* Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị: Cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Kiến trúc sư trưởng
Sáng 24-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII và một số đề xuất cải tiến cách thức tổ chức tại kỳ họp.
Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ tư do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn trình bày nêu rõ: Về thời gian, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhất trí khai mạc kỳ họp vào ngày 16-10-2008, dự kiến bế mạc ngày 15-11-2008 (sớm hơn so với dự kiến tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban thường vụ Quốc hội). Tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 26 ngày. Đến nay, công tác chuẩn bị về mọi mặt cho kỳ họp đang được khẩn trương hoàn tất.
Về một số vấn đề cải tiến tại kỳ họp, Văn phòng Quốc hội đã xin ý kiến các đồng chí thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội về 6 vấn đề cụ thể: Cách thức tiến hành phiên họp trù bị của Quốc hội; thời điểm trình bày báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri; cách chia tổ thảo luận; cách thức chất vấn và trả lời chất vấn; cách gửi tài liệu kỳ họp và việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền về kỳ họp Quốc hội và phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đa số ý kiến tán thành việc bố trí phiên họp trù bị cùng ngày với phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội. Về việc trình bày báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri, Lãnh đạo Quốc hội và Văn phòng Quốc hội đã trực tiếp bàn với Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thống nhất việc tập hợp ý kiến cử tri và chuyển thời điểm trình bày báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri vào phiên khai mạc kỳ họp. Đối với việc chia tổ thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, có nhiều ý kiến tán thành với phương án chia 12 tổ với mục tiêu phát huy vai trò, trách nhiệm của các đồng chí thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn thư ký kỳ họp...
Tại kỳ họp này, chất vấn và trả lời chất vấn thực hiện như các kỳ họp trước đây. Tuy nhiên, đề nghị dành toàn bộ thời gian chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường cho việc hỏi và trả lời trực tiếp, còn các văn bản trả lời đã được chuẩn bị sẽ không đọc tại hội trường và cần gửi trước để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.
Chiều 24-9, các ủy viên Ủy ban Thường vụ quốc hội đã đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Quy hoạch đô thị. Dự kiến Luật này sẽ trình Quốc hội xem xét trong tháng 10-2008 và thông qua vào kỳ họp tháng 4-2009. Vấn đề quan trọng trong Dự thảo luật này đã được nhiều đại biểu quan tâm và cho ý kiến là Kiến trúc sư trưởng đô thị.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: đây là dự án Luật quan trọng nhằm phục vụ công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị. Luật Quy hoạch đô thị ra đời sẽ tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ và rõ ràng, đồng thời là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng và phát triển đô thị ở nước ta, bảo đảm phát triển hệ thống các đô thị và từng đô thị bền vững, có bản sắc, văn minh, hiện đại, đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Góp ý kiến vào dự thảo Luật này, đa số đại biểu còn băn khoăn về một số nội dung nêu trong dự thảo Luật như việc phân loại đô thị; về Hội đồng kiến trúc quy hoạch và kiến trúc sư trưởng; về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị; thời hạn quy hoạch đô thị
Liên quan đến Hội đồng kiến trúc quy hoạch và kiến trúc sư trưởng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình với Ban soạn thảo là nên có chức danh kiến trúc sư trưởng. Tuy nhiên, Phó chủ tịch đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Kiến trúc sư trưởng. Bởi, kiến trúc sư trưởng không chỉ là tư vấn, tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố mà cần phải có chức năng, quyền hạn nhất định trong quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển và một số đại biểu khác cho rằng, nên chăng ở thành phố lớn nên có chức năng kiến trúc sư trưởng cần gắn với nhiệm vụ quản lý để tạo điều kiện cho các chức danh này hoạt động có hiệu quả. Nên có đánh giá hoạt động kiến trúc sư trưởng để có thể quy định theo hướng Kiến trúc sư trưởng là người thực hiện nhiệm vụ giám sát việc thực hiện quy hoạch đô thị đã được phê duyệt tại các thành phố trực thuộc trung ương. Vị trí của Kiến trúc sư trưởng phải được xây dựng theo nguyên tắc bảo đảm cho hoạt động giám sát việc thực hiện quy hoạch đô thị có tính độc lập nhất định. Đồng thời, nên có đánh giá hoạt động kiến trúc sư trưởng và quy định rõ chức danh kiến trúc sư.
Về Hội đồng Kiến trúc quy hoạch, một số đại biểu tán thành với quy định về nhiệm vụ của Hội đồng này là phản biện về quy hoạch đô thị để tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp về các vấn đề liên quan đến kiến trúc, quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật, phát triển đô thị. Tuy nhiên, có đại biểu đề nghị không nên quy định bắt buộc phải có Hội đồng Kiến trúc quy hoạch tại tất cả các đô thị từ thị xã trở lên mà tùy thuộc vào yêu cầu quản lý đô thị của từng địa phương và điều kiện về đội ngũ chuyên môn về quy hoạch đô thị tại địa phương đó.
QUỲNH HOA - LƯU THỊ THOAN (TTXVN)