27/11/2009 - 21:08

Nghĩa tình của lão nông Khmer nghèo

Ông Danh SôMaly, người hết lòng vì sự phát triển quê hương.

Trường Tiểu học Ngọc Hòa 1, điểm Mười Sắc được xây dựng trên phần đất do ông Danh SôMaly tự nguyện hiến.

Kinh tế gia đình chẳng khá giả gì mấy, nhưng ông Danh SôMaLy (ở ấp Hòa An B, xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) đã tình nguyện hiến hơn 2.000m2 đất để xây dựng trường học và công trình phúc lợi xã hội ở địa phương. Nhờ vậy, diện mạo của một ấp vùng sâu, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống vốn còn nhiều khó khăn, nay dần khởi sắc...

* Khởi sắc

Nằm dọc tuyến kinh Mười Sắc, con lộ giao thông nông thôn được tráng bê tông, chạy dài khoảng 3.000 mét đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân ở ấp Hòa An B, xã Ngọc Hòa. Là một trong những hộ dân sống cố cựu nơi đây, ông Thạch Bé phấn khởi nói: “Ngày trước, nơi đây không có con đường, việc đi lại của người dân chủ yếu bằng các phương tiện như xuồng bơi hay vỏ lãi. Còn bây giờ, đường sá thẳng tấp, đời sống của bà con dần khấm khá, nhà nào cũng mua xe gắn máy làm phương tiện đi lại”.

Là địa phương vùng sâu, còn nhiều khó khăn, trên địa bàn ấp Hòa An B có khoảng 80% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Những năm gần đây, được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền và các ban ngành, đoàn thể, người dân được hỗ trợ, vay vốn phát triển kinh tế gia đình như trồng trọt, chăn nuôi... tăng thu nhập, góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo. Nhờ vậy, số hộ nghèo trên địa bàn giảm đáng kể. Điển hình như trường hợp của ông Danh Xay, trước đây ông không có ruộng vườn, sống chủ yếu bằng nghề làm thuê, làm mướn, thu nhập rất bấp bênh. Năm 2008, ông Danh Xay được chính quyền địa phương bảo lãnh vay vốn 3 triệu đồng. Có được nguồn vốn này, ông mua cá lóc giống về nuôi ở dưới mương quanh nhà. Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên như ốc, cua, cá đồng... sau 5 tháng nuôi, ông thu hoạch bán được hơn 10 triệu đồng, sau khi trừ chi phí ông còn lời khoảng 4 triệu đồng. Tiếp đó, ông mở rộng diện tích ao nuôi. Đến nay, ông Danh Xay đã trả xong nợ vay ngân hàng và vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Hôm chúng tôi đến, ông Danh Xay đang bận rộn chăm sóc đàn cá sắp cho thu hoạch. Ông cho biết: “Khoảng một tháng nữa, tôi sẽ xuất ao cá này. Với mức giá như hiện nay (khoảng 35.000 đồng/kg), sau khi trừ đi chi phí, tôi dự tính còn lời khoảng 10 triệu đồng”. Không riêng gì ông Danh Xay, những hộ như ông Thạch Khên, Lý Bé... cũng đang từng bước vươn lên thoát nghèo, con cái được học hành đàng hoàng.

Càng phấn khởi hơn khi những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở đây không ngừng được cải thiện. Ông Nguyễn Hồng Dũng, Trưởng ấp Hòa An B, cho biết: “Năm 2007, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng đã tiến hành khởi công xây dựng công trình nhà máy nước, với vốn đầu tư hơn 4 tỉ đồng. Sau thời gian thi công, đến nay công trình đã hoàn tất. Có 131 hộ dân Khmer nghèo đã được gắn đồng hồ nước miễn phí. Sắp tới, bà con có nước sạch sử dụng, không còn âu lo về nguồn nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe như trước”. Cạnh bên nhà máy nước này là Trường Tiểu học Ngọc Hòa 1 (điểm Mười Sắc) vừa được xây dựng khang trang với 3 dãy phòng học, nhà vệ sinh và sân vui chơi rộng rãi, thoáng mát. Năm học 2009-2010, điểm trường này có khoảng 200 học sinh theo học. Trước những đổi thay ở một vùng quê nghèo khó, ông Danh Thêm, người dân ở ấp Hòa An B, mừng vui nói: “Bây giờ đời sống của bà con đã thay đổi hơn trước nhiều lắm! Các nhu cầu thiết yếu của người dân như điện, đường, trường và nước sạch sinh hoạt đều được đáp ứng. Có được những chuyển biến tích cực này, chúng tôi thầm biết ơn nghĩa cử cao đẹp của ông Danh SôMaLy, người đã hiến đất để chính quyền địa phương và ngành chức năng đầu tư, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội ở địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân”.

* Nghèo của cải nhưng giàu tấm lòng

Bà con lối xóm hay nói vậy khi nhắc đến ông Danh SôMaLy. Hôm chúng tôi tìm đến nhà ông Danh SôMaLy, nhiều bà con đã nhắc về ông bằng cả sự tôn kính. Anh Kim Nam cho biết: “Ở xóm này, ai cũng kính nể chú Danh SôMaLy. Bởi, chú có lối sống rất giản dị, gần gũi và hay giúp đỡ bà con láng giềng. Dù kinh tế gia đình chẳng khá giả gì lắm, nhưng chú đã tình nguyện hiến hơn 2.000m2 đất để xây trường học và nhà máy nước, phục vụ cho nhu cầu của bà con trong xóm, ấp. Chúng tôi rất trân trọng và cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp của chú”.

Lớn lên khi đất nước còn chiến tranh, ông Danh SôMaLy không được học hành. Hơn ai hết, ông thấu hiểu những thiệt thòi của người ít chữ. Theo ông Danh SôMaLy để đổi đời chẳng có con đường nào khác ngoài việc học hành đến nơi, đến chốn. Vì lẽ đó, ông quyết định tạo cơ hội học tập cho thế hệ con cháu mai sau bằng tất cả những gì có thể. Ông Danh SôMaLy, cho biết: “Trước đây, Trường Tiểu học Ngọc Hòa 1 điểm Mười Sắc có 2 phòng học, nằm sâu trong phần đất vườn mượn tạm của người dân, vừa chật hẹp, vừa không có sân chơi và lại cách con lộ chính gần 300 mét. Mỗi khi trời mưa, các em học sinh đến trường rất khó khăn, có hôm quần áo, tập sách lấm lem sình bùn. Mặt khác, hàng năm, sỉ số học sinh đến lớp cứ tăng dần. Nhà trường có nhu cầu mở rộng quy mô trường lớp nhưng không có quỹ đất...”. Chia sẻ khó khăn với nhà trường, ông Danh SôMaLy đã làm đơn tình nguyện hiến 1.800m2 đất bờ xáng mà gia đình ông mua, nâng cấp mặt bằng hoàn chỉnh, có sẵn đường giao thông, trị giá khoảng vài chục triệu đồng... Không dừng lại đó, năm 2007, ông Danh SôMaLy tiếp tục hiến thêm 340m2 đất, để địa phương xây dựng công trình cung cấp nước sạch sinh hoạt. Nghĩa tình của ông Danh SôMaLy thật cao quí khi nguồn sống của gia đình ông chủ yếu phụ thuộc vào 5 công đất ruộng. Trong khi đó, vợ ông bị bệnh tim nặng và đã qua đời, để lại số nợ khá lớn, khoảng 50 triệu đồng. “Sao ông không bán phần đất này để trả nợ mà lại hiến để xây dựng các công trình công ích?” - Nghe chúng tôi hỏi, ông Danh SôMaLy cười nhẹ nhàng, rồi nói: “Đối với tôi, tiền bạc không phải là tất cả. Số nợ này, tôi có thể làm, rồi dành dụm trả dần được. Nhưng, nếu bán miếng đất này, thì con cháu sẽ gặp khó khăn trong việc học hành và nguy cơ bỏ dỡ việc học là điều không thể tránh khỏi. Vả lại, đây là tâm niệm của vợ chồng tôi muốn dành tặng cho thế hệ con, cháu có chỗ nơi học hành đàng hoàng. Chúng tôi hy vọng sau này trưởng thành, các em lấy đức và tài để kiến thiết, xây dựng và giữ gìn quê hương, đất nước ngày một phát triển”.

Năm nay ông Danh SôMaLy đã bước sang tuổi 60. Sau bao năm vất vả mưu sinh nuôi 5 người con lớn khôn có gia đình riêng, hiện ông sống chung với vợ chồng cô gái út. Lúc nông nhàn, ông chăm sóc mảnh vườn, nuôi cá và chăn nuôi gà vịt ở xung quanh nhà. Khi thì ông lặn lội đến nhà vận động các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, quay trở lại lớp học. Người dân và học sinh Hòa An B luôn biết ơn đóng góp của ông Danh SôMaLy, một người sống hết mình vì mọi người, nhiệt tình đóng góp, ươm mầm xanh cho sự nghiệp trồng người. Ông Nguyễn Hồng Dũng, Trưởng ấp Hòa An B, xã Ngọc Hòa, cho biết thêm: “Ông Danh SôMaLy còn là Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản, gương mẫu đi đầu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước nơi cư trú. Ông luôn sống gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đồng bào dân tộc. Qua đó, ông tuyên truyền hướng dẫn mọi người tiết kiệm trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt hàng ngày. Bà con còn nể phục ông ở tính siêng năng lao động và tích cực tham gia các phong trào làm lộ, bắc cầu xây dựng xóm ấp văn hóa, không tệ nạn xã hội”.

Bài, ảnh: NGUYÊN BỬU

Chia sẻ bài viết