06/11/2009 - 20:22

Người phụ nữ đa đoan

26 năm gắn bó với ngành văn hóa, chị đã đem về cho địa phương nhiều giải thưởng, thành tích cao trong các hội thi, hội diễn, phong trào thi đua… Bạn bè, đồng nghiệp quí mến chị không chỉ vì tài năng và sự tận tâm với công việc mà còn vì chị luôn hết lòng giúp đỡ mọi người. Đó là Đoàn Thị Bích Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Thể dục Thể thao quận Thốt Nốt.

Người luôn bận rộn

Ông Nguyễn Hoài Vân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin TP Cần Thơ, nhận xét: “Chị Đoàn Thị Bích Phượng là người có tâm huyết với nghề. Trong chuyên môn, chị rất “đa năng”: vừa sáng tác kịch bản, vừa dàn dựng chương trình, biên đạo múa... Chị rất nhạy bén, nắm bắt tốt các vấn đề thời sự nên sáng tác được những kịch bản hay, chất lượng, phù hợp với yêu cầu tuyên truyền và thực tế cuộc sống”.

Gặp chị Phượng không dễ bởi chị quá bận rộn. Hẹn nhiều lần, tôi mới tiếp xúc được với chị, tranh thủ lúc chị vừa xong cuộc họp hay lúc giải lao giữa giờ dàn dựng chương trình... Nhiều lần nhìn chị kiên nhẫn hướng dẫn diễn xuất cho các diễn viên nghiệp dư, thị phạm từng động tác, điệu bộ, lời nói... mới thấy cái vất vả của cái nghề mà chị làm. Mồ hôi thấm áo, giọng nói như khàn đi... nhưng chị vẫn tươi tỉnh, kiên trì với công việc cho đến khi đạt yêu cầu. Có khi quỹ thời gian hạn hẹp, chị cùng các diễn viên tập suốt sáng, chiều, chỉ kịp ăn lót dạ cơm hộp buổi trưa và giải lao tại chỗ.

Vừa làm công tác quản lý Trung tâm Văn hóa- Thể dục Thể thao quận, vừa trực tiếp phụ trách các chương trình thi diễn văn nghệ của ngành, vừa tranh thủ “chạy sô” viết kịch bản, dàn dựng cho các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương khác... chị Phượng như con thoi tất bật giữa núi công việc. Nhiều người thắc mắc sao chị có thể làm được nhiều việc như vậy? Chị cười trả lời: “Có máu đam mê là làm được thôi!”.

Người phụ nữ của phong trào

Chị Đoàn Thị Bích Phượng (bìa phải) chỉ đạo các nghệ sĩ tập luyện chương trình tham gia
Liên hoan đờn ca tài tử TP Cần Thơ năm 2009. 

Chị Đoàn Thị Bích Phượng sinh năm 1956, lớn lên trong một gia đình trí thức với 7 anh chị em. Đông con, cha mẹ chị phải “thắt lưng, buộc bụng” nuôi các con ăn học. Anh em chị đều cố gắng học lên Cao đẳng, Đại học. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm An Giang, chị Phượng tình nguyện đi dạy ở các trường miền núi biên giới tỉnh An Giang. Năm 1983, trong một lần tham gia hội diễn văn nghệ công nhân viên chức, ngón đàn tranh điêu luyện của chị là cơ duyên đưa chị chuyển sang hoạt động ở ngành văn hóa.

Chị Phượng bắt đầu gắn bó với ngành văn hóa của Thốt Nốt lúc chị 27 tuổi, tính ra là khá “muộn” so với “nghề làm văn hóa”. Để làm tốt công việc, chị luôn cố gắng học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, của bạn bè, đồng nghiệp và không ngừng trau dồi, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn của bản thân.

Thời gian đầu, chị được cơ quan cử đi học múa ở Sóc Trăng và về làm biên đạo múa. Không có người chuyên viết kịch bản, dàn dựng chương trình nên mỗi khi diễn ra hội thi “Thông tin lưu động” hay các hội diễn văn nghệ, cơ quan phải mua kịch bản, thuê người dàn dựng rất tốn kém mà hiệu quả không cao. Thế là chị lại mày mò học viết kịch bản. Chị mượn băng đĩa của các hội thi thông tin lưu động về xem để học hỏi, rút kinh nghiệm. Nghe ở đâu mở khóa viết kịch bản sân khấu, thông tin lưu động... là chị đi học, từ Cần Thơ đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bạc Liêu. Không phải lúc nào đơn vị cũng có kinh phí cho chị đi học, có lúc chị phải tự lo mọi chi phí. Công việc đa đoan, chị Phượng còn tranh thủ vừa làm, vừa học đại học văn hóa và năm 1998, chị đã tốt nghiệp cử nhân ngành văn hóa.

Được học hành căn bản, chị Phượng đem kiến thức hỗ trợ cho các nghệ sĩ dàn dựng chương trình. Năm 2000, vận dụng những gì mình đã học cùng với sự động viên, khích lệ của anh em, đồng nghiệp, chị Phượng đã viết kịch bản đầu tay “Con đê hạnh phúc”, nói về việc xây dựng đê bao chống lũ ở địa phương. Hội thi “Thông tin lưu động” của TP Cần Thơ năm đó, đội Thốt Nốt đã giành giải Nhất với kịch bản “Con đê hạnh phúc”. Thành công đầu tiên đã tạo cho chị Bích Phượng niềm tin, động lực để tiếp tục sáng tác kịch bản. Chị tâm sự: “Phải là người ở địa phương mới biết xứ sở mình cần gì, vấn đề nào nóng, bức xúc cần thể hiện. Là người tại chỗ, mình mới biết rõ diễn viên nào phù hợp với dạng vai nào để viết nội dung và phân vai cho phù hợp với sở trường của họ theo kiểu “đo ni đóng giày” thì diễn xuất sẽ tốt hơn”.

Phát huy được thế mạnh của mình, chị Phượng cùng anh em, đồng nghiệp liên tục đạt thành tích cao trong các hội thi, hội diễn văn nghệ. Từ năm 2004 đến nay, Thốt Nốt luôn đoạt giải Nhất trong các hội thi “Thông tin lưu động” của thành phố và các giải cao trong Hội thi “Tiếng hát hoa phượng đỏ”, Hội diễn văn nghệ quần chúng, Liên hoan đờn ca tài tử... Cuối tháng 8 vừa qua, tại Liên hoan đờn ca tài tử TP Cần Thơ năm 2009, quận Thốt Nốt lại đoạt giải Nhất với chương trình có chủ đề “Hàng cau quê hương”. Tác giả những bài, bản vọng cổ và dàn dựng chương trình là chị Đoàn Thị Bích Phượng.

Không chỉ trên lĩnh vực sân khấu, chị Phượng còn là một “đầu tàu” xây dựng các phong trào văn hóa ở Thốt Nốt. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền của đội thông tin lưu động, ngoài phục vụ cho bà con nhân dân ở các khu vực, phường, quận, chị Phượng đưa đội đi diễn thêm ở các trường học, công sở. Chị còn tổ chức giới thiệu các hiện vật của Phòng Truyền thống đến các em học sinh thông qua các đợt trưng bày, triển lãm ở các trường học, qua hệ thống đài phát thanh học đường. Năm 2009, chị và các cộng sự phối hợp với Phòng Tài nguyên- Môi trường của quận và các nhà trường cùng tổ chức các nhóm “Đoàn viên xanh”, “Đội viên xanh” chuyên tuyên truyền, phát động thực hiện các phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị. Từ ý tưởng “tạo đôi chân cho sách”, chị Phượng cùng các đồng nghiệp đã xây dựng được các mô hình đưa sách báo đến tận tay bạn đọc ở Thốt Nốt như: “Cà phê sách”, “Bến đò sách”, “Điểm sách du lịch”, “Điểm sách báo phụ nữ”...

Luôn sống vì mọi người

Mọi người ở cơ quan đều khen chị Phượng là người luôn thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Chị luôn nhắc nhở mọi người tiết kiệm điện, nước cho cơ quan. Các khung pano, đạo cụ sân khấu, chị bảo quản cẩn thận để có thể sử dụng cho nhiều chương trình.

Bản thân chị rất tiết kiệm trong chi tiêu cho cá nhân nhưng khi anh em, bạn bè, đồng nghiệp gặp khó khăn về kinh tế, chị sẵn lòng giúp đỡ. Anh Nguyễn Hoàng Khánh, cán bộ Thư viện quận Thốt Nốt, tâm tình: “Nhiều người đã được chị Phượng giúp đỡ để giải quyết khó khăn. Không chỉ giúp về vật chất, chị Phượng còn quan tâm, động viên, giúp đỡ anh em cùng tiến bộ trong công tác chuyên môn. Với tôi, chị Phượng không chỉ là cấp trên mà còn là một người chị, người thầy đáng kính”.

Nhà người thân, bạn bè có đám tiệc, chỉ cần “a lô” nhờ một tiếng là chị Phượng đến ngay. Từ trang trí nhà cửa, tiếp khách đến việc nấu ăn... chị đều làm rất khéo. Khi anh em, bà con lối xóm hay bạn bè, đồng nghiệp bệnh tật, chị Phượng đều quan tâm, thăm hỏi, ai quá khó khăn, chị giúp chi phí chữa bệnh. Chị còn giới thiệu cho mọi người đến khám những nơi chữa bệnh hay hoặc gửi gắm bác sĩ quen nhờ giúp đỡ. Thậm chí, có những khi chị gác lại công việc, tận tình đưa người bệnh đến các bệnh viện uy tín của Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh để điều trị... Bản thân chị cũng mắc vài chứng bệnh nhưng nhờ kiên trì điều trị và thường xuyên tập thể dục, chị đã vượt qua bệnh tật. Chính vì vậy, chị rất thông cảm và hết lòng giúp đỡ cho những người cùng hoàn cảnh.

Em dâu của chị Phượng chẳng may qua đời sớm vì bệnh, bỏ lại đứa con trai còn thơ dại. Chị đã động viên, an ủi, giúp đỡ em trai vượt qua nỗi đau, lên TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, còn chị nhận trách nhiệm nuôi dạy đứa cháu mô côi để em mình yên tâm làm việc.

Do bận rộn với công việc và do duyên nợ lận đận nên đến nay, chị vẫn chưa lập gia đình. Hiện nay, chị Phượng sống với đứa cháu trai 10 tuổi trong căn phòng tập thể của cơ quan. Sau những bận bịu với công việc, niềm vui của chị là chăm sóc, dạy dỗ cháu học hành, thu xếp nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ.

Cha mẹ chị Phượng đã qua đời, căn nhà của ông bà ở xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh cũng đã xuống cấp khá nhiều, chị đã cất một căn nhà khang trang thay cho căn nhà cũ để làm nơi thờ tự cha mẹ và giữ gìn để sau này khi em trai trở về, chị sẽ giao lại cho em quản lý. Còn chị vẫn gắn bó với căn phòng tập thể để tiện đi lại trong công việc. Chị Phượng gọi căn nhà mới mà chị cất hơn 200 triệu đồng đó là “căn nhà của chất xám”, bởi tiền cất nhà là tiền chị tích lũy bằng mồ hôi, công sức và trí tuệ suốt bao nhiêu năm qua.

***

Nhiều người khen chị Đoàn Thị Bích Phượng là người phụ nữ đa năng hoặc đa tài. Tôi nghĩ chị “đa đoan” thì đúng hơn, bởi chị luôn nghĩ cho người khác mà ít nghĩ cho bản thân, việc gì chị cũng “gánh” và làm hết mình như nặng nợ từ lâu như một câu hát trong ca khúc “Chị tôi” của nhạc sĩ Trọng Đài phổ thơ Đoàn Thị Tảo: “Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan...”.

Bài, ảnh: LỆ THU

Chia sẻ bài viết