25/03/2012 - 09:41

Ngôi làng cổ hơn 500 năm

Làng Mỹ Xuyên (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) có hơn 500 năm tồn tại. Quần thể lịch sử kiến trúc như lăng mộ tiền hiền, đình làng, cây đa, bến nước và dấu ấn sắc phong đã kết thành chuỗi kết nối giữa quá khứ với hiện tại và cả tương lai. Độc đáo nhất là 32 đạo sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng đã tô điểm thêm bề dày lịch sử và niềm tự hào của người dân làng Mỹ Xuyên.

Một trong những làng cổ nhất miền Nam

Theo những tài liệu còn lưu giữ tại làng, làng Mỹ Xuyên có từ thời vua Lê Thánh Tông vào năm 1471.

Đình làng Mỹ Xuyên. 

Thời điểm này, vua Lê Thánh Tông đã lập ra Đạo Thừa Tuyên Quảng Nam và đề cử Chánh đề đốc Hùng Long Hầu Lê Quý Công (quê làng Thần Phù, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) cùng 12 vị tướng khác ở lại vùng đất này để giữ vững bờ cõi biên cương.

Nơi mà Lê Quý Công lập làng định cư là làng Mỹ Xuyên. Kể từ đó, làng Mỹ Xuyên được hình thành và gắn liền với tên tuổi ông Lê Quý Công tổ tiền hiền của làng. Tôn xưng của Lê Quý Công được ghi chép khá kỹ trong phả hệ của dòng tộc Lê tại làng.

Từ khi ông Lê Quý Công chọn vùng đất này định cư lập làng, để lập làng, người dân ở mọi nơi kéo về đây để định cư. Chỉ sau một thời gian ngắn, làng Mỹ Xuyên trở thành vùng quê trù phú và dân cư đông đúc.

Như vậy, làng Mỹ Xuyên là làng có lịch sử cổ nhất ở miền Nam cùng với làng Ngũ Xá Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên; làng Chiên Đàn, huyện Phú Ninh, Quảng Nam.

32 đạo sắc phong qua các đời vua nhà Nguyễn

Theo hậu duệ đời thứ 16 của thủy tổ của làng ông Lê Tịch (đồng thời là Trưởng ban Trị sự làng Mỹ Xuyên) cho biết: làng còn lưu giữ nguyên gốc 32 ấn sắc phong của nhà vua ban tặng cho làng Mỹ Xuyên. Những đạo sắc phong qua 7 triều đại vua, khởi đầu từ có từ thời vua Minh Mạng đến Khải Định. Trong đó, số sắc phong các vua ban cho làng lần lượt là Minh Mạng (5 đạo), Thiệu Trị (10), Tự Đức (11), Đồng Khánh (2), Duy Tân (2), Khải Định (2).

Ông Lê Văn Hậu bên 32 đạo sắc phong được ông giữ gìn rất cẩn thận trong nhà, trên bàn thờ tổ tiên.

Ông Lê Lịch còn cho biết thêm, trong các ấn của vua nhà Nguyễn sắc phong cho dân làng Mỹ Xuyên đều ca tụng công đức của các vị khai khẩn tiền hiền đã tôn hiển trong đời sống với những danh phận cao quý trong hệ thống thần tích như: Đông Hựu Thuận, Đông Quảng Hậu, Bạch Mã Tôn, Thượng đẳng thần,...

32 đạo sắc phong được dân làng trân trọng và gìn giữ cẩn thận qua gần 300 năm. Sắc phong cổ nhất và có niên đại lâu nhất phải kể đến là sắc phong của vua Minh Mạng ban năm 1824 về việc cho xây dựng con sông Mỹ Xuyên đi ngang qua làng (mà nay vẫn còn dấu tích) để phục vụ nhu cầu thủy lợi và quân sự của trấn Quảng Nam xưa kia. Đây là sắc phong được ghi nhận thuộc hàng cổ nhất hiện nay còn được lưu giữ ở Quảng Nam.

Tất cả sắc phong cổ của làng Mỹ Xuyên được ông Lê Văn Hậu (80 tuổi, tổ 7, thôn Xuyên Đông 2, làng Mỹ Xuyên) bảo quản chu đáo tại tư gia chờ ngày được công nhận. Hiếm khi ông cho người lạ xem vào, sờ vào 32 đạo sắc phong này vì theo ông nó rất thiêng liêng với không chỉ bản thân ông, gia đình ông mà với tất cả bà con làng này qua mấy trăm năm hình thành và phát triển. Mỗi khi lấy các đạo sắc phong xuống xem, ông thường kính cẩn thắp hương và xin các bậc tiền nhân khuất mặt cho phép...

Về những giá trị lịch sử và văn hóa của 32 đạo sắc phong của dân làng được phát hiện đầu năm 2011, đến ngày 30-12-2011, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đã ký Quyết định số 4451/QĐ-UBND về việc công nhận di tích cấp tỉnh cho làng Mỹ Xuyên. Đây được xem là sự quan tâm và trân trọng của nhà nước đối với những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống.

Bà Lưu Thị Hiền Phương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Duy Xuyên, nói: “Sau khi phát hiện làng Mỹ Xuyên có lưu giữ 32 sắc phong nhà vua triều Nguyễn, Phòng đã cử chuyên gia chữ Hán xuống để khảo sát và tiến hành dịch. Theo kết quả dịch sắc phong cho thấy, đây là 32 sắc phong chính gốc do 7 đời vua nhà Nguyễn ban tặng cho làng. Một làng có đến 32 lần được vua ban sắc phong quả là hiếm có ở Việt Nam. Sau khi được công nhận là di tích cấp tỉnh, Phòng sẽ kiến nghị lên tỉnh để sớm lập hồ sơ công nhận là di tích cấp quốc gia cho làng.”

Bài, ảnh: NGUYỄN THÀNH GIANG

Chia sẻ bài viết