28/03/2008 - 21:50

Nét đẹp ở phường văn hóa An Hội

Phường An Hội không chỉ có những ngôi nhà cao tầng, những hiệu buôn sầm uất dọc đường Nguyễn Trãi mà phía sau đó còn có những con hẻm một thời “nức tiếng” khắp thành phố Cần Thơ về tệ nạn xã hội. Đó là: khu vực kinh Tàu Hủ (nay là hẻm 1 Hoàng Văn Thụ), hẻm “Vú Sữa” (15 Hoàng Văn Thụ), hẻm “Hai Địa” (18 Xô Viết Nghệ Tĩnh), hẻm “Chuồng gà” (72 Nguyễn Trãi), khu chòm mả hẻm “Lò tương” (24 Võ Thị Sáu), khu chòm mả hẻm 73/16 Nguyễn Trãi. Nhưng nay, những con hẻm đó đã “thay da đổi thịt”. Cuối năm 2007, phường An Hội được công nhận là phường văn hóa…

Nét mới bên trong những con hẻm...

 Đến đọc sách tại Nhà văn hóa – một sinh hoạt mới
của nhân dân phường An Hội.

An Hội là một trong những phường nội ô có mật độ dân số cao nhất quận Ninh Kiều, với gần 1.700 hộ trên diện tích 0,34 km2. Cư dân trong phường đa số là lao động phổ thông thành thị và một số là cán bộ công chức nhà nước. Phía sau những tuyến đường khang trang và sầm uất – do cũng là đường chính của TP Cần Thơ – như Nguyễn Trãi, Ngô Hữu Hạnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Thị Sáu, Hoàng Văn Thụ... thì đời sống ở những con hẻm của An Hội nhiều năm qua còn tồn đọng nhiều vấn đề xã hội, vệ sinh môi trường... Đó cũng là nguyên nhân khiến An Hội gặp nhiều khó khăn, ách tắc, chậm chạp trong xây dựng đời sống văn hóa! Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân An Hội đã quyết tâm nỗ lực nhiều năm liền - phường vẫn chưa được công nhận danh hiệu phường văn hóa...

Theo ông Đinh Tấn Thủ, Trưởng Khu vực 2, phường An Hội đi vào các con hẻm một thời “khét tiếng” như hẻm kinh Tàu Hủ, hẻm “Vú Sữa”, hẻm “Hai Địa”... chúng tôi cảm nhận sự thay đổi được từ những con hẻm không chỉ là những tấm biển mới “Hẻm 1 Hoàng Văn Thụ”, “Hẻm 15 Hoàng Văn Thụ”, “Hẻm 18 Xô Viết Nghệ Tĩnh” mà trước hết là sự khang trang, rộng rãi ở từng khu dân cư – kết quả của dự án nâng cấp đô thị được chính quyền và nhân dân hợp sức thực hiện nhiều năm qua.

Chị Nguyễn Kim Tuyến, nhà ở hẻm 1 Hoàng Văn Thụ khoe: “Hồi trước kinh Tàu Hủ luôn đầy rác, bốc mùi hôi thúi không chịu nổi. Từ khi Nhà nước cho đặt cống, san lấp kinh, dân hai bên đường cùng nhau hùn tiền làm đường bêtông. Có đường, mọi người trong hẻm vui mừng và mọi sinh hoạt dần đi vào nề nếp: mỗi cuối tuần họp nhau làm vệ sinh hẻm, bỏ rác theo tiếng kẻng của công trình đô thị, nhắc nhở nhau điều chỉnh những thói quen xấu như thả chó chạy rong phóng uế bừa bãi, bỏ rác không đúng nơi quy định gây mất vệ sinh chung”. Quả thật, trong những con hẻm của phường An Hội, tình trạng vệ sinh môi trường và thực hiện nếp sống văn minh đô thị đã cải thiện rất nhiều so với trước.

Người dân khu vực 2, phường An Hội thường xuyên làm vệ sinh hẻm 15 Hoàng Văn Thụ. 

Điều đáng quý nhất chúng tôi cảm nhận được khi đi dọc những con hẻm ở An Hội những ngày này là thông qua nếp sống, sinh hoạt chan hòa tình nghĩa xóm giềng giữa những cư dân. Trong hai năm gần đây, bà con trong phường đã góp công, góp của cất mới 5 căn nhà tình thương và sửa chữa 8 căn nhà cho các hộ nghèo. Quỹ xóa đói giảm nghèo của phường luôn đủ để tặng gạo, tiền, quà cho các gia đình nghèo lúc lễ tết và ốm đau thắt ngặt. Nhân dân An Hội còn cùng nhau xây dựng các com hẻm, tuyến đường sáng – xanh – sạch – đẹp với nòng cốt là lực lượng Đoàn viên Thanh niên và Hội Phụ nữ. Bây giờ, 4/4 khu vực của An Hội đều có “ngày tổng vệ sinh” vào thứ sáu hoặc thứ bảy hằng tuần (tùy theo sự thống nhất của người dân trong từng con hẻm). Các hộ gia đình có sân trước thì thống nhất trồng cây xanh trước sân tạo cảnh quan cho các tuyến hẻm... Bà Nguyễn Thị Bảy, cư ngụ tại hẻm 18 Xô Viết Nghệ Tĩnh từ những năm 1960 cho biết thêm: “Cuộc sống trong các con hẻm bây giờ dễ thở hơn không chỉ vì đã có đường đi khang trang - sạch sẽ, hệ thống chiếu sáng vào đêm tối... mà còn ấm áp vì hàng xóm láng giềng thường xuyên giúp nhau ngó chừng nhà cửa khi gia chủ đi vắng, báo cho chính quyền địa phương hay những đối tượng khả nghi lảng vảng trong khu vực, góp ý giúp nhau trong làm ăn, nuôi dạy con cháu và thực hiện nếp sống văn minh”.

Xây và chống...

Là một phường nội ô trọng tâm của TP Cần Thơ, nhưng việc vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị và giải quyết vấn đề an ninh trật tự tại địa phương là hai vấn đề bức xúc nhiều năm liền của An Hội. Chị Nguyễn Thị Thùy Trâm, Phó Chủ tịch UBND phường An Hội cho biết: “Giải quyết được vấn đề an ninh trật tự là nỗ lực từ những năm 1990 của nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo phường An Hội và UBND quận Ninh Kiều, kể từ khi phường An Hội được chia tách từ phường An Cư năm 1979. Khi phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được phát động trên toàn quốc những năm 1990, phường đã tập trung tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ: tranh thủ sự giúp đỡ của Công an các cấp trong công tác truy bắt và đưa đi cải tạo các đối tượng phạm pháp ẩn núp tại địa bàn; đầu tư cơ sở hạ tầng để xóa những điểm tối tăm phức tạp trong các con hẻm, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế – xóa đói giảm nghèo – giải quyết việc làm cho bà con song song với tổ chức nhiều hoạt động văn hóa – thể thao lành mạnh”.

Từ năm 2005 đến nay, phường An Hội liên tục được công nhận là phường đạt chuẩn “ba không” (không tội phạm, không ma túy, không mại dâm”), nhiều năm liền trên địa bàn phường không có trọng án, không có trẻ em vi phạm pháp luật... Cô Dương Thị Nguyệt Thu, một người dân ngụ tại hẻm 15 Hoàng Văn Thụ gần 40 năm qua cho biết: “Lúc trước khu vực này rất mất an ninh, ngay cả phơi đồ ngoài sân rồi quay vào nhà một chút thôi thì cũng đã mất hết! Nay thì các đối tượng ma túy, trộm cắp... số thì đã được giáo dục, quản lý chặt; số được đưa đi cải tạo hoặc phải bỏ địa bàn. Bà con sinh sống trong các con hẻm đã an tâm, phấn khởi vì không còn nơm nớp lo sợ trộm cắp, các loại tệ nạn xã hội xâm phạm gia đình mình hay ảnh hưởng xấu đến con em trong nhà”.

Hầu hết người dân mà chúng tôi tiếp xúc đều cho biết: bắt đầu vào chiến dịch xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, UBND phường thường xuyên cử cán bộ mặt trận, phụ nữ, đoàn thanh niên... đến từng nhà phát tờ rơi vận động thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Chị Trần Hồng Vân, cán bộ Văn hóa Thông tin phường cho biết thêm: “Hằng ngày đài truyền thanh phường còn tuyên truyền một điều khoản về thực hiện nếp sống văn minh đô thị được quy định tại Nghị định 150 của Chính phủ và được UBND quận cụ thể hóa bằng 16 hành vi vi phạm, có kèm theo các quy định xử phạt và khắc phục hậu quả. Từ những chuyện đổ nước, quăng rác ra đường, gây tiếng ồn ảnh hưởng đến hàng xóm, đến điều chỉnh các hành vi tụ tập nhậu nhẹt, gây rối an ninh trật tự”. Không chỉ tuyên truyền chung, phường An Hội còn có những biện pháp tập trung giải quyết từng vấn đề bức xúc và phổ biến tại địa phương. Ví dụ như để chấn chỉnh thói quen thả vật nuôi chạy rong phóng uế bừa bãi của rất nhiều hộ dân – từng khiến những con hẻm ở An Hội luôn bốc mùi khó chịu và gây bất bình trong nhân dân, ông Bùi Đức Lợi, Chủ tịch UBND phường đã phát hẳn một thông báo riêng về việc xử lý hành vi này phát đến từng hộ có nuôi chó trên địa bàn. Ông Đinh Tấn Thủ cho biết: “Các khu vực đều cử người đi tuần tra, khi phát hiện các hộ vi phạm thì buộc họ tự khắc phục hậu quả. Sau nhiều tháng kiên trì vận động và chấn chỉnh thì tình trạng này đã giảm đến 90%”.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy phường, Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của phường được chia thành 4 tiểu ban: tiểu ban an ninh trật tự, tiểu ban văn hóa xã hội, tiểu ban kinh tế xây dựng cơ bản, tiểu ban tuyên truyền vận động. Phường đã triển khai nhiều công tác thiết thực như: tổ chức vận động “quỹ vì người nghèo” để cất nhà tình thương, tặng quà nhân dịp lễ tết, chăm lo sức khỏe cho các hộ già yếu, neo đơn; triển khai mô hình tổ hùn vốn – giới thiệu việc làm trong Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ phường; Hội chữ thập đỏ thường xuyên tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo; phát triển mạnh các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp – thương mại – dịch vụ để giải quyết việc làm tại chỗ cho nhân dân... Tỷ lệ hộ nghèo của An Hội hiện nay chỉ còn hơn 3%, tổng thu ngân sách trên địa bàn mỗi năm hơn 3,5 tỉ đồng. Hiện nay, phường đã có nền tảng cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh với hệ thống đường, tuyến hẻm có đầy đủ cống thoát nước, chiếu sáng, vỉa hè... Có 98% hộ dân cất nhà kiên cố và bán kiên cố, 100% hộ sử dụng nước sạch, 99% hộ sử dụng điện an toàn. An Hội cũng đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế, hoàn thành phổ cập tiểu học và trung học cơ sở đúng độ tuổi. Hằng năm có đến hơn 90% hộ dân của phường đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Những người dân kỳ cựu cho biết: Những năm mới giải phóng, đa số cư dân ở đây là người buôn bán nhỏ hoặc lao động phổ thông. Sự phát triển mọi mặt của đời sống và phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo cho nhiều người điều kiện để thay đổi cách sống và cách nghĩ. Bây giờ ở An Hội đang hình thành một thế hệ mới, được cha mẹ, ông bà cho ăn học và giáo dục đàng hoàng, có nền tảng để phát triển và tạo nên đời sống văn hóa thực sự trong các gia đình.

Sau những giờ lao động mệt mỏi, người dân An Hội đến Nhà văn hóa phường tại số 16 Nguyễn Trãi để đọc sách, báo và tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ như CLB Đờn ca tài tử, CLB Hát nhạc truyền thống; các hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, CLB Dưỡng sinh của Hội Người cao tuổi; các hội thi “Pháp luật và nếp sống văn hóa”, “Karaoke gia đình”... Nhà văn hóa phường được trang bị bằng nguồn kinh phí do chính nhân dân đóng góp thực hiện, nên đa số người dân An Hội đều tự hào về nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần này.

Rời An Hội, chúng tôi mang theo những băn khoăn còn tồn đọng trong xây dựng nếp sống văn hóa của chị Nguyễn Thị Thùy Trâm, Phó Chủ tịch UBND phường: “Trên địa bàn phường vẫn còn một số thanh thiếu niên tụ tập tại các quán cà phê, các con hẻm lớn vào buổi tối, khiến nhiều người dân phiền lòng. Khi lực lượng Công an, bảo vệ khu phố và dân phòng đến giải tán thì các em đi, nhưng hôm sau lại tái diễn như cũ. Tôi nghĩ, đó là do còn thiếu sân chơi phù hợp cho các em. Đó cũng là trăn trở và vấn đề mà phường phải giải quyết trong tương lai, nhằm đảm bảo những thành quả trong xây dựng đời sống văn hóa của An Hội được duy trì lâu dài”.

Bài, ảnh: XUÂN VIÊN

Chia sẻ bài viết