12/04/2011 - 08:23

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở ĐBSCL

Nền tảng phát triển "tam nông" bền vững

* THANH LONG

BÀI 4: GIẢI QUYẾT BÀI TOÁN TĂNG THU NHẬP NÔNG HỘ NHƯ THẾ NÀO?

Theo các địa phương vùng ĐBSCL, một trong những yêu cầu “khắt khe” của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (NTM) là các tiêu chí về thu nhập, chuyển đổi cơ cấu lao động và tỷ lệ hộ nghèo. Bởi lẽ, hiện nay, ở ĐBSCL tình trạng thiếu lao động vào mùa thu hoạch, thiếu vốn trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn khá phổ biến khiến hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao. Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông vùng nông thôn còn nhiều hạn chế, khó kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm, góp phần chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu lao động nông thôn...

THIẾU LAO ĐỘNG, THIẾU VỐN

Sự manh mún về đất đai là trở ngại đặc biệt lớn cho nâng cao thu nhập nông hộ trong công cuộc XD NTM ở ĐBSCL. Trong ảnh: Cơ giới hóa khâu làm đất chuẩn bị gieo sạ ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: T. LONG

Bước sang 60 tuổi, ông Đào Văn Hai, ở ấp Tích Đức, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, tưởng sẽ được an hưởng tuổi già. Gần suốt cuộc đời ông, quanh năm, suốt tháng gần như “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Nhưng bây giờ, hằng ngày, ông tiếp tục lao động chăm chỉ trên phần đất của mình. Bởi mấy năm trước, do giá lúa bấp bênh, nông dân trồng lúa rất khó khăn, nhiều lúc sản xuất bị lỗ nặng. Con trai lớn của ông xin phép được lên TP Hồ Chí Minh làm công nhân cho xí nghiệp may. Chỉ vài năm sau, đứa con gái thứ 2 của ông cũng theo bạn bè lên tận Bình Dương tìm việc. Đầu năm 2011, đứa con trai út cũng xin qua Cần Thơ đi làm công nhân cho công ty thủy sản. “Biết con làm việc cực nhọc nhưng đồng lương cũng chẳng có bao nhiêu nên tôi yêu cầu tụi nó làm được bao nhiêu cứ dành dụm mà xài... Ở quê, 5 công đất trồng lúa, hai vợ chồng già chịu khó làm lụng cũng kiếm được cái ăn” - ông Đào Văn Hai tâm sự. Ở ĐBSCL, hoàn cảnh của gia đình ông Đào Văn Hai không phải trường hợp hiếm. Hiện nay ở nông thôn, trên những cánh đồng trồng lúa, trồng rau màu, hay vườn cây ăn trái, phần lớn là những nông dân từ 40 tuổi trở lên làm việc. Nhiều nơi, đến mùa thu hoạch, xảy ra tình trạng thiếu lao động trầm trọng vì phần lớn lao động, nhất là lao động trẻ vùng nông thôn đã tập trung ở những khu đô thị tìm việc.

Không chỉ thiếu lao động, nguồn vốn sản xuất cũng đang là vấn đề khá nan giải của nhiều nông dân trong bối cảnh hiện nay. Từ nhiều năm nay, thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, nhiều tổ chức tín dụng thắt chặt việc cho vay. Giá cả nông sản, sản xuất nông nghiệp liên tục bấp bênh khiến nhiều nông dân khó tiếp cận các nguồn vay từ các tổ chức tín dụng. Thêm vào đó, chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp hiện nay đang trên đà tăng theo việc điều chỉnh tỷ giá giữa USD và VND, giá bán lẻ xăng dầu tăng...; nhiều đại lý cung ứng vật tư nông nghiệp không tiếp tục cho nông dân nợ gối đầu đến kỳ thu hoạch như trước. Thực trạng này khiến sản xuất nông nghiệp đã khó nay càng khó hơn.

NAN GIẢI BÀI TOÁN NÂNG CAO THU NHẬP

Một trong những tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM quy định ở ĐBSCL, xã được công nhận là xã NTM phải có: tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là 35% và thu nhập bình quân đầu người/năm bằng 1,3 lần so với mức bình quân chung của tỉnh. Thời gian qua, các địa phương trong vùng ĐBSCL luôn có nhiều chủ động trong các giải pháp giảm nghèo, nâng cao thu nhập, trong đó đặc biệt là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu lao động, thiếu vốn, những vấn đề trên không phải dễ.

Ông Vương Bình Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhìn nhận: Đào tạo nghề gắn với cho vay vốn và giải quyết việc làm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL chưa đồng bộ, chưa kịp thời, dẫn đến thiếu vốn để làm ăn và nhiều trường hợp bỏ nghề đã học. Chất lượng đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề ngắn hạn chưa đảm bảo, nhiều trung tâm dạy nghề địa phương, nhất là cấp huyện hoạt động còn mang tính hình thức, thiếu đội ngũ giáo viên giỏi và trang thiết bị giảng dạy, phương pháp dạy và học chậm được đổi mới. Điều này chưa kể đến tính kỷ luật, kỷ cương lao động công nghiệp kém, khó đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng là thách thức lớn đối với lao động nông thôn.

Ông Phan Nhựt Ái, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, phân tích: Thiếu lao động nông nghiệp sẽ tác động mạnh đến quá trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, phần lớn hộ nông dân ở ĐBSCL có quy mô sản xuất nhỏ, phân tán (nhiều địa phương số hộ có diện tích sản xuất dưới 1ha chiếm gần 80%). Đất đai manh mún là trở ngại lớn cho việc hình thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, cũng như cho việc ứng dụng các thành tựu mới của khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả của sản xuất. Trước hết là cho việc thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa nông thôn.

Trong điều kiện đất nước đang gia tăng tốc độ hội nhập vào nền kinh tế thế giới, tình trạng sử dụng đất manh mún sẽ không cho phép nông nghiệp gia tăng tính cạnh tranh để hội nhập bền vững vào thị trường nông sản toàn cầu. Không chỉ vậy, trình độ dân trí ở nông thôn còn rất hạn chế là thách thức lớn trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: “Các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, thu nhập của nông hộ ở ĐBSCL không tăng, thậm chí còn bị giảm ở những vùng sản xuất khó khăn vì nhiễm phèn và ngập mặn. Trong tương lai, do hội nhập sâu vào WTO và đối mặt với biến đổi khí hậu, trong bối cảnh thích ứng của nông dân còn yếu, đời sống người dân nông thôn sẽ khó khăn hơn”. Như vậy, nếu coi trọng người nông dân là trọng tâm của phát triển nông thôn và nông nghiệp mà không tập trung cải thiện đời sống nông dân trong phạm vi rộng thì việc XD NTM sẽ không còn ý nghĩa.

ĐỂ “LY NÔNG” NHƯNG KHÔNG “LY HƯƠNG”

Ông Phan Nhựt Ái, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: “Nhà nước có giải pháp đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp theo hướng có lợi nhuận cho người nông dân. Tuy nhiên, lợi nhuận từ diện tích sản xuất 0,5-1ha thì nông hộ khó có thể nâng cao thu nhập được. Như vậy phải tăng quy mô sử dụng đất của hộ sản xuất nông nghiệp”. Nhưng những năm gần đây, đô thị hóa ở vùng ĐBSCL diễn ra với quy mô lớn và tốc độ nhanh. Nhiều diện tích đất nông nghiệp chuyển sang sử dụng vào mục đích này. Chỉ còn cách chuyển đất nông nghiệp từ hộ này sang hộ khác. Nghĩa là giảm số lượng hộ làm nông nghiệp - đây cũng là mục tiêu hướng đến của XD NTM.

Chúng ta cần sớm nghiên cứu cơ chế và chính sách để giảm rủi ro về thị trường cho các nông sản chính yếu của nước ta thông qua các công cụ hỗ trợ của Nhà nước. Việc làm này nhằm ổn định đời sống cho nông dân và từng bước đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với điều kiện vận hành của cơ chế thị trường...

Khái niệm chuyển dịch cơ cấu kinh tế cần nhìn quy mô nền kinh tế quốc gia, chứ không phải theo các ranh giới hành chính tỉnh, hay huyện. Vấn đề này liên quan đến việc đổi mới tư duy về chức năng kinh tế của chính quyền địa phương trong điều kiện kinh tế thị trường. Ở những địa bàn có tiềm năng nông nghiệp rộng lớn như ĐBSCL, cần xây dựng các tiểu vùng sản xuất phù hợp với lợi thế tự nhiên mà không tùy thuộc vào “cơ chế kinh tế tỉnh”.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ
Quốc gia

Vấn đề nan giải là tích tụ ruộng đất như thế nào? Theo lãnh đạo một địa phương vùng ĐBSCL: Đó chính là hình thức cho thuê đất để tạo ra diện tích sản xuất nông nghiệp lớn. Người có diện tích đất sản xuất lớn sẽ có điều kiện đưa khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào đồng ruộng; dễ sản xuất ra hàng hóa nông sản với số lượng lớn, độ đồng đều cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt, những người thuê đất, thuê luôn cả chủ đất. Vậy là, ngoài tiền cho thuê đất, chủ đất vẫn làm bằng ấy công việc hằng ngày như những nông dân khác mà vẫn có tiền công, con cái họ thì đi làm ở các nhà máy. Thu nhập tăng, đời sống lại ổn định, nông dân sẽ không sợ mất mùa đến nỗi phải... bán đất.

Làm gì để khu vực nông thôn có nhà máy, xí nghiệp... thu hút lao động nông nghiệp? Điều quan trọng nhất là phải khơi thông tiềm lực doanh nghiệp nông thôn phát triển bằng cách xóa rào cản, tạo cơ hội cho nông dân và doanh nghiệp tiếp cận và thiết lập các mối quan hệ với nhau, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến nông sản... Trong quy hoạch các khu cụm công nghiệp, các địa phương cũng cần chú ý đưa về khu vực nông thôn trên cơ sở tận dụng lợi thế so sánh của từng địa phương, đảm bảo hài hòa giữa phát triển công nghiệp và nông nghiệp, từ đó thúc đẩy thương mại, dịch vụ nông thôn phát triển...

Chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp là việc làm hết sức cần thiết trong tiến tình XD NTM, góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn. Bởi theo các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp và nông thôn cung cấp thị trường tiêu thụ và nguồn nhân lực cho sự phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ; đồng thời là bộ “giảm sốc xã hội”, thu nhận trở lại các lao động từ thành thị và khu vực kinh tế mỗi khi có những bất ổn về kinh tế.

(Còn tiếp)

Bài cuối: ĐỂ NÔNG THÔN MỚI LÀ SỨC BẬT CHO “TAM NÔNG” TRONG THỜI KỲ MỚI

Chia sẻ bài viết