Tôi và Thuận chèo xuồng đi xuống một đơn vị đang đóng quân ở miệt Tân Bằng. Chúng tôi phân công nhau mỗi người chèo một đoạn cho người kia ngủ. Ở vùng này, máy bay địch hoạt động không nhiều, nhưng ở các nơi trọng điểm, các trục giao thông quan trọng trong vùng giải phóng, chúng thường có mặt, quần đảo, ném vài loạt bom, bắn vài chục loạt “cà- nông 20”, rồi cút đi. Ban ngày, bà con ta thường sơ tán, nhưng khi chiều xuống và về đêm thì thoải mái lắm. Dọc theo con kêng Chắc Băng, ở nhiều đoạn, quán tiệm và nhà dân, đèn măng xông sáng choang. Tiếng máy hát nhà này nghe chưa dứt thì đã nghe vang lên từ nhà khác. Ôi thôi, vọng cổ là vọng cổ! Các bài bản hay hầu như nhà nào cũng có, nên có khi đi chừng một cây số mà một bài ca hay được nghe đi, nghe lại đến hai, ba lần. Bài “Sầu vương biên ải” ướt át, lâm ly, với giọng ca điệu nghệ của đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn! Đèn “Ết-đa”, máy hát “Cô-lom-bi-a”, dĩa hát “A-si-a” là ba cái “A” kỳ diệu đã làm nên sinh khí cả một vùng sông nước.
Trong cái không khí như vậy thì ngủ sao cho được, nhứt là đối với những người có máu vọng cổ như chúng tôi. Có lúc, chúng tôi không dám đẩy mạnh mái chèo, sợ tiếng khua sẽ làm át mất những chỗ xuống “xề” “rụng rún”! Có lúc cao hứng, chúng tôi “hợp xướng” với Út Trà Ôn hay với cô Năm Cần Thơ, cô Ba Bến Tre, Bảy Cao, Tư Bé nào đó. Trong những bài hát có những câu quen thuộc mà chúng tôi có thể “vuốt đuôi” cho đỡ ghiền.
Qua khỏi Chắc Băng, nhà cửa thưa dần, tiếng hát và ánh đèn cũng bớt. Nhưng cơn “ghiền” của chúng tôi thì chưa vơi đi. Vậy là chúng tôi tự diễn, tự biên, cứ nghêu ngao hết bài nọ tới bài kia, lúc độc xướng, lúc song ca, tự thưởng thức cái tài nghệ thuộc loại Út... Trà Đá của mình để tâm hồn cũng được các làn điệu cải lương làm cho lâng lâng, bay bổng...
Vì mải mê với câu vọng cổ mà tôi không nhìn thấy một chiếc xuồng khác đang đi ngược chiều! Hai chiếc đâm vào nhau. Cả hai cùng chìm! Khi mọi người lắc xuồng, trở lại an vị như cũ, hỏi ra mới biết hai vị thuyền viên bên kia cũng thuộc cánh “nhà binh”. Họ bị lạc tay lái cũng vì đang ca... vọng cổ! Phải chi “tài tử” mà gặp “giai nhân” thì có thể đã diễn ra một cuộc đờn ca tài tử trên dòng kênh vắng. Xuồng bạn đi rồi mà còn vọng lại một câu ca do chàng nghệ sĩ chìm xuồng xuất khẩu đã thành vọng cổ: “Ôi, đêm thanh vắng khiến lòng thêm quạnh quẽ, anh và em mỗi người mỗi ngả, gặp gỡ nhau chi cho xuồng lủi vô... xuồng...”. Đại ca Thuận nhà tôi nhận xét: “Trình độ “ba trợn” của vị sư phụ này hơn tao mấy bậc”!
Cái “ba trợn” mà “ngài” vừa nói và thường hay nói tới thì nào có thua ai! Anh có nửa cái bằng tú tài (tú tài I) có cái miệng hay cười và luôn gợi được tiếng cười của người khác bằng những chuyện kim cổ, Á, Âu với những tình tiết được anh cải tiến, nâng cao, tô màu, phóng đại. Ai kể cho anh nghe chuyện gì, anh thường kể lại cho người khác nghe với những lời lẽ hay hơn “nguyên bản” do anh thêm mắm dậm muối cho thêm đậm đà bản sắc... bác Ba Phi! Đấy, cái “ba trợn” của Thuận dễ thương là như vậy! Cho nên mỗi lần nghe Thuận kể chuyện tôi có cảm giác như có cái gì thật thật, hư hư, rất vui, mà chẳng hại ai. Tôi cũng thuộc vào loại nghịch ngợm có cỡ, nhưng tôi rất nể mặt anh chàng, và tôn chàng ta làm “đại ca”.
Sau cuộc đụng xuồng giữa các nhà “ba trợn”, tôi chèo cho “đại ca” ngủ, thận trọng hơn vì sợ nhảy xuống nước một lần nữa. Muốn cất giọng làm vài câu “Biệt ly sầu” hay “Tiếng nhạn chân mây” gì đó cho đỡ buồn nhưng thấy Thuận nằm yên, tôi lại thôi để cho chàng ta ngủ. Nhưng Thuận đâu có ngủ! Im được mười phút, cái máy phát thanh làm việc trở lại với “vô-luym” to hơn. Tằng hắng một cái lấy giọng, Thuận hỏi tôi:
- Nè mầy, dân mình thích nghe đờn ca tài tử, các điệu dân ca. Biết không, Tây nó cũng thích nghe cái đó lắm!
Tôi phản ứng ngay:
- Nói dóc vừa vậy ông! Làm gì có chuyện đó!
- Có chớ, có thật trăm phần trăm! Tao kể mày nghe hai chuyện, một chuyện của tao, còn một chuyện tao nghe kể lại.
Tôi chưa kịp có ý kiến, Thuận đã bắt đầu câu chuyện như đã chuẩn bị sẵn tự bao giờ. Thuận kể:
- Đầu năm 1945, phong trào cách mạng lên cao lắm. Bọn học sinh trường tao hưởng ứng nhiệt liệt, tham gia các phong trào chống nạn mù chữ, bình dân học vụ, dạy hát các bài ca cách mạng... Bọn tao thuộc loại lớn, tìm học những tài liệu chính trị. Giặc Pháp lúc này đã sụt thế, nhưng vẫn còn lùng sụt, bắt bớ Cộng sản.
Một đêm, tụi tao năm đứa, mời chú Năm Lai thuộc bậc “sư phụ” ở địa phương nói chuyện tình hình. Tụi tao mướn một chiếc ghe lườn nhỏ, tự chèo chống ra sông cái rồi thả trôi, ngồi nghe chú Năm nói chuyện. Tụi tao đem theo hai cây đờn và trà nước, bánh kẹo, phòng khi có người dòm ngó thì coi như những người đi chơi đờn ca tài tử trên sông.
Khoảng mười giờ, bỗng có tiếng ca-nô từ xa chạy tới. Vốn là người có nhiều kinh nghiệm, chú Năm biết ngay là bọn giặc! Chú bình tỉnh bảo:
- Mấy đứa cứ ca hát tự nhiên. Coi như đi chơi! Chú sẽ xuống sông theo các giề lục bình lội vô bờ! Con sông này quen với chú lắm, không sao đâu!
Nói xong, chú Năm nhẹ nhàng xuống nước, vài phút sau là mất dạng. Một lát sau, hai chiếc ca-nô chạy tới, dắt theo hai chiếc xuồng. Chúng lục soát chiếc ghe, rồi kéo luôn về thành phố, nhốt tụi tao vô một căn phòng đầy mùi ẩm mốc, đồ đạc ngổn ngang. Hôm sau, một thằng Tây và hai người Việt đến, có lẽ là bọn mật thám. Chúng điều tra vòng vo, chẳng ra manh mối gì, chỉ biết tụi tao là học sinh nhân ngày nghỉ đi chơi đờn ca tài tử như nhiều người khác. Bỗng nhìn thấy một cây đờn, thằng Tây bảo:
- Tụi mầy đờn ca thử nghe coi. Tao cũng thích nghe cái lối tuyên truyền bằng văn nghệ của cộng sản coi như thế nào mà bọn tụi bây ca ngợi dữ vậy!
Được rồi! Chơi với thằng Tây nầy một cuộc đờn ca cho nó biết mùi văn nghệ của cái đất Nam Kỳ này! Tụi tao đứa nào cũng thuộc một số bài Bình bán, Hành vân, Kim tiền, Ngũ điểm... và đờn lẳng tẳng có thể chơi ở các đám giỗ ở nông thôn. Cuộc “đờn ca tài tử” đặc biệt bắt đầu với bài “Hội cầm ca” mà tao còn nhớ khi ba tao ngồi nghêu ngao một mình lúc rảnh. Bây giờ thì tao biểu diễn: “Hội cầm ca là hội ca cầm/ Chúc cậu với mợ giàu sang/ Vinh hoa phú quý/ Phú quý vinh hoa/ Sống bá niên trường thọ/ Nhà cậu đông con cháu/ Trên ô tô dưới thì ca nô/ nằm giường lèo ăn với cơm Tàu/...”. Cứ những bài ca ba trợn như vậy, tụi tao làm tới tới. Còn bài vọng cổ là “bài tổ”, dứt khoát không cho Tây nó nghe. Thằng Tây cứ hỏi hai tên tay sai:
- Đúng không? Tụi nó hát đúng không?
Hai tên này cứ gật đầu, tỏ ra mình cũng là dân sành điệu:
- Quì mông-xừ! Quì mông-xừ!
Thằng Tây đặt điều kiện, nếu tụi tao ca được một bài bằng tiếng Pháp thì nó sẽ thả ra. Vậy là tao lấy giọng hát bài... “Rè-đơ xà-múa”, nghĩa là “Tôi có hai mối tình”. Tao cũng rung cái cổ họng cho có vẻ Tây! Thằng Tây lắc lắc cái đầu. Hai tay mật thám trơ mắt ếch!
Cười giòn, “đại ca” tôi kết luận:
- Vậy là tụi tao thoát! Thoát nhờ đờn ca tài tử, một cuộc đờn ca tài tử theo kiểu “Tây-ta giao duyên”.
Ngày tao vào bộ đội, bỗng nhiên tao nhớ lại bài: Tôi có hai mối tình, đất nước tôi và Pa-ri (thủ đô nước Pháp). Tao sửa lại: Tôi chỉ có một mối tình: Đất nước tôi, đất nước tôi!...
Vậy là Thuận cao hứng hát vang một khúc kênh: Jai un amour... một câu ca bằng tiếng Pháp lạc lõng giữa miền sông nước...
* * *
Đã tới phiên Thuận chèo. Anh ta ngồi dậy chuẩn bị làm nghĩa vụ. Nhưng tôi còn muốn nghe cái vụ thứ hai về việc tây tà với đờn ca tài tử nên cho anh được “hoãn nghĩa vụ”. Thuận “à” một tiếng, rồi cười như vừa nhớ ra một chuyện gì thú vị lắm.
Khi Nhựt đảo chính Pháp ở Đông Dương, nhiều “ông Tây bà Đầm” dẫn nhau chạy trốn xuống U Minh, có cả trẻ con còn ẵm ngửa! Nhiều người chui vô rẫy khóm, không biết đường ra! Không có cơm ăn, họ muốn ăn khóm cho đỡ đói nhưng không biết gọt vỏ, bèn cạp bừa, đổ máu miệng! Bà con mình vốn ghét Tây, nhưng sẵn lòng nhân đạo, rất thấm nhuần cái câu: “Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”, nên đưa họ vô nhà, lo cho cơm nước và bảo vệ an toàn. Cái câu “Tây ăn mắm sống” trước đây chỉ là nói đùa, nhưng bây giờ là sự thật!
Tối đến, đất rừng hơi lạnh. Muỗi kêu như sáo thổi. Vì lo sợ nên nhiều người không ngủ được. Mấy đứa trẻ con cứ khóc ào ào. Các cô đầm không biết ru con, cứ nghêu ngao hát những bài hát gì làm chúng càng khóc lớn hơn. Thấy vậy, các bà mẹ trẻ Việt Nam mới ẵm giùm và ru cho chúng ngủ với những bài hát ru, những câu hò, điệu lý của đất phương Nam! Không ngờ những bài ca tài tử này lại làm mấy đứa Tây con ngủ khì, mà Tây già cũng ngủ. Mấy vị “thính giả” của đêm văn nghệ sáu mươi năm về trước nay vẫn còn mạnh khỏe. Nếu có dịp trở về vùng đất U Minh và được nghe kể lại những câu chuyện về những ngày “sa cơ” của họ, chắc là họ có nhiều xúc cảm lắm vì những lời ca Việt Nam đầy chất nhân văn vẫn còn khắc ghi đâu đó trong tâm hồn họ, như những câu:
“Gió mùa Thu, mẹ ru con ngủ
Năm canh chày, thức đủ vừa năm!”
Hay là:
“Con ơi, con ngủ cho ngon
Mai sau con lớn nước non được nhờ!”
Hay là:
“Con tôi khát sữa bú tay,
Ai cho bú thép, ngàn ngày nhớ ơn!”...
* * *
Đêm khuya lắm rồi. Khi xuồng chúng tôi ghé quán chú Xồi ở ngã ba Thới Bình thì chú đang chuẩn bị dọn dẹp để nghỉ sau một ngày đón khách thập phương, mà phần lớn là bộ đội. Thấy chúng tôi thuộc loại “bồ nhà”, chú Xồi bơm đèn cho sáng thêm lên. Các thứ “tồn kho” được bày ra, chủ khách cùng thưởng thức! Chú Xồi là người Quảng Đông rất sành các loại hát Tiều, hát Quảng. Không biết tích lũy tự bao giờ mà đại ca tôi cũng có cái vốn về những môn này. Cuộc giao lưu văn nghệ lại râm vang. Văn nghệ lại nâng mái chèo cho xuồng tôi rẽ nước.