28/12/2018 - 18:11

Nâng tầm du lịch canh nông! 

Du lịch nông nghiệp (DLNN) hay du lịch canh nông (DLCN) xuất hiện từ thập niên 30 của thế kỷ trước ở các nước châu Âu và bắt đầu lan tỏa, phát triển mạnh mẽ tại châu Á từ những năm 1980. Việt Nam cũng sở hữu điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch này. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng là địa phương đầu tiên áp dụng DLCN dựa trên cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) nói chung và TP Cần Thơ nói riêng tuy khác xa về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng so với Lâm Đồng nhưng vẫn có tiềm năng rất lớn để phát triển DLNN một cách căn cơ và bền vững.

Trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

Bước đột phá Lâm Đồng

Thành phố Đà Lạt là trung tâm du lịch lớn của cả nước nhờ điều kiện đất đai, khí hậu thiên nhiên mát mẻ, không gian thơ mộng và yên bình cùng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo. Đồng thời, Lâm Đồng là tỉnh có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nhất là những loại đặc sản, nông sản có ưu thế như rau, hoa, cây công nghiệp dài ngày, nuôi cá nước lạnh. Đặc biệt, Đà Lạt có những mô hình nông nghiệp công nghệ cao phát triển hàng đầu cả nước. Diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng trong năm 2017 đạt 51.799ha, chiếm 18,57% tổng diện tích đất canh tác của tỉnh, trong đó diện tích sản xuất rau, hoa công nghệ cao đứng đầu cả nước với 23.300ha.

Với những lợi thế trên, Lâm Đồng chủ trương phát triển ngành DLCN nhằm mang lại nguồn thu lớn hơn cho doanh nghiệp và nông dân. Từ năm 2015, tỉnh đã khởi động chương trình phát triển du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao, như: du lịch làng hoa, du lịch nhà vườn, du lịch trải nghiệm canh tác rau hoa, vườn dâu tây…

Để DLCN trở thành sản phẩm du lịch mới, có tính cạnh tranh cao, mang thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng, tỉnh đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như: Phối hợp với chuyên gia dự án của Nhật Bản, các chuyên gia về DLCN khảo sát tư vấn cho các đơn vị, hộ dân trên địa bàn tỉnh nhằm hình thành các mô hình "Tuyến du lịch canh nông" và "Điểm du lịch canh nông"; tổ chức hội nghị lấy ý kiến về bộ tiêu chí công nhận mô hình DLCN; tổ chức chương trình khảo sát, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm cho các cá nhân và tổ chức kinh doanh DLCN… Qua thực tiễn cho thấy các mô hình DLCN đã góp phần quảng bá hình ảnh du lịch thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng; kết nối không gian đô thị và nông nghiệp gần nhau hơn; tạo đột phá thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án vốn đầu tư nước ngoài; là lĩnh vực khởi nghiệp mạnh đối với thế hệ trẻ Lâm Đồng trong những năm gần đây. Tính đến tháng 6-2018, Lâm Đồng đã công nhận 22 mô hình DLCN đạt tiêu chuẩn, trong đó riêng Đà Lạt có 17 đơn vị. Ngoài ra còn có hàng chục đơn vị khác đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực để được thẩm định và công nhận mô hình hoặc điểm DLCN. Các mô hình DLCN sau khi được thẩm định và công nhận đã hoạt động có hiệu quả, thu hút nhiều khách tham quan. Chẳng hạn, Khu du lịch Trang trại rau và hoa dù mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2017, nhưng hiện nay mỗi tháng thu hút khoảng 100.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm…

 Xuôi về miền Tây

Đầu tháng 10-2018, Tổng cục Du lịch phối hợp cùng Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, UBND tỉnh An Giang và một số cơ quan khác đã tổ chức hội thảo "Nâng cao hiệu quả DLNN vùng ĐBSCL".  ĐBSCL là nơi sản xuất và xuất khẩu nông thủy sản chủ lực của cả nước, vì vậy phát triển DLNN ở đây là hướng đi cần thiết, qua đó tạo sinh kế và tăng thu nhập cho nông dân.

Mô hình trồng dưa lưới tại Cần Thơ Farm, phường Long Hòa, quận Bình Thủy. Ảnh: MINH HUYỀN

Đồng Tháp là một trong những địa phương ĐBSCL có nhiều nông dân tham gia làm du lịch. Tỉnh này đã hình thành khá nhiều mô hình DLNN như: vườn quýt ở huyện Lai Vung, vườn xoài tại TP Cao Lãnh, trang trại trồng dưa lê ở huyện Thanh Bình, nông trại lúa hữu cơ ở huyện Hồng Ngự, trung tâm sản xuất hoa công nghệ cao ở TP Sa Đéc…

An Giang với lợi thế là tỉnh đầu nguồn và là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai loại hình DLNN một cách có đầu tư từ năm 2007, khi tỉnh này được Tổ chức nông dân Hà Lan (Agriterra) hỗ trợ phát triển DLNN và đã đạt được một số kết quả khả quan. An Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm DLNN truyền thống từ các vùng chuyên canh cây ăn trái, rau màu, cây lúa, thủy sản như: Cù lao Giêng (huyện Chợ Mới), Cù lao Tân Trung (huyện Phú Tân)… Nhiều đơn vị trong tỉnh đã quan tâm khai thác loại hình DLNN ứng dụng công nghệ cao như Nông trại Phan Nam (TP Long Xuyên), Vườn sinh thái Út Cưng (TP Châu Đốc), Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Tuấn Phong (TP Châu Đốc)… thường xuyên thu hút du khách đến tham quan, mua sắm các sản phẩm đặc trưng từ nông nghiệp.

DLNN Bến Tre cũng đang được quan tâm phát triển khi tỉnh có tới 39 làng nghề nông nghiệp và 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, tạo ra sự hấp dẫn cho du khách khi tham quan trải nghiệm từng công đoạn thực tế như: sản xuất hoa kiểng, dệt chiếu, đan giỏ cọng dừa, làm kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồng… Ở các huyện Chợ Lách, Châu Thành, Thạnh Phú, ngành chức năng và nông dân còn xây dựng các mô hình trồng dưa lưới, rau sạch, vườn trái cây đặc sản phục vụ DLNN.

DLCN trong nhiều thập niên qua đã được các quốc gia khuyến khích phát triển. Tùy theo lợi thế của mỗi quốc gia mà loại hình du lịch này có tên gọi khác nhau, ví dụ như du lịch nông thôn (Anh), du lịch trang trại (Mỹ, Ý), DLCN (Pháp), du lịch nông trại (Canada), du lịch nông nghiệp (Nhật, Úc)… song tất cả đều tuân thủ theo nguyên tắc du lịch trải nghiệm, khai thác các giá trị tổng hợp dựa trên thành quả của ngành nông nghiệp.  Các mô hình điển hình như chăn nuôi bò sữa Jersey Darry ở Mỹ mỗi năm thu hút 1,4 triệu lượt khách; vườn dâu ở Niikura ở Nhật chỉ có 5ha nhưng thu hút 400.000 lượt du khách; vườn hoa Keukenhof ở Hà Lan cũng đón hàng triệu khách tham quan mỗi năm...

Tại TP Cần Thơ, DLNN có lẽ không còn xa lạ gì và đã bắt đầu hình thành với nhiều kỳ vọng lớn. Trong việc kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp, Cần Thơ có hàng chục mô hình vườn cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, hoa kiểng kết hợp du lịch sinh thái. Thành phố hiện có nông trại Cần Thơ Farm được hình thành theo hướng phát triển du lịch dựa trên nền tảng sản xuất nông nghiệp xanh và kinh doanh nông phẩm sạch, hay Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa chuyên sản xuất các loại rau thủy canh. Đây không chỉ là những địa chỉ cung cấp rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng mà còn là điểm đến tham quan của nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là địa điểm để các em học sinh đến tham quan, học tập.

Cần Thơ đang dần hình thành nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị gắn với quy hoạch vành đai xanh. Có thể kể ra, đó là làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ (quận Bình Thủy); Câu lạc bộ Hoa kiểng Trường Trung B, Hợp tác xã Hoa kiểng Tân Long A (huyện Phong Điền); mô hình trồng lan tại quận Cái Răng, Ô Môn và Bình Thủy… Cồn Sơn và Cù lao Tân Lộc với nhiều mô hình nuôi thủy sản và trồng cây ăn trái đang là địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là cần phải tiếp tục được quan tâm đúng mức và thúc đẩy hơn nữa bằng các chính sách hỗ trợ để DLNN ở thành phố trung tâm vùng sông nước trở thành một trong những sản phẩm du lịch chủ lực, qua đó nông dân có thêm nguồn thu từ việc bán sản phẩm trực tiếp, du khách có thời gian trải nghiệm và lưu trú, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế du lịch...

PHÚC NGUYÊN

Chia sẻ bài viết