói: “Cô Sáu về nhà, tí xíu mới qua. Mời chú ngồi chơi, đợi cô Sáu!”. Vừa dứt lời, Hoàng quay sang phụ giúp mấy anh, chị ở đây gói chả chay. Với đôi tay nhanh nhẹn, thuần thục từng động tác, ở tuổi 11, dường như Hoàng già dặn và trưởng thành hơn so với chúng bạn cùng trang lứa. Em có đôi mắt to, sáng, đượm chút buồn lo. Năm lên 6 tuổi, cha mẹ em chia tay nhau, Hoàng sống chung với cha và bà nội già yếu. Hàng ngày, cha em đi làm thuê, làm mướn, nhưng số tiền kiếm được cũng chẳng là bao. Một năm trước, Hoàng tìm đến cơ sở này xin phụ giúp những việc vặt, để tiếp tục được cắp sách đến trường. Thương cho gia cảnh nghèo khó của em, cô Sáu sẵn lòng mở rộng vòng tay đón tiếp. Thế là, Hoàng trở thành thành viên mới trong mái ấm của cô Sáu. Sáng sớm, Hoàng đến phụ giúp cô Sáu, đến trưa thì đi học. Học xong, em ghé cơ sở từ thiện ăn cơm, rồi về nhà. Hoàng cho biết: “Năm nay, em học lớp 3. Ngoài giờ học, em tranh thủ thời gian phụ giúp các cô, dì ở đây làm những việc vặt. Cô Sáu đã mua cho em tập sách, quần áo, thường hay cho tiền em ăn quà bánh mỗi khi đến trường”.

So với Hoàng, trường hợp của em Nguyễn Thị Cà Lợi càng thương tâm hơn. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, Cà Lợi nương nhờ mái ấm của cô Sáu khi còn học lớp 7. Đến nay, em đã học lớp 12. Kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh của mình, đôi mắt Cà Lợi rơm rớm nước mắt, em nghẹn ngào nói: “Nhờ có cô Sáu, em mới được đi học đến bây giờ. Nhiều lúc, em tính học xong lớp 12 sẽ nghỉ học, ở nhà phụ giúp cô Sáu. Biết chuyện, cô Sáu la rầy dữ lắm và hết lời khuyên em nên tiếp tục học lên đại học hoặc cao đẳng, để sau này có công ăn việc làm ổn định, tự nuôi sống bản thân. Từ đó, em luôn tự nhủ là sẽ cố gắng học thật tốt, để không phụ tấm chân tình mà cô Sáu đã dành cho em”. Đó là hai trong số nhiều em có hoàn cảnh bất hạnh, đang nương nhờ vào mái ấm của cô Sáu. Không chỉ có trẻ nhỏ, nơi đây còn đùm bọc, chở che cho nhiều cụ già, neo đơn. Bà Nguyễn Ngọc Nữ, 83 tuổi, cho biết: “Nhà tui cũng ở khóm Thới Hòa này. Hồi trước, tuổi còn trẻ, tui thường đến phòng thuốc nam để phụ chặt và phơi thuốc. Nay tuổi đã cao, tôi sang phụ giúp cô Sáu làm thực phẩm chay. Đến đây, chúng tôi cảm thấy vui lắm!”.

Cơ sở từ thiện khóm Thới Hòa trước đây do chồng cô Sáu đứng ra thành lập và đảm đương một số công việc từ thiện xã hội như: hốt thuốc nam, đóng hòm từ thiện... Sau ngày chồng mất, cô Sáu ngừng việc kinh doanh mà tiếp quản, đưa cơ sở từ thiện này hoạt động cho đến nay. Để có tiền trang trải cho một số chi tiêu, cô Sáu tận dụng khoảng trống trong khuôn viên Cơ sở từ thiện mở cửa tiệm chuyên sản xuất và bán thực phẩm chay, với đủ các loại như: chả, vịt tiềm, đùi gà... Ngoài ra, cô Sáu còn đảm nhận nấu tiệc chay theo yêu cầu của khách hàng. Lượng khách hàng tìm đến mua ngày một đông. Hiểu tấm lòng nhân hậu của cô Sáu, nhiều chị, nhiều cụ già đã tìm đến phụ giúp. Số tiền lời kiếm được từ việc buôn bán này, cô Sáu dành để làm các việc thiện, như: giúp đỡ cho cảnh đời nghèo, bất hạnh hay cùng chính quyền địa phương cất tặng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo... Không những thế, hiện nay, cô Sáu còn nhận bảo trợ thường xuyên cho khoảng 20 trường hợp người già neo đơn đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Cứ tới ngày 30 hàng tháng, các cụ cầm quyển sổ đến lãnh tiền, với số tiền 300.000 đồng/trường hợp, tuy số tiền không nhiều, nhưng cũng giúp các cụ xoay xở trong lúc khó khăn.

Diện tích đất để làm cơ sở từ thiện nằm trên trục Quốc lộ 91 rộng hàng trăm mét vuông là khối tài sản trị giá hàng tỉ đồng mà vợ chồng cô Sáu tự nguyện hiến để làm từ thiện. Một số người quen trước đây từng khuyên: “Sao cô không bán miếng đất này đi, rồi lấy tiền gởi ngân hàng mà an nhàn tuổi già”. Mỗi lần nghe nói như thế, cô Sáu chỉ mỉm cười cho qua chuyện. Nhưng tận sâu thẳm tâm hồn, cô Sáu thường tự nhủ, dù có khó khăn đến mấy, cô sẽ không bán miếng đất này. Bởi, đây là tâm niệm của chồng khi còn sống. Vả lại, nếu bán miếng đất này đi thì số người già, trẻ em nương nhờ vào đây, rồi sẽ sống ra sao?

Cô Võ Thị Bé Sáu, năm nay đã 60 tuổi, hiện sống chung với người con gái út, nhà ở đối diện với Cơ sở từ thiện khóm Thới Hòa. Ngày trước, cô Sáu cũng nghèo khó. Từ hai bàn tay trắng, cô Sáu đi mua bán ve chai. Dần khấm khá, cô chuyển sang nuôi tôm, rồi đến thành lập nhà máy xay xát, kinh doanh lúa gạo. Đến nay, cô Sáu đã ngưng hẳn việc kinh doanh, ngày ngày đến Cơ sở từ thiện khóm Thới Hòa để nấu nướng, bán thực phẩm chay. Cô Sáu tâm sự: “Ra đời mần ăn từ năm mười mấy tuổi đầu, lăn lộn với thương trường bằng đủ nghề, trải qua biết bao sóng gió mới được cuộc sống khá giả. Thế nhưng, khi chồng và đứa con trai lớn chết đi vì bệnh tật, cô mới chợt nhận ra tất cả chỉ là phù du, chỉ có tình người mới tồn tại vĩnh cửu. Vì thế, cô đã tiếp nối tâm niệm của người chồng là làm việc thiện, giúp ích cho đời”.

****

Ông Trần Thiện Tính, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên, cho biết: “Cô Võ Thị Bé Sáu là một trong những nhà hảo tâm thường xuyên giúp đỡ, bảo trợ cho những cảnh đời khốn khó, nhất là những cụ già neo đơn và trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh, không nơi nương tựa trên địa bàn. Tất cả việc làm của cô Sáu đều xuất phát từ tấm lòng nhân ái, không vì mục đích vụ lợi. Tấm lòng của cô Sáu thật cao đẹp. Chúng tôi mong muốn ngày càng có nhiều nhà hảo tâm như cô Sáu, mở rộng vòng tay chở che, đùm bọc cho những cảnh đời chẳng may gặp khó khăn, bất hạnh”.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết