30/03/2018 - 22:54

Ngày đầu tiên xét xử sơ thẩm vụ đại gia thủy sản Phan Bá Tòng lừa đảo chiếm đoạt tài sản 

(CT)- Ngày 30-3-2018, HĐXX- TAND TP Cần Thơ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo, gồm: Phan Bá Tòng (Tòng “Thiên Mã”) - Giám đốc Công ty Thiên Mã, Khu công nghiệp Trà Nóc II, TP Cần Thơ); Trần Thị Diễm, nguyên Kế toán trưởng Công ty Thiên Mã, cùng bị VKSND Tối cao truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Riêng 3 bị cáo: Nguyễn Thị Mai, nguyên Trưởng Phòng Tín dụng xuất khẩu, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Cần Thơ; Lâm Chí Công, nguyên Phó Phòng Tín dụng xuất khẩu, VDB Cần Thơ và Huỳnh Thanh Trúc, nguyên cán bộ tín dụng, VDB Cần Thơ,  cùng bị VKSND Tối cao truy tố về cùng tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Tòng tại phiên tòa. Ảnh: T.Nhung
Bị cáo Tòng tại phiên tòa. Ảnh: T.Nhung

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, trong quá trình vay vốn xuất khẩu, bị cáo Phan Bá Tòng sử dụng tiền vay tại 13 khế ước nhận nợ của Hợp đồng tín dụng xuất khẩu hạn mức số 02-2009, để trả cho các khoản nợ tại các ngân hàng khác, sử dụng tiền vào mục đích cá nhân.

Sau đó, Tòng chỉ đạo Diễm cùng nhân viên lập giả báo cáo kết quả kinh doanh năm 2009, năm 2010, từ lỗ trên thực tế thành có lãi để vay tiền ngân hàng. Đồng thời, Tòng còn tạo dựng các hợp đồng, chứng từ mua bán cá nguyên liệu khống chứng minh mục đích sử dụng vốn vay, tạo ra tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay, để lập hồ sơ đề nghị vay vốn, giải ngân. Tòng tiếp tục chiếm đoạt vốn vay sử dụng cho mục đích cá nhân… Với thủ đoạn trên, Tòng bị cáo buộc đã chiếm đoạt hơn 147,3 tỉ đồng vay gốc. Với vai trò là Kế toán trưởng, Diễm tích cực thực hiện sự chỉ đạo của Tòng, trực tiếp lập giả báo cáo kết quả kinh doanh từ lỗ thành lãi, ký duyệt trên các chứng từ, bảng biểu lập khống trong các hồ sơ xin vay, hồ sơ xin giải ngân vay vốn…

Bên cạnh đó, các bị cáo Mai, Công và Trúc là những người có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thẩm định, xét duyệt, đề xuất cho Công ty Thiên Mã vay vốn, nhưng không làm đúng theo quy định về điều kiện vay vốn tín dụng xuất khẩu, quy chế quản lý vốn tín dụng xuất khẩu… Việc này dẫn đến hậu quả bị Tòng và Diễm chiếm đoạt hơn 147,3 tỉ đồng tiền vay gốc, không có khả năng thu hồi…

Trong ngày đầu xét xử, phiên tòa bắt đầu với phần xét hỏi. HĐXX-TAND thành phố đã triệu tập hơn 70 đương sự có nghĩa vụ liên quan đến vụ án ra Tòa để làm rõ nhiều nội dung, tình tiết vụ án. Tại phiên tòa xét xử, sau khi lắng nghe cáo trạng, bị cáo Tòng không đồng ý với cáo buộc chiếm đoạt 147 tỉ đồng như trong cáo trạng và đề nghị Tòa giám định lại báo cáo tài chính kết quả sản xuất kinh doanh của công ty từ năm 2009  đến 2011 vì bị cáo cho rằng đây là thời điểm công ty kinh doanh thua lỗ 107 tỉ đồng,  vì vậy việc cáo buộc Tòng chiếm đoạt 147 tỉ đồng là không phù hợp.

Bị cáo Diễm cho rằng đã có đơn kêu oan vì bị cáo chỉ người làm công ăn lương và mọi việc đều theo sự chỉ đạo của Tòng, bị cáo không hưởng lợi từ việc làm sai của Tòng.

Bên cạnh đó, các bị cáo Mai, Trúc, Công bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cũng không đồng ý với cáo trạng đã nêu. Các bị cáo đều cho rằng làm đúng các quy định của pháp luật. Riêng bị cáo Công nhấn mạnh: “bị cáo không lợi dụng việc cho vay để mưu lợi cá nhân và không hưởng lợi gì từ vụ việc này”.

Phiên tòa dự kiến kéo dài khoảng 5 ngày. Ngày 31-3-2018, tòa tiếp tục phần xét hỏi.

V.T-T.N

Chia sẻ bài viết