Tôi có dịp về thăm nhà ông anh ở Hậu Giang. Khi tôi vừa tới nơi cũng là lúc anh đi giở trúm về. Cẩn thận cột chiếc xuồng con vào cây trâm bầu dưới bến, anh vác mớ trúm lên, gỡ hom ra và trút ống trúm xuống, những con lươn vàng ươm tuôn ra ngoây ngoấy. Anh cười khanh khách: “Bữa nay anh đãi chú em mày món lươn um lá mướp đã đời luôn!”. Đang bữa “chén tạc chén thù”, anh nói: “Chú mày hên đó, chứ mấy hôm rày nước rút, lươn hiếm lắm!”.
Anh đâu biết tuổi thơ của tôi ngoài cắp sách đến trường còn là những ngày theo cha đi khắp đồng bưng đặt trúm. Những ngày “tuy cực mà vui ấy” làm sao quên được.
Hồi trước, gặp ghe tre vùng Bảy Núi, Ba Chúc chở xuống miệt Bến Bào bán là cha tôi mừng lắm, bởi chỉ có tre vùng này làm ống trúm mới thật tốt. Có khi cha tôi cất công xuống tận miệt Chắc Băng, Huyện Sử (Cà Mau) tìm mua tre mỡ lóng dài, mỏng cơm, rộng ruột (đường kính phải đảm bảo 6, 7cm trở lên). Đem tre về, cha tôi cưa ra thành từng ống, mỗi ống dài trên dưới một thước. Cha tôi dùng cây mác róc mắt, cạo vỏ bề ngoài cho thật sạch đẹp. Còn phía trong những mắt tre được cha và anh hai tôi dùng cây sắt dài chọc cho thủng và bằng phẳng hết. Đây là công đoạn rất công phu và lắm nhiêu khê. Cha tôi kỹ tính nên có khi một ngày ông làm chỉ được năm bảy ống trúm, nhưng rất đẹp. Cái mắt cuối cùng không cần phải chọc thủng vì để làm đuôi ống trúm. Phần đầu ống trúm được lắp vào một cái hom mà mẹ và các chị tôi đã làm từ mấy hôm trước. Hom được làm bằng dây choại hay dây bòng bong bện những thanh tre đã vuốt nhọn, phần đầu mở rộng, phần đuôi túm lại theo hình phễu, để khi lươn chui vào thì dễ mà ra thì vô phương. Cha tôi khoan hai lỗ nhỏ gần miệng trúm bằng cách dùng sắt nung trong lửa dùi qua. Hai lỗ này để xiên một cây tre vót dài khoảng hai tấc qua có tác dụng giữ chặt hom để khi đặt ghim vào đất cứng, lươn không giãy giụa mà lôi trúm đi mất. Cha không quên dùi năm bảy lỗ ở thân ống trúm để khi lươn chui vào không bị ngộp chết.
 |
Đặt trúm ở bưng. |
Khi tôi học lớp bốn, lớp năm, đi học về là lại xách tay lưới hai phân rưỡi ra con mương sau nhà giăng cá sặt, ca rô nhỏ. Được cá, tôi đem phơi đến lúc cá ươn, đưa cho cha. Chỉ có cá sặt, cá rô lớn độ hai ngón tay để cho ươn là mồi “độc” để thu hút lươn vào trúm. Cha tôi lấy cá cho vào nồi nước sôi luộc sơ hoặc đem cá nướng vừa vàng. Có lúc ông lại băm cá sặt, cá rô hay tép cho nhuyễn rồi đem xào với xác dừa cho thật thơm. Cái gáo dừa đen bóng vì “lên nước” cha tôi sử dụng để đựng mồi lươn suốt hàng chục năm. Một nguyên liệu không thể thiếu để chế biến mồi là dầu cá từ phần đầu con cá sặt đem nấu kỹ cho ra dầu, mỡ. Cha tôi đem cá đã nướng hoặc luộc, xào dừa cho vào gáo dừa rồi đổ dầu cá vào trộn đều. Một “bí quyết” mà chỉ có người làm nghề đặt trúm lâu năm mới có được là cho vào hỗn hợp mồi lươn một ít ông ngùy (một dược liệu trong thuốc Bắc, có bán ở các tiệm thuốc Bắc).
Tựu trung lại, hai thứ quan trọng nhất quyết định yếu tố thành bại của việc đặt trúm là mồi và hom. Bởi lẽ, “mồi không ngon, lươn không đớp; trúm không thông, lươn không vào”.
Mùa đặt trúm lươn chính là mùa nước nổi - độ tháng 10 âm lịch đến Tết. Tuy nhiên, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là vùng U Minh Hạ quê tôi và Đồng Tháp Mười thì mùa nào cũng có thể đặt lươn được. “Cứ địa” mà lươn rất thích ở là những cánh đồng năn, cỏ lác mọc um tùm, nước lên cao, có nhiều đường nước vào ra. Nhưng nơi đắc địa nhất là những miệng đìa có nhiều cỏ năn. Ngoài yếu tố “địa lợi”, cha tôi còn chú ý nhiều đến yếu tố “thiên thời” thiên nhiên. Những khi nhìn trời sắp chuyển mưa to thì cha tôi mang trúm đi đặt ở những nơi có gò đất vì lươn thường tìm đến nơi lạ kiếm mồi. Ngoài ra, một nguyên tắc người đặt trúm luôn tuân thủ là đặt phải xuôi theo chiều gió để mùi thơm của mồi lan xa mà dẫn dụ lươn.
*
* *
Ăn xong cơm chiều, cha tôi nói: “Út, chuẩn bị lên đường con!”. Hành trang của cha con tôi là vài chục ống trúm, mớ mồi lươn được chất trên chiếc xuồng con. Tới cánh đồng năn ở miệt Bàu, tôi bơi xuồng chầm chậm, cha tôi ngắm coi chỗ nào “địa lợi” thì lấy ống trúm đặt xuống. Cha chú ý đặc biệt đến những chỗ có cá lòng tong, cá sặt, tép chết nổi lên. Cha khẳng định: “Thế nào cũng có “lươn bà” ở dưới đó!”. Ông huơ một nắm cỏ nước mặn, cỏ lóng tre vò thật nhừ rồi lấy vài con cá mồi bỏ vô cỏ gói kỹ lại, cho vào ống trúm, trám hom lại. Tranh thủ lúc cha đặt trúm, tôi tìm bứng ít bụi bông súng, hẹ nước... về cho mẹ chấm mắm chưng; lấy vợt vớt vài vợt tép mòng về cho chị Ba câu cá.
Buổi sáng hôm sau, cha không cho tôi đi giở trúm vì sợ tôi trễ học. Ông bơi xuồng đi một mình. Những buổi cuối tuần, tôi lại xin theo. Chiếc xuồng có một khoang được đóng sạp kín, có nắp đậy. Cha gỡ hom, trút lươn vào khoang xuồng. Lắm khi có mấy con cá lóc, cá trê cũng “lạc loài” chui vào làm mồi.
Lúc nhỏ, tôi hỏi cha: “Cha ơi! Sao một ống trúm mà có khi ba bốn con lươn chui vào vậy?”. Cha cười hiền, đáp: “Ông bà ta có câu: “Cá chết vì đăng, lươn chết vì mồi”. Tại nó háu ăn, không chừa nguy hiểm nên nó mới “dính bẫy” cha con mình. Mai mốt con lớn phải nhớ, đừng ham của lợi mà “sa bẫy cuộc đời” nghe con!”. Lúc đó, tôi cười chớ có hiểu chi đâu, nhưng bây giờ thì tôi đã thấm thía. Bài học đầu đời cha dạy mà tôi nhớ nhất có lẽ là bài học từ việc đặt trúm.
Nhớ cái thời ấy sao cực khổ quá chừng: con lươn bự không dám ăn, con cá to không dám nấu, tất cả đem đi bán, còn lại cá vụn thì kho ăn hay làm mắm, làm khô phòng mùa khô hiếm cá. Lâu lâu, cha “xả láng” cho cả nhà bữa lươn um lá mướp, rau ngổ, lươn nấu canh chua bông súng hay lươn kho sả ớt ngon tuyệt. Ngộ thay, cả con lươn, phần thịt “mênh mông” như vậy mà không ngon bằng cái mép. Cũng thế mà ông bà ta công nhận “Một ký tép không bằng cái mép con lươn”. Anh em tôi lúc nào cũng dành phần cho cha, cho bõ những tháng ngày cơ cực, vất vả, quần áo lúc nào cũng ướt sũng vì ngâm mình dưới nước. Đôi bàn chân thô ráp, sần sùi, chai sạn của cha còn dấu tích đến tận bây giờ đã nhắc nhở cả gia đình về cái ngày đã xa ấy... Với cha tôi, đặt trúm đã trở thành nghề nghiệp mưu sinh, bươn chải cho chúng tôi ăn học, khôn lớn với đời.
Giờ đây quê tôi cũng còn nhiều người đặt trúm. Những ống trúm làm bằng tre được thay bằng ống nhựa PVC nhưng cách thức làm giống nhau. Trúm được làm bằng ống nhựa vừa nhẹ, vừa bền lại dễ tìm vì thời buổi bây giờ, tìm tre để làm trúm quả là khó lắm. Người đi đặt trúm bây giờ có thể vác vài mươi ống trúm, không cần người bơi xuồng, chống mũi nữa. Có lần thấy chú Tư bên nhà vác trúm đi đặt, tôi nói đùa với cha: “Cha ơi, phải cha còn đặt trúm tới giờ chắc con thất nghiệp vì không cần người bơi xuồng nữa”. Cha tôi cười. Rồi chiều đó, vẫn cha mũi con lái như hồi mười mấy năm về trước, cha rủ tôi đi đặt trúm về... nhậu. Tôi cười: “Cha không bán nữa sao?”. “Mỗi thời mỗi khác mà con” - cha tôi tặc lưỡi.
Nhớ nghề đặt trúm không phải chỉ là hoài cổ mà còn là một phần của cuộc sống nơi quê nhà, yên ả và lắng sâu. Ôi! Ta biết ơn đời, biết ơn quê hương xứ sở đã nuôi lớn đời ta bằng những sản vật nhà quê, bình dị mà ấm lòng. Biết ơn cha tôi người đã nuôi lớn anh em tôi bằng những con lươn đặt trúm... Thế mới biết, ta còn ơn đời, ơn người nhiều lắm!
Đặt trúm đã trở thành một phần trong lịch sử khẩn hoang Nam bộ, một loại hình văn hóa sông nước, cách sinh hoạt, săn bắt sản vật của cư dân miền Tây Nam bộ. Càng nhớ nghề đặt trúm của cha, nhớ những con lươn nằm ngoầy ngoậy trong thau mà mẹ bưng đi bán, chúng tôi thấy mình còn mang nợ với đất quê nhiều lắm!
Một cuộc “trà dư tửu hậu” với ông anh Hậu Giang, hình ảnh anh vác mớ trúm từ dưới xuồng lên bờ gợi nhớ đến nao lòng... Lòng tự hỏi, “Chiều nay biết cha có còn đi đặt trúm hay không?”...
Bài, ảnh: Đặng Duy Khôi