10/11/2009 - 21:17

Người giúp thanh niên làm giàu

Anh Huỳnh Văn Minh, 43 tuổi, ở ấp Đông Bình, xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang), từ hai công vườn tạp đã gây dựng nên cơ ngơi trị giá cả tỉ đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, có cuộc sống ổn định, cùng với vốn kiến thức tích lũy nhiều năm, anh mạnh dạn đứng ra thành lập Tổ hợp tác thanh niên (THTTN) ấp Đông Bình nhằm hỗ trợ cho thanh niên trong xóm làm ăn kinh tế, từ đó đã giúp được nhiều hộ gia đình thoát nghèo vươn lên khấm khá.

* VƯỢT KHÓ

“Cần cù, chịu khó, nhiệt tình giúp đỡ người dân làm ăn kinh tế”, đó là những nhận xét về anh Minh của bà Nguyễn Thị Kiều Lan, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành. Từ trung tâm xã Tân Thành, đi theo con lộ đất đầy sình lầy, ổ gà mất gần 30 phút, tôi mới đến nhà của anh Minh. Căn nhà tường khang trang giữa vườn cây ăn trái trĩu cành. Trước năm 1995, vợ chồng anh Minh làm y tá ở Bệnh viện Phụng Hiệp (cũ), đồng lương ít ỏi khi đó không đủ để vợ chồng anh xoay xở, trong khi vợ anh - chị Trần Thị Bùi lại nay ốm mai đau. Khó khăn vợ chồng anh xin nghỉ việc, rồi dắt nhau về quê của anh Minh ở ấp Đông Bình, dựng căn nhà tre lá tạm bợ trên phần đất của cha mẹ ruột cho. Sau đó, anh bắt tay vào việc cải tạo lại mảnh vườn, trồng hoa màu ngắn ngày kiếm thêm thu nhập. Nhưng thu nhập từ 2 công vườn tạp không được là bao, vợ chồng anh phải bươn chải kiếm sống bằng việc làm thuê, làm mướn. Trong một lần đi thăm người bạn ở xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, nhìn vườn bưởi năm roi, cam sành của người bạn đang cho trái, anh Minh thích thú, tò mò hỏi thăm cách trồng, giá cả đầu ra. “Trồng cây có múi đâu phải dễ, nhà vườn cần có tay nghề cao, thổ nhưỡng phải phù hợp, chứ lơ mơ là phá sản như chơi”- bạn của anh Minh nói.

Anh Huỳnh Văn Minh đang chăm sóc vườn cây ăn trái. 

Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Minh quyết định đánh liều với loại cây có múi vốn không được ưa chuộng ở vùng đất Đông Bình. Anh tiến hành làm đê bao khép kín để ngăn lũ, nâng cao bờ liếp. “Trước kia, khu vực này chưa có đê bao khép kín để ngăn lũ nên việc trồng cây có múi khó khăn lắm. Còn giờ thì ngon lành rồi, Nhà nước làm đê bao, kết hợp với xây dựng giao thông nông thôn, nhà vườn không còn sợ lũ nữa”- anh Minh nói. Chị Bùi nhớ lại khoảng thời gian cơ cực nhọc của vợ chồng mình: “Lúc đó, vợ chồng tôi nghèo dữ lắm, tiền mua cây giống còn phải chạy mượn khắp nơi, đừng nói gì đến chuyện thuê nhân công làm tiếp. Trời chưa sáng, ông nhà tôi đã thức dậy, nấu cơm nước để ở nhà cho tôi xong xuôi là ổng lấy cây xẻng bơi xuồng đi chở đất đắp bờ bao. Sau bữa cơm sáng thì chuyển sang sên đất nâng cao bờ liếp đến trời tối mịt mới về. Tôi thì có con nhỏ, đâu giúp được gì, từ việc nhà đến công việc ngoài vườn chỉ có một mình ảnh cáng đáng”.

Gom góp số tiền tích lũy bao năm cùng với số tiền mượn được nhưng cũng không đủ để mua cây giống trồng trên 2 công vườn. Anh Minh năn nỉ, chủ cây giống mới chịu cho mua thiếu 30 gốc bưởi năm roi. Trước đây, ở ấp Đông Bình người dân sinh sống chủ yếu dựa vào canh tác cây lúa. Còn vườn cây ăn trái hầu hết thuộc diện vườn tạp, hiệu quả kinh tế không cao, cây ăn trái chủ yếu trồng dừa, chuối,... vì theo người dân địa phương, đất ở đây không thích hợp trồng cây có múi. Thấy anh Minh đốn dừa, chặt chuối trồng cam sành, bưởi năm roi, nhiều người lo lắng: “Ông Minh muốn bỏ tiền xuống sông, xuống biển nên mới trồng loại cây này!”. Sau hơn 4 năm bỏ công chăm sóc, số cây bưởi, cam sành cho trái đầu tiên. Và sự kỳ vọng của anh đã biến thành nỗi thất vọng lớn. Trái ít, không đạt chất lượng khiến anh trắng tay vụ đầu tiên. Không bỏ cuộc, anh quyết tâm làm lại từ đầu bằng việc “tầm sư học đạo”. Hết qua tỉnh Vĩnh Long, anh lại đến tỉnh Tiền Giang học hỏi kỹ thuật từ những nhà vườn có kinh nghiệm, khi thì đến Khoa Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ phô tô tài liệu về kỹ thuật trồng cây có múi mang về nghiên cứu. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, mùa vụ năm sau anh trúng đậm. Từ đó, anh vừa làm, vừa học hỏi thêm kinh nghiệm, những vụ mùa tiếp theo vườn cây ăn trái nhà anh luôn cho năng suất cao. Tuy nhiên, khi vào chính vụ, giá cả bị sụt giảm, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận, đón bắt nhu cầu cao của thị trường vào thời điểm trái vụ, anh Minh sử dụng kỹ thuật xử lý cho cây ra trái nghịch vụ, bán được giá cao. Ngoài việc trồng cây ăn trái, anh còn tận dụng mương ao trong vườn thả nuôi cá điêu hồng, cá tai tượng, kết hợp với chăn nuôi heo... để kiếm thêm thu nhập. Nhờ chí thú làm ăn, tằn tiện trong chi tiêu, tích lũy được số vốn anh Minh sang thêm hơn 2ha vườn. Hiện nay, nguồn lợi từ sản xuất của gia đình anh trên 200 triệu đồng/năm.

* GIÚP THANH NIÊN LẬP THÂN, LẬP NGHIỆP

Cách đây hơn 6 năm, gia đình các anh: Lê Phước Hậu, Phạm Hùng Xe, Trần Hoài Hận, Võ Văn Luyến ở ấp Đông Bình thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đời sống của các thanh niên bắt đầu thay đổi khi tham gia THTTN ấp Đông Bình do anh Minh làm tổ Trưởng. Trường hợp của gia đình anh Lê Phước Hậu, cha mẹ hai bên đều nghèo, anh ra riêng chỉ có căn chòi tạm bợ cất nhờ trên phần đất của người bà con; làm thuê, làm mướn quanh năm nhưng cũng không đủ nuôi 3 miệng ăn trong nhà. Một hôm, anh Minh đến vận động anh Hậu tham gia vào THTTN ấp Đông Bình. Anh Hậu nhớ lại: “Nghe anh Minh kêu tham gia vào THTTN tôi đồng ý đại cho ảnh vui chứ dốt như tôi đâu có hiểu hợp tác thanh niên là gì đâu”. Sau đó, anh Minh cho anh Hậu mượn diện tích mặt nước gần 1.500m2, rồi đứng ra bảo lãnh cho anh Hậu mua cá giống chịu về thả nuôi. Vợ anh Hậu cũng được anh Minh giới thiệu vào làm phụ bếp cho một quán ăn ngoài xã, còn anh Hậu chăm sóc đàn cá và theo anh Minh học tập kinh nghiệm làm vườn. “Tiếng là tôi nuôi cá nhưng từ ao, cá giống, tiền mua thức ăn đều do anh Minh hỗ trợ”- anh Hậu nói giọng cảm kích. Sau khi trừ chi phí, tiền lời anh Hậu thu được từ ao cá gần chục triệu đồng. “Cầm số tiền trên tay mà vợ chồng tôi xúc động rơi nước mắt!”- chị Nguyễn Thị Duyên vợ anh Hậu nói. Có được số vốn, vợ chồng anh Hậu thuê đất tiếp tục nuôi cá, chỉ vài năm sau, vợ chồng anh sang nhượng được 4 công vườn tạp, cải tạo lại trồng cam sành, bưởi, kết hợp với chăn nuôi. Đến nay, gia đình anh Hậu thoát nghèo vươn lên khấm khá.

So với anh Hậu, hoàn cảnh gia đình của Phạm Hùng Xe có phần đỡ hơn. Anh Minh cũng tích cực giúp anh Xe cải tạo lại miếng vườn, rồi hỗ trợ thêm phần cây giống. Nhờ sự chỉ dẫn tận tình của anh Minh, vụ mùa đầu tiên, vườn cây ăn trái của anh Xe cho sản lượng cao, thu nhập khá. Anh Xe cho biết: “Lúc thì anh Minh sang xem cây có bệnh gì không, lúc thì qua hỏi chuyện gia đình, đến khi thu hoạch, anh ấy cũng là người đứng ra tìm thương lái, đầu ra cho tôi. Kỹ thuật bón phân, cắt tỉa nhánh, phòng trừ sâu bệnh, xử lý cho cây ra trái nghịch mùa, tất cả đều được anh Minh cầm tay chỉ việc. Anh Minh không hề giấu anh em bí quyết gì cả. Chính vì vậy, trong tổ hợp tác, chúng tôi không chỉ quý anh vì sự cần mẫn, mực thước mà còn ở anh đức tính giản dị, chân thành, thật lòng, luôn quan tâm giúp đỡ mọi người”.

THTTN ấp Đông Bình được thành lập giữa năm 2005, lúc đầu chỉ có 8 thành viên tham gia. Đến nay, tổ có 25 thành viên, với 21 ha vườn cây ăn trái, chủ yếu là bưởi năm roi, cam sành, quýt. Hầu hết đời sống của tổ viên đã được cải thiện, hơn 50% tổ viên có mức thu nhập trên 70 triệu đồng/năm, số còn lại trung bình trên 25 triệu đồng/năm. Hiện nay, anh Minh đang làm các thủ tục để nâng THTTN thành Hợp tác xã nông nghiệp. “Nâng lên Hợp tác xã là để cho tầm hoạt động được rộng hơn nhưng mục đích chính vẫn là hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế. Tôi từng trải qua giai đoạn khó khăn trong cuộc sống nên rất hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của bà con nghèo trong ấp. Giúp thanh niên làm kinh tế để thoát nghèo chính là cách tốt nhất mà tôi có thể chia sẻ”- anh Minh bộc bạch.

Đã có cơ ngơi, vốn liếng khấm khá nhưng đối với anh Minh có tiền không đồng nghĩa với việc ăn xài phung phí, hưởng thụ. Không chỉ tiết kiệm trong chi tiêu sinh hoạt của gia đình mà anh Minh còn tiết kiệm trong sản xuất. Anh tận dụng nguồn phân heo để sản xuất gas cho cho việc nấu nướng của gia đình, bên cạnh đó anh còn xử lý phân heo thành phân bón hữu cơ thay thế một phần phân vô cơ bón cây ăn trái, nhằm giảm chi phí trong sản xuất. Anh nói: “Trong sản xuất nông nghiệp phải biết tiết kiệm bằng việc dùng thuốc, phân bón đúng cách, để giảm chi phí sản xuất, không gây hại môi trường. Không phải thấy cây có bệnh là dùng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân vì như thế hiệu quả không cao mà còn là một sự lãng phí lớn”.

Vợ chồng anh Minh có 2 con. Con gái lớn của anh chị đang học đại học năm thứ hai ngành Cử nhân Anh văn, còn cậu con trai út đang học lớp 12, học lực của hai cháu đều thuộc diện khá giỏi. “Làm gì thì làm nhưng cuộc sống vợ chồng phải hòa thuận, con cái học hành ngoan hiền là mục tiêu của vợ chồng tôi”- anh mộc mạc nói.

Ở tuổi trung niên nhưng suốt thời trai trẻ vật lộn với đồng ruộng, nên anh Minh thấu hiểu khát vọng làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê mình. Vì lẽ đó, khi đã ổn định sản xuất, đời sống khá giả, anh luôn hướng hoạt động về thanh niên nông thôn giúp họ định hướng đúng đắn cho quá trình lập thân, lập nghiệp. Và ngọn lửa niềm tin đã thắp lên, ngày càng bừng sáng, có sức lan tỏa, tạo hiệu ứng xã hội cao. Nhờ đó, góp phần ngăn chặn thanh niên có lối sống buông thả, giúp họ nuôi dưỡng ý chí, quyết tâm thoát nghèo bằng sức lao động chân chính.

Ghi chép Vân Lâm

Chia sẻ bài viết