02/09/2012 - 16:16

Nghĩa tình người Thầy thuốc ưu tú với ruộng đồng

Ông Tư Thuận trên cánh đồng lúa sắp thu hoạch.

Thoát ly gia đình theo cách mạng từ năm 1964, lúc ấy mới 15 tuổi, đi gần hết một đời người cho mãi đến lúc nghỉ hưu, Thầy thuốc ưu tú - bác sĩ Lê Đức Thuận (Tư Thuận) mới có cơ hội thực hiện ước mơ đã ấp ủ và đeo đuổi ông suốt từ thời niên thiếu là kiếm một mảnh đất để trồng lúa. Trong những ngày chuẩn bị đón lễ Quốc khánh 2-9, chúng tôi tìm đến trang trại lúa (Công ty TNHH Tân Thuận Hưng) của ông tại ấp số 9, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) để "tận mục sở thị” ông thầy thuốc này "trị bệnh" lúa như thế nào!

Tình người với đất

Từng là một bác sĩ được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Thầy thuốc ưu tú, rồi được phân công giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, cho nên tới khi đi làm ruộng "lão nông" Tư Thuận vẫn còn phong độ của một vị cán bộ lãnh đạo với áo sơ-mi dài tay đóng thùng, mang kính gọng vàng, duy chỉ có làn da sạm đen là biểu hiện duy nhất của một người dải dầu mưa nắng "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. "Coi giống đại gia trồng lúa quá hả. Để tui thay cái áo phèn đi ruộng vô là thành nông dân chân lấm tay bùn liền!" - ông Tư Thuận nói vui khi bắt tay mời chúng tôi bước vào căn nhà vách lá, lợp tôn, mà ông hóm hỉnh gọi là trụ sở giao dịch của công ty.

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng lúa sắp đến ngày thu hoạch, ông Tư Thuận nâng niu từng bông lúa trĩu hạt, bày tỏ: "Suốt cuộc đời mình, tôi luôn có một tình cảm đặc biệt dành cho nông thôn với những người nông dân Nam bộ chất phác, nhân hậu. Cũng vì cái tình này mà bất chấp sự ngăn cản của vợ con, bạn bè, thay vì mở phòng mạch tư, mở nhà thuốc thì tôi quyết tâm bán hết nhà cửa gom góp tiền lương hưu và của cải dành dụm mấy mươi năm để đầu tư khai hoang, phục hóa mảnh đất 41 ha phèn mặn. Mấy chú thấy rồi đó, giờ đã vào mùa nước đổ về mà dưới kênh phèn vẫn còn vàng quạch. Dường như cái duyên với đồng ruộng cứ đeo bám theo tôi mãi. Lúc còn chiến tranh tôi làm quân y, địa bàn chủ yếu là ở vùng nông thôn đã đành. Đến khi hòa bình, thống nhất đất nước, được đi học tiếp trở thành bác sĩ tôi cũng lại gắn bó với nông thôn do được phân công phụ trách mảng y tế cộng đồng. Qua mỗi miền quê hương, hễ nhìn thấy cây lúa, bờ ruộng, hàng dừa, lũy tre, thấy bà con nông dân là lòng dạ tôi lại nôn nao cảm xúc, chỉ mong sớm trở về quê kiếm miếng đất mà làm ruộng".

Ông Tư Thuận kể tiếp: "Cái đêm đầu tiên cắm dùi ở vùng đất này giông gió dữ tợn lắm, chắc ông trời muốn thử thách lòng người. Giữa lúc mưa như trút nước thì một cơn lốc thổi tung mái nhà, giật sập cây đòn dông vừa gác lên lúc sáng. Tôi nằm co ro dưới nền đất lạnh run cầm cập. Mấy đứa cháu thì sợ xanh mặt vì cho là có điềm không may, bởi dân Nam bộ vừa dựng nhà mà gãy đòn dông là coi như xui dữ lắm".

Vùng này trước đây tỉnh Kiên Giang giao cho Công ty Kiên Tài (Đài Loan) thuê đã trồng tràm làm nguyên liệu sản xuất giấy. Được vài năm thì Công ty Kiên Tài phải bỏ dở dang vì thua lỗ. Lúc này, ông Tư Thuận đứng ra xin thuê 50 năm để làm trang trại và được tỉnh chấp thuận. Xung quanh đây người ta đem máy vô đào đất lên bờ bao, lên liếp để trồng tràm, còn với ông thì xin đầu tư nuôi bò. Ban đầu bò sinh trưởng bình thường, nhưng lần hồi chết hết vì không có nguồn nước. Vậy mới biết đất phèn chua tới mức bò cũng sống không nổi, huống chi con người.

Không nuôi bò được, ông Tư Thuận mạnh dạn xin chủ trương chuyển mục đích sang trồng lúa và được UBND tỉnh chấp thuận. Có được bao nhiêu tiền ông lại san liếp để trồng lúa, mỗi mùa làm một miếng nhỏ, rồi mở rộng ra dần. Ban đầu năng suất chỉ huề vốn, rồi nhờ được Nhà nước đầu tư hệ thống kênh thủy lợi điều tiết nước để rửa phèn nên năng suất tăng dần lên, đến nay đã đạt trung bình 7 tấn/ha.

Nói thì dễ, nhưng không phải ai cũng làm ruộng được như ông Tư Thuận. Kiên Bình nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên này chỉ mấy doanh nghiệp thuê đất, diện tích còn lớn hơn đất ông Tư Thuận nhiều, nhưng hầu hết đều ngắc ngoải do sản xuất kém hiệu quả. Ông Ngô Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Kiên Bình, chia sẻ: "Ai tới đây khai khẩn đất phèn, trồng trọt, chăn nuôi chính quyền địa phương đều ủng hộ. Bởi bà con nông dân không có vốn đầu tư, chỉ chờ có người đầu tư mở đất mong có công ăn việc làm nuôi sống gia đình. Vậy mà nhiều lúc đến rất hăm hở, nhưng chỉ được vài vụ thì nản lòng bỏ đi hết. Chỉ có chú Tư Thuận là bền bĩ, thua keo này bày keo khác, trầy trật 6 - 7 năm ròng mới được như hôm nay. Tôi nghĩ chỉ có thể do chú Tư có cái tình thật sự với đất thì mới rời bỏ phố thị, rời bỏ công việc thầy thuốc vốn nhẹ nhàng, thu nhập cao lại được xã hội coi trọng để đi trồng lúa".

Mơ ước một... mái nhà!

Không phải ông Tư Thuận chưa có nhà ở, mà căn nhà của ông đã bán từ mấy năm trước được hơn 400 triệu đồng. Số tiền này ông trả nợ ngân hàng 150 triệu đồng, lo cho mấy người con học đại học xong hết, còn lại bao nhiêu ông gom góp mang đi thuê đất làm ruộng. Con cháu của ông Tư Thuận giờ người đã là kỹ sư, người nối nghiệp cha làm bác sĩ và đều đã yên bề gia thất. Chỉ có ông mải miết gắn bó với ruộng đồng đến nỗi hai ông bà tuổi gần "cổ lai hy" vẫn phải ở nhà thuê. "Căn nhà tôi đang thuê Nhà nước đã thông báo lấy lại để bán đấu giá. Tôi tính xin gia hạn thêm chừng nửa năm hay một năm nữa để gom đủ tiền mua cái nhà cho bà xã nghỉ ngơi, dưỡng già. Suốt cuộc đời mình có lo gì được cho bả đâu, toàn để bả phải vất vả lo toan mọi thứ trong ngoài...". Nói đến đây giọng ông Tư Thuận chùng xuống, ánh mắt nhìn xa xăm ra cánh đồng lúa đang chờ ngày thu hoạch.

Ông Tư tâm sự: "Tôi thuê đất làm ruộng để thỏa lòng mình là một lẽ, nhưng cũng còn do bởi anh em, con cháu dòng họ đa phần đều nghèo, thiếu đất sản xuất. Có mảnh đất này mọi người gom nhau về đây chung tay, chung sức làm ăn cũng gọi là có miếng đất cắm dùi. Với nông dân nghèo thì đó thật sự là một điều hạnh phúc lớn lao lắm". Ông Tư nói còn nhiều dự tính to tát lắm, phải làm từ từ từng việc một. Nào là áp dụng nhiều hơn nữa những tiến bộ khoa học kỹ thuật, rồi sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, rồi áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Gap để tăng giá trị hạt lúa trên thị trường..., tất cả chỉ mới bắt đầu.

Hình ảnh ông Tư Thuận - người thầy thuốc ưu tú - tuổi đã cao vẫn mải mê làm việc hăng say trên đồng lúa làm tôi chợt nhớ đến 2 câu ca dao được nghe từ thuở bé: "Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang/bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu". Một con người trọn đời cống hiến cho sự nghiệp y tế, gần cuối đời lại quyết định gắn bó với ruộng đồng, mặc dù bản thân có thể chọn công việc khác nhàn hạ hơn, thu nhập cao hơn gấp nhiều lần, thì chắc hẳn đất đai sẽ không phụ lòng con người ấy. Như ông Tư Thuận nói vui: "Làm giàu từ ruộng thì chưa dám nói, chứ còn mơ ước có một mảnh đất để làm nông nghiệp thì nay đã có. Giờ chỉ còn ao ước có được ngôi nhà để ở, nhưng việc này chắc cũng phải cố gắng vài năm nữa khi mà: đất không phụ lòng người".

Bài, ảnh: LÊ SEN

Chia sẻ bài viết