17/04/2020 - 11:30

Né tránh bác sĩ có thể đe dọa sức khỏe và tính mạng nam giới

Các chuyên gia cho biết nhiều người đàn ông cố tình tránh né sự trợ giúp của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế, ngay cả khi họ bị bệnh hoặc đang chịu đau đớn. Việc xem nhẹ sức khỏe bản thân có thể khiến họ phải trả giá đắt.

Một người đàn ông (giấu tên) độ 60 tuổi có vấn đề về đường tiêu hóa gần một năm qua. Các triệu chứng tiêu chảy và nôn mửa nặng đến nỗi ông hiếm khi rời khỏi nhà. Tuy nhiên, ông không muốn gặp bác sĩ, bất chấp lời khuyên của vợ con. Ông Eric Klein, chủ tịch Viện nghiên cứu tiết niệu & thận Glickman cho biết đây là một trong rất nhiều trường hợp lơ là sức khỏe bản thân và không xem nó là ưu tiên hàng đầu.

Eric Schneider, Phó chủ tịch cấp cao về chính sách và nghiên cứu tại Quỹ Commonwealth, cho biết trong suốt 25 năm trong ngành y, ông đã gặp rất nhiều người xem thường sức khỏe chính mình. Cựu bác sĩ thậm chí thừa nhận mình cũng từng như vậy nhưng đã thay đổi sau một lần “chết hụt”. Đó là hơn một năm trước, thời điểm ông mắc chứng viêm phế quản dai dẳng nhưng không đi khám vì nghĩ bệnh nhẹ và nó sẽ qua, nhưng bệnh diễn biến trầm trọng hơn và biến thành viêm phổi đe dọa tính mạng.

Không thăm khám vì nhiều lý do

Một cuộc khảo sát do ông Eric Klein dẫn đầu tại Bệnh viện Cleveland (Mỹ) cho thấy khoảng 2/3 nam giới thà làm mọi việc - kể cả dọn rửa nhà vệ sinh, cắt cỏ hoặc dẫn vợ/bạn gái đi mua sắm – còn hơn đi gặp bác sĩ. Khảo sát thực hiện bởi Quỹ Commonwealth, một tổ chức hỗ trợ nghiên cứu sức khỏe, trong vòng 1 năm cho thấy số nam giới không đi khám sức khỏe nhiều gấp 3 lần phụ nữ và hơn 50% không kiểm tra thể chất hoặc xét nghiệm cholesterol. Gọi đây là một thống kê “đáng báo động”, báo cáo còn nhấn mạnh nhiều người đã bỏ qua các triệu chứng hoặc tránh đi gặp bác sĩ, ngay cả với mục đích phòng ngừa. Nhiều người trẻ tuổi thậm chí nghĩ rằng họ “bất khả chiến bại”, nên không bao giờ nghĩ tới việc khám sàng lọc hoặc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe - ông Klein nói thêm.

Các chuyên gia lý giải, nguyên do quý ông lơ là sức khỏe không chỉ vì chủ quan hay cố chấp, mà còn liên quan đến thái độ cố thủ về phái mạnh và hành vi nam tính - rằng đàn ông phải luôn mạnh mẽ và không bao giờ thể hiện sự yếu đuối. Diana Sanchez, Phó giáo sư tâm lý tại Đại học Rutgers, cho rằng nam giới được hướng theo các quy tắc nam tính từ khi còn rất nhỏ. Lớn lên, họ buộc phải chứng minh sự nam tính của mình một cách thường xuyên, cả ở sân chơi, nơi học hành và làm việc. Nghiên cứu của bà và cộng sự cho thấy vì đàn ông tin mình là phái mạnh nên họ rất miễn cưỡng mỗi khi đi gặp bác sĩ. Khi chịu đi khám, họ cũng chỉ chọn bác sĩ nam và thường không thực hiện đầy đủ các chỉ dẫn.

Tuy nhiên, họ có thể phải trả giá đắt cho quy tắc cứng nhắc này, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19, khi SARS-CoV-2 lây nhiễm và gây tử vong cho nam giới nhiều hơn so với phụ nữ, dù lý do vẫn chưa xác định.

Rủi ro sức khỏe luôn cao hơn nữ giới

Trường Y Harvard dẫn thống kê số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ cho biết nam giới không sống thọ bằng nữ giới và dễ mắc bệnh hơn. Họ bị bệnh ở độ tuổi trẻ hơn và phát triển nhiều bệnh mãn tính hơn, bao gồm bệnh tim mạch, bệnh gan mãn tính, tiểu đường... Nam giới cũng có nguy cơ phát triển thoát vị bẹn, phình động mạch chủ, bệnh gút, sỏi thận, ung thư bàng quang, khí phế thũng, loét tá tràng, nghiện rượu, tự tử… cao hơn so với phụ nữ.

Một thống kê đáng chú ý nữa là trong khi phụ nữ đi khám sức khỏe nhiều hơn, nam giới từ 65 tuổi trở lên lại tốn chi phí chữa bệnh nhiều hơn. Nguyên nhân có lẽ vì họ không đi khám sàng lọc và bỏ qua các triệu chứng cho đến khi chúng trở nên nghiêm trọng - đồng nghĩa tốn nhiều thời gian và tiền bạc để chữa bệnh. “Hãy nhớ rằng, từ chối đi gặp bác sĩ có thể khiến bạn phải trả giá đắt” – chuyên gia Sanchez một lần nữa nhấn mạnh.

HOÀNG ĐIỂU (Theo Washington Post)

Chia sẻ bài viết