01/05/2018 - 10:23

Nga hạ thủy nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên 

Hôm 28-4, tàu Akademik Lomonosov - nhà máy điện hạt nhân nổi (FNPP) đầu tiên của Nga - đã được kéo ra khỏi xưởng đóng tàu ở thành phố St. Petersburg để bắt đầu chuyến hải trình đầu tiên đến thị trấn Murmansk, nơi các lò phản ứng của nó sẽ được tiếp đầy nhiên liệu.

Nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov tại St. Petersburg hôm 28-4. Ảnh: Sputnik

Trong thông cáo báo chí, Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Rosatom -  đơn vị phụ trách đóng tàu Akademik Lomonosov - cho biết chặng thứ hai trong hành trình của tàu sẽ từ Murmansk tới thị trấn cảng Pevek. Dự kiến, tàu sẽ chính thức hoạt động vào năm 2019 ở ngoài khơi vùng Chukotka nằm gần Pevek. Và một khi đến được Pevek, tàu sẽ được dùng cung cấp điện năng cho 100.000 cư dân, một nhà máy khử nước muối và các dàn khoan dầu khí.

Hãng thông tấn RT của Nga cho biết Akademik Lomonosov được lắp 2 lò phản ứng KLT-40S, có công suất điện năng lên tới 70 MW và công suất nhiệt năng đạt 50 GCAL một giờ.  “Tuổi thọ” hoạt động của nó là 40 năm và có thể được kéo dài tới 50 năm.

Còn theo trang tin World Nuclear News, Akademik Lomonosov sẽ có ít nhất 2 lò phản ứng hạt nhân, loại tương tự như những lò phản ứng được dùng trên các tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga. Nhưng khác với tàu thông thường, Akademik Lomonosov không thể tự di chuyển mà phải dựa vào các tàu kéo. Nếu tàu vận hành thành công, sẽ có thêm nhiều FNPP được chế tạo.

Trong khi đó, hãng thiết bị điện OKBM Afrikantov - đơn vị thiết kế lò phản ứng và những phần khác của Akademik Lomonosov - thông báo trên trang web của công ty rằng dự án này là “thiết kế thí điểm”. Theo đó, các FNPP được thiết kế thích hợp hoạt động ở những khu vực khó tiếp cận, gần bờ biển hoặc ven bờ sông lớn - những nơi xa nguồn cung cấp điện tập trung. FNPP được thiết kế để chống chịu sóng thần, lốc xoáy và các tác động môi trường khác, cũng như khả năng va chạm với tàu khác. Việc sử dụng nhà máy này có thể giúp tiết kiệm được khoảng 45.000 tấn nhiên liệu hoặc dầu diesel.

Tuy vậy, dự án FNPP đầu tiên của Nga đã hứng phải sự chỉ trích từ các nhà hoạt động môi trường. Đơn cử, tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace gọi tàu Akademik Lomonosov là “Chernobyl nổi” (tức ví như thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine hồi năm 1986) và “Titanic hạt nhân”. “Việc các lò phản ứng hạt nhân trôi quanh quẩn Bắc Băng Dương sẽ đặt ra mối đe dọa đáng kinh sợ với một môi trường yếu ớt, vốn đang chịu áp lực rất lớn từ biến đổi khí hậu.”- chuyên gia hạt nhân Jan Haverkamp của Greenpeace nói.

Mặt khác, các nhà hoạt động môi trường còn cảnh báo FNPP dễ bị tấn công khủng bố, gặp phải lớp băng dày ở Bắc Cực và các vấn đề liên quan tới rác thải hạt nhân. Giới chức Na Uy đã bày tỏ mối quan ngại về Akademik Lomonosov, do tàu sẽ được kéo dọc theo tất cả bờ biển của nước này.

ĐÔNG PHONG (Theo Ars Technica, Sky News, ERR.ee)

Chia sẻ bài viết