Sau những cơn mưa, cánh rừng bừng lên sức sống. Hoa lá xanh tươi, đâm chồi nảy lộc. Những con thác, con suối nước trong veo. Đêm giăng lều giữa rừng nghe du dương bản đồng ca côn trùng hòa quyện vào tiếng lá xào xạc và sầu khúc của những chú ve bé xíu trên cành cây.
Giếng Trời được hình thành ngoạn mục của thiên nhiên Bù Gia Mập.
Đi rừng, người ta thường chọn mùa khô ráo, bắt đầu từ tháng 11, 12 của năm trước, kéo dài tới khoảng tháng 4, tháng 5 năm sau. Khi đó, đường đi dễ dàng hơn, không bị trơn trợt. Nhất là tránh được nỗi ám ảnh bị vắt bám. Mưa đầu mùa, vắt xuất hiện ở rừng. Nhưng cũng là mùa rừng đáng để đi hơn bởi rừng căng tràn sức sống.
Rừng Bù Gia Mập thuộc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập thuộc tỉnh Bình Phước, nằm giáp ranh với tỉnh Đắk Nông, cách Cần Thơ khoảng 350km. Đây là rừng đầu nguồn của các hồ thủy điện Suối Mơ và Cần Đơn. Đồng thời là khu rừng nằm ở vị trí cuối cùng của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Bù Gia Mập từ lâu đã trở nên hấp dẫn các nhà nghiên cứu khoa học về động thực vật, hệ sinh thái… Riêng đối với du khách, trong vài năm trở lại đây trở thành điểm đến vào mỗi cuối tuần. Các đoàn thường xuất phát vào khoảng sau 10 giờ đêm tại Sài Gòn để kịp đón bình minh ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cùng tiếng suối róc rách, tiếng chim ríu rít và những đám mây trôi là đà trên cành cây.
Sau bữa sáng tại Vườn với bầu không khí trong lành, đoàn tiến sâu vào rừng trên con đường tuần biên – đường tuần tra biên giới Việt Nam và Campuchia kéo dài lên tận ngã ba Đông Dương ở cửa khẩu Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Con đường độc đạo trải bê tông, hai bên là rừng xanh mát rượi đi qua các trạm kiểm lâm, biên phòng. Điểm dừng chân đầu tiên là Di tích Điểm cuối đường ống dẫn dầu Trường Sơn, đưa nguồn dầu từ Bến Thủy (Vinh) về Bù Gia Mập để cung cấp nguyên liệu cho cách mạng những năm chiến tranh. Đến Trạm kiểm lâm số 9, đoàn xuống xe dùng bữa trưa đúng nghĩa ở rừng – dùng ống tre thay nồi để nấu cơm, canh, kho thịt; chẻ tre kẹp thịt để nướng…. Sau đó, là cung đường rừng. Mỗi người tự vác ba lô, còn có người địa phương đi cùng hướng dẫn viên (cũng là kiểm lâm) khuân vác đồ ăn, nước uống và lều trại cho cả đoàn.
Đi giữa rừng già, ai nấy đều hứng khởi bởi được tách ra khỏi những khối bê tông và ồn ào phố thị. Ở đây, chỉ có rừng cây và tiếng côn trùng, chim muông. Sau hơn một giờ băng rừng, anh kiểm lâm thông báo đoàn đã đến Hang Dơi – một hàm ếch rộng cả trăm mét, cao hơn một mái nhà, ăn sâu vào bên trong tối om. Tiếp theo là Giếng Trời – nơi đáy con suối bị xói mòn tự nhiên, rút dòng nước xuống bên dưới vốn là một hàm ếch, tạo nên dòng chảy ngoạn mục. Cuối ngày, đoàn hạ trại bên bờ của một dòng suối lớn, là nguồn nước quan trọng để cung cấp cho các hồ thủy điện ở hạ nguồn. Đến tối, cả đoàn chen chúc nhau bên bếp than trong lán vừa mới dựng hồi chiều . Bếp lửa tí tách thơm lừng mùi thịt nướng và cơm lam. Ngoài kia, trăng đã nhô lên khỏi ngọn cây, soi xuống dòng suối loang loáng ánh bạc. Guitar và những bài hát nối tiếp nhau không dừng vang vọng cả cánh rừng. Những mệt nhọc của hành trình sau một đêm chập chờn trên xe rồi đi bộ khám phá hơn nửa ngày trong rừng… dường như không hiện diện lúc này, giữa khúc hoan ca. Đêm nằm trong lều có tiếng mưa lộp độp trên mái hòa cùng dàn đồng ca của côn trùng, như lời ru của thiên nhiên.
Ngày thứ hai có cung đường vất vả hơn với hành trình tới một con thác khác, đi ngược dòng suối tiến sâu vào rừng già. Nhưng thoải mái hơn bởi toàn bộ hành lý được để lại, mỗi người chỉ mang theo chai nước và cầm gậy lên đường. Phải zích zắc hai bờ suối nên lúc nào giày cũng ướt nước chẳng khác nào “những chiếc lông ngỗng” dẫn đường cho vắt. Có hơi ẩm và nhiệt, chúng đánh hơi rất nhanh. Vì thế, ngoài vớ cao, người đi rừng còn bó gối và túm ống quần kỹ lưỡng. Dù vậy, vẫn khó tránh được sự tinh vi của con vật bé xíu bằng cọng chân nhang luôn luồn lách nhẹ nhàng nhưng đầy nguy hiểm này. Tuy nhiên, nỗi sợ đó tan biến khi vào giữa rừng già, ngắm nhìn những cây gỗ quý, có cây vài trăm năm tuổi. Đặc biệt với những cây cổ thụ, thân cao vài mươi thước là nơi hình thành và phát triển của cây tổ kiến, một sự cộng sinh đầy thú vị giữa thực vật và động vật của thiên nhiên Bù Gia Mập. Bởi thế, hệ sinh thái vùng này rất phong phú, giữ được nhiều loại gien quý bổ sung cho danh mục động, thực vật của Việt Nam và thế giới. Hành trình chỉ tới thác Đăk Pô rồi trở ra cho kịp buổi chiều rời khỏi rừng quay trở về với phố thị. Rời đi, lòng đầy tiếc nuối bởi khu rừng này còn quá nhiều thứ hấp dẫn bởi hệ sinh thái và rất nhiều con thác hùng vĩ giữa rừng xanh.
Bài, ảnh: MIÊN HẠ