27/07/2022 - 06:02

Năng động hội nhập 

Nâng cao năng lực hội nhập là một trong những nội dung trọng tâm của công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Các cấp bộ Đoàn - Hội trên địa bàn TP Cần Thơ đã tăng cường thông tin thời sự trong và ngoài nước, triển khai nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng, sân chơi học thuật, tạo môi trường giúp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) cập nhật, trau dồi kiến thức và kỹ năng hội nhập.

Tăng cường công tác quốc tế thanh niên

Các bạn trẻ tham gia Ngày hội “Sinh viên Cần Thơ hội nhập”, do Thành đoàn - Hội Sinh viên TP Cần Thơ tổ chức, nhằm quảng bá văn hóa và tuyên truyền về Cộng đồng ASEAN đến ĐVTN.

Các bạn trẻ tham gia Ngày hội “Sinh viên Cần Thơ hội nhập”, do Thành đoàn - Hội Sinh viên TP Cần Thơ tổ chức, nhằm quảng bá văn hóa và tuyên truyền về Cộng đồng ASEAN đến ĐVTN.

Từ năm 2019 đến nay, công tác quốc tế thanh niên được Đoàn Trường Đại học Tây Đô cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động, chương trình gắn với các phong trào thanh niên. Theo anh Nguyễn Phạm Quốc Anh, Phó Bí thư Đoàn trường, định kỳ mỗi năm học, Đoàn trường tổ chức lớp tập huấn chuyên đề “Một số nội dung hội nhập quốc tế của Việt Nam và cộng đồng ASEAN” cho hơn 200 lượt cán bộ Đoàn - Hội chủ chốt, nhằm phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thời cơ và thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế và cộng đồng ASEAN. Tuy ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song hoạt động giao lưu thanh niên quốc tế được tổ chức linh hoạt bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp tùy theo diễn biến dịch bệnh. Theo đó, Đoàn trường phối hợp tổ chức chương trình gặp gỡ - giao lưu giữa Hội Sinh viên (SV) Việt Nam TP Cần Thơ và Hội SV Việt Nam tại Hungary. Qua đó, tạo điều kiện cho SV giao lưu với các du học sinh, tìm hiểu môi trường học tập, tình nguyện quốc tế và phương pháp nghiên cứu khoa học.

Đồng hành với ĐVTN trong hội nhập quốc tế, các cơ sở Đoàn còn thành lập 5 câu lạc bộ (CLB) học thuật, như: Tiếng Anh, Tin học, Blouse trắng. Các CLB là môi trường khuyến khích, hỗ trợ SV học tập, tập sự nghiên cứu khoa học và rèn kỹ năng thực hành xã hội. Phó Chủ nhiệm CLB Blouse trắng Ngô Thị Tố Huyền, SV ngành Dược, chia sẻ: “CLB sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng, với nhiều nội dung chia sẻ kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp. Ban Chủ nhiệm còn lồng ghép tuyên truyền thông tin thời sự liên quan đến ngành nghề, từ đó định hướng tư tưởng cho SV”. Hay như CLB Tiếng Anh, thu hút hơn 250 SV, định kỳ sinh hoạt 1 lần/tháng, giúp SV nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh...

Theo Ban Thư ký Hội SV TP Cần Thơ, 10 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đều thành lập ít nhất 1 CLB Tiếng Anh, cùng nhiều CLB học thuật, kỹ năng và văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao. Định kỳ mỗi quý, Thành đoàn - Hội SV thành phố tổ chức hội nghị giao ban an ninh tư tưởng trong ĐVTN khối trường học. Các ĐVTN được báo cáo viên cung cấp thông tin thời sự trong nước và thế giới, các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Nhiều hoạt động tìm hiểu về Cộng đồng ASEAN cũng được tuổi trẻ thành phố tổ chức. Cụ thể, cuối tháng 5-2022, tuổi trẻ thành phố tổ chức Ngày hội “SV Cần Thơ hội nhập”, với 10 gian hàng đại diện cho hình ảnh 10 quốc qia trong khu vực ASEAN. Thông qua ngày hội, SV tìm hiểu, giới thiệu hình ảnh về con người, nét văn hóa truyền thống của nước bạn. Huỳnh Thanh Tiến, SV Trường Đại học Nam Cần Thơ, chia sẻ: “Trong xu thế hội nhập, các quốc gia tăng cường giao lưu và hợp tác lẫn nhau, mỗi SV đặt mục tiêu phấn đấu trở thành công dân toàn cầu là rất cần thiết. Ngày hội đối với tôi rất thiết thực và ý nghĩa. Ngoài việc có thêm cơ hội nâng cao trình độ tiếng Anh để tự tin hơn khi hội nhập với bạn bè quốc tế, tôi còn được tăng cường sự hiểu biết về mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa các nước trong khu vực”.

Chủ động học tập, rèn luyện

Nhằm nâng cao kỹ năng hội nhập cho ĐVTN, tổ chức Đoàn - Hội ở các trường đại học, cao đẳng triển khai nhiều chương trình giáo dục kỹ năng và trao đổi văn hóa với SV quốc tế. Trong đó, Đoàn Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ định kỳ tổ chức giao lưu với SV Trường Đại học Soonchunhyang (Hàn Quốc) thông qua các ứng dụng trực tuyến; cử cán bộ Đoàn tham quan, học tập và chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Soonchunhyang (Hàn Quốc). Các Đoàn khoa tổ chức các cuộc thi, hoạt động “Rung chuông vàng Anh văn”, “Rung chuông vàng Tin học”, “Cuộc thi khởi nghiệp, sáng tạo trong học sinh, SV”, đi đôi với công tác định hướng nghề nghiệp, tập huấn kỹ năng nghề nghiệp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của SV trên thị trường lao động. Trong nhiệm kỳ 2019-2022, Đoàn trường phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Cần Thơ triển khai dự án “Nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm cho SV nhập cư”, cho hơn 1.260 ĐVTN. Anh Huỳnh Cảnh Thanh Lam, Phó Bí thư Đoàn trường, chia sẻ: “Các hoạt động, phong trào tình nguyện được Đoàn trường triển khai gắn với chuyên ngành, tạo môi trường rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp. Tiêu biểu như: tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; dạy tiếng Anh, Tin học; sửa chữa và xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống điện chiếu sáng công cộng. Qua đó, góp phần giúp SV cọ xát thực tế, làm hành trang trong quá trình lập nghiệp”.

Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Cần Thơ, đơn vị phối hợp với các doanh nghiệp thường xuyên thông tin các chương trình tuyển thực tập sinh, mở các khóa đào tạo kỹ năng mềm, như: kỹ năng giao tiếp, viết CV, quản lý tài chính; đồng thời, thường xuyên thông tin thị trường lao động quốc tế để ĐVTN tìm kiếm cơ hội việc làm. Trung tâm liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thanh niên; đào tạo khởi sự doanh nghiệp, phối hợp với doanh nghiệp đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động, đào tạo nghề theo đặt hàng của doanh nghiệp, đào tạo nghề mới theo nhu cầu của thị trường, đa dạng hóa đối tượng đào tạo. Anh Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Cần Thơ, cho biết: “Sau khi dịch COVID-19 ổn định, Trung tâm bắt tay ngay vào việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, người lao động; đẩy mạnh tiếp cận các bạn trẻ trên không gian mạng. Đồng thời, kết nối các công ty tuyển dụng và người lao động, đặc biệt là giải quyết xuất khẩu lao động “0 đồng”, bằng việc đào tạo tay nghề, tiếng Nhật cho thanh niên đi xuất khẩu lao động mà không tốn phí, bởi vì các khoản phí đào tạo đều do phía doanh nghiệp Nhật chi trả”.

Bên cạnh sự đồng hành, hỗ trợ của tổ chức Đoàn - Hội, nhiều “thủ lĩnh” thanh niên cho rằng bản thân người trẻ cần nỗ lực trau dồi kiến thức và thường xuyên rèn luyện kỹ năng, nhằm tạo nền tảng vững chắc, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết