27/10/2009 - 09:00

Người biết "cho" và "nhận"

Ông Nguyễn Văn Măng. Ảnh: LY GIANG 

Những ngày đầu năm học 2009-2010, về huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, thường nghe nhắc đến chuyện nông dân Nguyễn Văn Măng, ở xã Vĩnh Phước A, hiến 8.100 m2 đất để xây dựng trường học. Câu chuyện hiến đất của ông Măng bắt nguồn từ những biến cố được- mất, sống- chết mà khi vượt qua được người ta chợt nhận ra rằng “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.


Chúng tôi gặp ông Măng tại Hội trường Huyện ủy Gò Quao. Nhìn dáng dấp nhanh nhẹn và nụ cười tươi của người đàn ông sắp bước sang cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” này khó ai biết được rằng ông từng trải qua không ít sóng gió trong cuộc đời...

Hơn 10 năm trước, ông Măng nổi lên trong giới trồng khóm ở xã Vĩnh Phước (nay là xã Vĩnh Phước A và Vĩnh Phước B), huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, như một gương điển hình về làm giàu từ cây khóm. Từ 2-3 công rẫy trồng khóm ban đầu do cha mẹ chia cho khi ra riêng đến những năm 1990, ông Măng đã có trong tay 60-70 công rẫy. Đó là quá trình cần cù, “tích tiểu thành đại”. Ông Măng nhớ lại: “Trồng khóm thấy dễ mà không dễ, quan trọng là phải nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc, làm cho khóm ra hoa... Bên cạnh kinh nghiệm, phải thường xuyên nghiên cứu những tiến bộ kỹ thuật để áp dụng. Nhờ vậy, gia đình tôi sống rất khá giả với nghề trồng khóm. Cứ sau mỗi mùa khóm, vợ chồng tôi lại mua thêm một vài công đất. Hai vợ chồng cũng tính sau này mỗi đứa con ra riêng, sẽ cho hơn chục công để gây dựng gia đình”.

Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng phẳng lặng và không ai có thể lường trước những biến cố có thể đến với bản thân mình, gia đình mình. Năm 2003, khi gia đình đang làm ăn khấm khá thì cậu con trai thứ hai của ông Măng bị bệnh tim. Ông đưa con chạy chữa khắp nơi, từ Bệnh viện Gò Quao đến Bệnh viện Rạch Giá, nơi đâu, ông cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ y, bác sĩ và tờ giấy chuyển viện lên tuyến trên. Cuối cùng là đến Bệnh viện Việt- Pháp, TP Hồ Chí Minh. Các bác sĩ ở đây phân tích: “Nếu không phẫu thuật thì có thể không giữ được mạng sống cho bệnh nhân. Còn phẫu thuật thì chi phí không phải nhỏ. Vợ chồng anh phải nghĩ đến sinh kế sau khi bán đất để phẫu thuật cho con”.

Từ lúc bước vào cuộc chiến chống lại bệnh tật của con trai, hai vợ chồng ông Măng cứ phải bán dần đất đai. Mỗi lần vợ chồng ông đưa con trai lên thành phố điều trị bệnh là vài công khóm “ra đi”. Lần phẫu thuật, chi phí qui ra phải hàng chục công khóm. Ông Măng nhớ lại: “Hai vợ chồng cũng trăn trở suy nghĩ, bàn tính đủ đường. Nhưng rồi, vợ chồng tôi cũng nhận ra rằng sự sống của con mình là vô giá, còn người thì còn của. Vì vậy, tôi quyết định bán 20 công rẫy, lấy tiền phẫu thuật cho con”. Ca phẫu thuật thành công. Tiếp theo đó là 20 lần ngược xuôi từ Gò Quao lên TP Hồ Chí Minh tái khám theo lời hẹn của bác sĩ. Sau 4 năm đánh vật với bệnh tật, khi con trai hoàn toàn hồi phục, sống khỏe mạnh cũng là lúc hơn nửa “gia tài khóm” của ông Măng về tay người khác. Cả nhà lại động viên nhau cùng chí thú làm ăn mong gầy dựng lại gia sản.

Thế nhưng, “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”, vừa yên ổn được khoảng một tháng thì con gái lớn của vợ chồng ông Măng bị sốc thuốc, cấp cứu ở Bệnh viện Rạch Giá. Các bác sĩ ở đây đã lắc đầu, không còn cách gì cứu được. Ông Măng kể: “Không thể nhìn con nằm chịu chết, vợ chồng tôi bao xe chở con lên Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh. Cứu được mạng nhưng con tôi lại chuyển sang bị suy thận. Mất 10 tháng ở thành phố chữa trị con gái tôi mới hoàn toàn khỏe mạnh”. 10 tháng đó, rẫy khóm của ông Măng cứ dần vơi đi. Đến khi con gái ông hồi phục hoàn toàn thì trong tay ông chỉ còn 9 công đất.

Từ 60- 70 công rẫy đến giờ chỉ còn 9 công nhưng vợ chồng ông Măng không lấy đó làm buồn. Từ trải nghiệm của chính gia đình mình và những ngày lây lất ở bệnh viện nuôi con, chứng kiến nhiều cảnh đời bất hạnh, vợ chồng ông Măng càng thấm thía hơn lẽ được- mất ở đời. Ông tâm sự: “Có những người mắc bệnh nan y, gia đình quá nghèo, đành chở về nhà nằm chờ chết. Có gia đình bán hết đất đai, nhà cửa để chạy chữa cho người thân nhưng rồi cũng đành bó tay... Chứng kiến những cảnh đó, vợ chồng tôi suy nghĩ, trăn trở rất nhiều. Hơn 20 năm lao lực, chỉ trong 5 năm con bệnh, công sức làm lụng gần như đổ sông đổ biển nhưng tôi vẫn thấy mình được nhiều hơn mất”. Nói vậy rồi ông sung sướng khoe con gái lớn giờ sống hạnh phúc bên chồng con; con trai thứ hai đang làm công nhân tại TP Hồ Chí Minh; con trai thứ ba đang đi nghĩa vụ quân sự và quyết tâm gắn bó với binh nghiệp; con gái út đang học lớp 11 tại Trường THPT Gò Quao.

Hơn một năm nay, ông Măng mở quán nhỏ bán nước, kiếm thêm thu nhập, trang trải tiền học phí cho con gái út. Cuộc sống không dư dả nhưng đầm ấm, hạnh phúc. Vậy nhưng, trong lòng ông Măng vẫn đau đáu một nỗi niềm. Ông bộc bạch: “Ông bà mình nói “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Những ngày ở thành phố, tôi nhận thấy muốn thay đổi cuộc sống thì phải học. Tôi tiếc lắm vì từ trước đến nay mình không nghĩ đến chuyện này để lo cho các con học hành đến nơi đến chốn”. Ông Măng tự hỏi tại sao nhiều người dân ở miền Trung, miền Bắc còn nghèo khó hơn, điều kiện sống khắc nghiệt hơn, nhưng vẫn có thể nuôi con thành bác sĩ, kỹ sư; vì sao số lượng con em ở xã Vĩnh Phước A học hành thành đạt chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay... Nhìn những bàn tay chai sần của thanh niên trong xóm vì khóm đâm, vì cày cuốc, ông Măng không khỏi chạnh lòng...

Chính vì vậy, khi nghe được chuyện cần đất xây trường do một số cán bộ, giáo viên mang ra bàn ở quán cà-phê của ông, ông Măng suy nghĩ lung lắm. Ông không rõ sự khác nhau của phương pháp giảng dạy ở bậc tiểu học và bậc THCS như thế nào nhưng ông biết nếu có đất xây trường, tách Trường Phổ thông Cơ sở Vĩnh Phước A thành trường tiểu học và trường THCS thì học sinh sẽ dễ học hơn, học tốt hơn. Thế là, sau nhiều đêm suy nghĩ, ông bàn với vợ: “Con cái mình đã lớn, khỏe mạnh. 9 công khóm của mình mỗi năm thu hoạch cũng được vài chục triệu nhưng không có 9 công khóm đó thì gia đình mình cũng sống được từ quán nước, nếu biết tiết kiệm. Nếu mình cho xã 7 công khóm để xây trường, gia đình mình chỉ mất một phần thu nhập nhưng rất nhiều học sinh trong xã được hưởng lợi ích...”.

Nghe phân tích thiệt hơn, vợ ông Măng liền đồng ý. Ông Măng lập tức liên hệ với chính quyền xã Vĩnh Phước A làm thủ tục hiến 7.000m2 đất. Ngay sau đó, ngành giáo dục huyện Gò Quao làm hồ sơ xin xây dựng trường. Thế nhưng, trường lại được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc gia nên cần đến 8.100m2 đất. Ông Phạm Thiên Tuế, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Gò Quao, kể: “Khi nhận thiết kế, chúng tôi rất lo vì không biết lấy đâu ra hơn 1.000m2 đất nữa. Chúng tôi mang bảng thiết kế đến trao đổi với ông Măng và không ngờ ông quyết định hiến thêm 1.100m2 đất”. Như vậy, tổng diện tích đất ông Măng hiến để xây dựng Trường THCS Vĩnh Phước A là 8.100m2 và gia đình ông chỉ còn lại vỏn vẹn 900m2 đất canh tác.


******

Ông Phạm Thiên Tuế, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Gò Quao, cho biết: “Hiện nay, toàn huyện chỉ còn 1 Trường Phổ thông Cơ sở Vĩnh Phước A là tồn tại hai cấp học THCS và tiểu học. Để như vậy, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy học nhưng nhiều năm qua, chúng tôi không tách cấp được vì không có đất xây dựng trường. Nhờ có đất của ông Măng hiến tặng mà khó khăn này đã được tháo gỡ”. Trường THCS Vĩnh Phước A đã được khởi công xây dựng. Khi chia tay tôi, ông Tuế và ông Măng đều hẹn sẽ gặp lại vào ngày khánh thành trường mới: Trường THCS Vĩnh Phước A đạt chuẩn quốc gia trên vùng đất còn nhiều khó khăn...

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết