09/04/2011 - 10:19

Xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL

Nền tảng phát triển "tam nông" bền vững

Thanh Long

BÀI 1: “ĐẠI CÔNG TRƯỜNG” ĐÃ KHỞI ĐỘNG

Ngày nay, về bất cứ vùng nông thôn nào của ĐBSCL cũng như cả nước, không khí XD NTM đã len lỏi vào từng ấp, từng hộ gia đình. Bởi từ khi có chủ trương XD NTM đến nay, chính quyền các cấp cùng với người dân đã và đang bắt tay kiến thiết lại nông thôn. Đại công trường XD NTM đã khởi động mạnh mẽ các tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL...

Ngày 4-6-2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng (XD) nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020. Trước đó, ngày 16-4-2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 491/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM (bao gồm 19 tiêu chí)... Cùng với cả nước, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bắt tay vào XD NTM với quyết tâm làm thay đổi bộ mặt nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Đó cũng là nền tảng cơ bản để ĐBSCL thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.


KHAI THÔNG CHỦ TRƯƠNG, TẠO ĐỒNG THUẬN

Công cuộc XD và kiến thiết nông thôn là chủ trương đã có từ lâu ở ĐBSCL cũng như cả nước. Đó là những chương trình khuyến nông, khuyến ngư, XD hệ thống thủy lợi, đê bao chống lũ kết hợp với giao thông nông thôn... đã và đang làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, kết quả mang lại chưa tương xứng với những gì nông nghiệp - nông thôn đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Đặc biệt, đời sống người dân nông thôn vẫn còn nghèo. Chính vì thế, công cuộc XD NTM được triển khai có nhiều khác biệt so với nhiều chương trình về XD nông thôn đã triển khai trước đây...

Giao thông nông thôn ở ĐBSCL khang trang hơn, góp phần giao lưu hàng hóa, học sinh đi lại dễ dàng... Trong ảnh: Cầu nông thôn ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ảnh: T. LONG 

Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, vấn đề quan trọng nhất để thực hiện chương trình XD NTM là tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương về XD NTM từ các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên... phải là đầu tàu tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương về NTM. Bởi muốn hiểu sâu, hiểu sát vấn đề XD NTM cần phải nhanh chóng thay đổi nhận thức trong đại bộ phận cán bộ, những người trực tiếp tuyên truyền chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước đến người dân. Cốt lõi của vấn đề này nhằm tránh tư tưởng ỷ lại. Bởi nhiều nơi người dân chờ đợi ngân sách Trung ương hỗ trợ. “Thực chất XD NTM là chương trình phát triển nông thôn toàn diện, bền vững với mục đích nâng cao nhanh chóng cuộc sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn. Chương trình XD NTM không phải là dự án XD cơ bản mà đây là một chương trình phát triển tổng hợp về kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội. Cộng đồng là chủ thể XD NTM tại địa bàn, lấy nội lực làm căn bản..., hiểu kỹ nội dung, phương pháp, cách làm và tự tin đứng lên làm chủ, tự giác tham gia và sáng tạo trong tổ chức thực hiện”- ông Đào Anh Dũng nói.

CÁC CẤP ỦY ĐẢNG, CHÍNH QUYỀN CÙNG VÀO CUỘC

Theo thông tin từ các địa phương vùng ĐBSCL, hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trong khu vực đã hoàn thành việc thành lập Ban chỉ đạo XD NTM cấp tỉnh, thành phố; Ban chỉ đạo NTM cấp huyện và Ban quản lý XD NTM cấp xã. Việc thành lập Ban chỉ đạo XD NTM các cấp đều đảm bảo theo nguyên tắc: Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, Chủ tịch UBND huyện là Trưởng ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố và huyện; Chủ tịch UBND xã là Trưởng Ban quản lý...

Là đô thị loại I trực thuộc Trung ương nên TP Cần Thơ có nhiều thuận lợi cơ bản trong tiến trình XD NTM. Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo XD NTM cấp thành phố, 4/4 huyện thành lập Ban chỉ đạo NTM cấp huyện và 36/36 xã đã thành lập Ban quản lý XD NTM. Ngoài ra, Thành ủy Cần Thơ có Quyết định số 159-QĐ/TU phân công Thành ủy viên trực tiếp chỉ đạo xã XD NTM. Theo đó, 36 Thành ủy viên được phân công trực tiếp chỉ đạo 36 xã XD NTM có nhiệm vụ: Chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XD NTM ở xã được phân công. Cung cấp thông tin, diễn biến hoạt động tại địa bàn được phân công và báo cáo kịp thời những vấn đề phát sinh, vướng mắc (nếu có) để Thường trực Thành ủy, Ban Chỉ đạo XD NTM thành phố xem xét, giải quyết... Theo quy chế, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố chỉ đạo xã XD NTM (gọi tắt là cán bộ chỉ đạo cơ sở) có trách nhiệm hỗ trợ đảng ủy xã triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về XD NTM; tạo mối quan hệ đoàn kết, gắn bó với nhân dân và chính quyền địa phương để nắm chắc mọi diễn biến, tình hình phát sinh... cùng với xã huy động các nguồn lực, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, giúp xã phát triển toàn diện... Cán bộ chỉ đạo cơ sở có quyền đề xuất các biện pháp giúp cấp ủy xã lãnh đạo toàn diện việc triển khai chương trình XD NTM... Ông Trần Thanh Mẫn cho rằng: Đây là lần đầu tiên Thành ủy Cần Thơ có quyết định đưa Thành ủy viên trực tiếp chỉ đạo cơ sở. Điều này thể hiện sự đặc biệt quan tâm của thành phố trong công cuộc XD NTM. Qua đây, cũng giúp cho công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng sâu sát với người nông dân hơn, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

“ĐẠI CÔNG TRƯỜNG” ĐÃ KHỞI ĐỘNG

Đến nay, hầu hết các địa phương trong vùng đã hoàn thành việc XD Bộ tiêu chí XD NTM cấp tỉnh, thành phố dựa trên cơ sở của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, các địa phương vùng ĐBSCL đã và đang triển khai mạnh mẽ phong trào XD NTM.

Ngay đầu năm 2011, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, tổ chức lễ phát động XD NTM thu hút sự quan tâm của hơn 750 đại biểu là cán bộ, nhà doanh nghiệp và nông dân. Qua đó, đã phát động sâu rộng nội dung XD NTM và được đông đảo tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng 36 xã XD NTM theo bộ tiêu chí TP Cần Thơ về XD NTM, thành phố chọn xã Mỹ Khánh và xã Trung An (huyện Cờ Đỏ) làm chỉ đạo điểm, phấn đấu đưa 2 xã này đạt tiêu chí “xã NTM” trong năm 2011. Song song đó, các huyện cũng đã hoàn thành việc lựa chọn xã điểm để chỉ đạo, rút kinh nghiệm trong tiến trình XD NTM.

Tháng 3, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức lễ xuất quân thực hiện chương trình XD NTM năm 2011 trên địa bàn tỉnh. Tại đây, 30 xã điểm của tỉnh đã ký kết giao ước thi đua, phấn đấu sớm đạt 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí XD NTM tỉnh Đồng Tháp. Trà Vinh cũng chọn 17 xã điểm, tỉnh Hậu Giang chọn 11 xã điểm để thực hiện XD xã NTM theo các tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM trong giai đoạn 2011 - 2015. Đến năm 2015, tỉnh Cà Mau phấn đấu có 22 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM, trong đó có 4 xã điểm chỉ đạo của tỉnh gồm: xã Trí Lực (huyện Thới Bình), xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời), xã Tân Dân (huyện Đầm Dơi), xã Tân Hải (huyện Phú Tân). Kế hoạch đến năm 2015, Vĩnh Long XD 22 xã NTM trên 89 xã trong tỉnh. Hiện tại, Vĩnh Long đang thực hiện 2 xã điểm là: Trung Hiếu (huyện Vũng Liêm) Thành Đông (huyện Bình Tân)...

Để có cơ sở thực tiễn cho chỉ đạo XD NTM, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo 11 xã đại diện cho các vùng kinh tế - văn hóa trên cả nước xây dựng thí điểm mô hình NTM. Bao gồm: xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên); xã Tân Thịnh (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang); xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định); xã Gia Phố (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh); xã Tam Phước (huyện Phù Ninh, tỉnh Quảng Nam); xã Tân Hội (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng); xã Tân Lập (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước); xã Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh); xã Định Hòa (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang); xã Hương Thụy (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) và xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh).

Theo kế hoạch giai đoạn 2010 - 2020, Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia XD NTM chọn 5 tỉnh và 5 huyện chỉ đạo điểm. Gồm các tỉnh: Phú Thọ, Thái Bình, Hà Tĩnh, Bình Phước, An Giang và các huyện: Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), Hải Hậu (tỉnh Nam Định), Phước Long (tỉnh Bạc Liêu), Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam), K’Bang (tỉnh Gia Lai).

Riêng tỉnh An Giang, ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Quan điểm chỉ đạo của An Giang là không chọn xã điểm để tập trung đầu tư XD mô hình NTM mà triển khai XD NTM ở tất cả các xã trên địa bàn thông qua phát động phong trào thi đua. Trong đó tập trung chỉ đạo ở 30 xã để đến cuối năm 2015 đạt chuẩn xã NTM, chiếm 25% tổng số xã và đến năm 2050 có tối thiểu 50% số xã đạt chuẩn NTM. Hiện nay, Ban Chỉ đạo tỉnh phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh đang mở đợt tuyên truyền, vận động sâu rộng “phong trào toàn dân đoàn kết XD đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với XD NTM”; các cơ quan thông tin, truyền thông và các tổ chức đoàn thể các cấp đã XD kế hoạch hoạt động tuyên truyền và đang triển khai thực hiện với nhiều hoạt động phong phú, nội dung thiết thực thu hút hộ dân tham gia.

Với những nỗ lực của các địa phương và những gì đang diễn ra, đại công trường XD NTM đã và đang được triển khai một cách mạnh mẽ ở vùng ĐBSCL.

-------------------

BÀI 2: CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN, BẤT CẬP!

Chia sẻ bài viết