12/10/2016 - 21:03

Nâng cao vai trò của hiệp hội để tạo cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp gần hơn

Nền kinh tế có nhiều khởi sắc, tuy nhiên không ít doanh nghiệp (DN) vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Do vậy, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức, hiệp hội, ngành nghề được xem là điều kiện cần để DN vượt khó. Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), phóng viên Báo Cần Thơ có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) về những vấn đề nêu trên.

* Ông đánh giá như thế nào về hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN đầu năm 2016 đến nay, đặc biệt là DN của TP Cần Thơ?

- Năm 2016 được xem là cột mốc quan trong trong giai đoạn phát triển kinh tế xã hội mới của đất nước. Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã vạch ra định hướng phát triển mới, trong đó phát triển kinh tế hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Năm 2016 cũng là năm Chính phủ phát động năm quốc gia khởi nghiệp và đóng vai trò kiến tạo để xây dựng một môi trường kinh doanh hiệu quả hơn, thúc đẩy DN phát triển. Điều đó cho thấy chưa bao giờ lực lượng DN và cộng đồng doanh nhân được Đảng và Nhà nước quan tâm như hiện nay.

Mặc dù còn nhiều khó khăn do dư âm của khủng hoảng gần 10 năm trước đây, nhưng có thể thấy rằng, DN đang có nhiều niềm tin và tham gia trở lại sản xuất kinh doanh. 9 tháng năm 2016, cả nước có gần 81.500 DN đăng ký thành lập mới, cùng với hơn 20.500 DN quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm ngưng, cho thấy môi trường kinh doanh trong nước đã và đang cải thiện tích cực. Số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tăng mạnh so với cùng kỳ các năm trước, thu hút được 1.820 dự án, tổng vốn đăng ký mới 11,16 tỉ USD, có 851 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 5,26 tỉ USD.

Riêng TP Cần Thơ, kết quả 9 tháng qua kinh tế có mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,22% so với cùng kỳ năm 2015. Thành phố có 839 DN đăng ký mới, tổng vốn 3.800 tỉ đồng, tăng 14,3% về số lượng và 67,5% về số vốn đăng ký so cùng kỳ, được xem là cao nhất ở ĐBSCL. 9 tháng, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án với vốn đầu tư 175,7 triệu USD, 1 dự án tăng vốn 1,1 triệu USD.

TP Cần Thơ nỗ lực xây dựng nhiều chính sách tạo điều kiện tốt nhất để thu hút đầu tư. Trong ảnh: Lãnh đạo thành phố trong buổi gặp gỡ với Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc.

* Với vai trò là tổ chức tập hợp và đại diện cho cộng đồng DN, VCCI Cần Thơ có những hỗ trợ tích cực nào cho các DN, thưa ông?

- VCCI luôn xem DN là đối tượng để triển khai các hoạt động của mình. Về tổng thể, thực hiện Nghị quyết số 19 ngày 28-4-2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và quốc gia hai năm 2016 -2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35 ngày 16-5-2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, VCCI được Chính phủ giao ký kết với các tỉnh để tạo lập môi trường kinh doanh cho DN. VCCI Cần Thơ phối hợp với các tỉnh, thành ĐBSCL đánh giá và triển khai các hoạt động về đối thoại, cải cách thủ tục hành chính, các chính sách ban hành nhằm hỗ trợ ngày một tốt hơn cho hoạt động kinh doanh đầu tư. Trong hoạt động xúc tiến và hội nhập kinh tế quốc tế, chúng tôi cố gắng tổ chức các sự kiện về hợp tác đầu tư cấp vùng, giới thiệu các công nghệ, thiết bị mới cho DN, các hội thảo chuyên đề về điều khoản cam kết trong hội nhập để DN đo lường và đánh giá những cơ hội để khai thác kinh doanh và đầu tư. Chúng tôi luôn quan tâm và lắng nghe ý kiến của DN phản ánh thông qua các hiệp hội để có những kiến nghị với các bộ ngành và địa phương để luôn tháo gỡ những vấn đề khó mà DN gặp phải. Chúng tôi luôn khuyến nghị các địa phương nâng cao vai trò của hiệp hội để tạo cầu nối giữa chính quyền với DN gần hơn, trước mắt trong năm 2016 vận động xây dựng mô hình cà phê doanh nhân tại An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cần Thơ. Khuyến khích và hỗ trợ thiết lập Hiệp hội DN tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang để tăng cường đối thoại.

* Nhằm phát triển DN và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, VCCI Cần Thơ đã xây dựng chương trình Khởi nghiệp dành cho khu vực ĐBSCL với tên gọi "Mekong Startup". Vậy, giải pháp cụ thể của VCCI Cần Thơ dành cho những DN khởi nghiệp của vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng là gì, thưa ông?

- VCCI xây dựng chương trình khởi nghiệp trong giai đoạn 2016 – 2020 và xa hơn với kế hoạch 10 năm kế tiếp. Các giải pháp cụ thể cho chương trình này là xây dựng trung tâm ươm tạo với giai đoạn 1 đặt tại văn phòng VCCI Cần Thơ. Tại đây các "start up" sẽ được sử dụng các thiết bị cần thiết cho quá trình khởi nghiệp như: văn phòng, máy tính, hệ thống thông tin, dữ liệu…, được chuyên gia tư vấn và định hướng, đào tạo huấn luyện chuyên môn và kỹ năng, được tiếp cận với các quỹ đầu tư. Các sản phẩm ươm tạo sẽ được VCCI hỗ trợ nối kết với thị trường để tăng khả năng thương mại hóa. Đối với lĩnh vực công nghệ chế biến, chúng tôi phối hợp với Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (KVIP) và Vườn ươm Đại học Cần Thơ để đưa những ý tưởng các bạn khởi nghiệp vào ươm tạo. Chương trình này VCCI lấy TP Cần Thơ làm trung tâm, phối hợp với các tỉnh để triển khai như là một mạng lưới nối kết dựa trên thế mạnh, nhu cầu và đặc thù của mỗi địa phương để sau một thời gian ươm tạo, các "start up" có thể thành lập DN tại Cần Thơ hay về chính địa phương của mình.

* Trong ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, đại diện cho tiếng nói của DN, ông có những đề xuất, kiến nghị gì đến lãnh đạo chính quyền địa phương để DN hoạt động ngày càng hiệu quả?

- Thời gian qua, chúng tôi nhận thấy đã có sự quan tâm rất lớn từ chính quyền các địa phương đối với hoạt động kinh doanh của DN. Không chỉ là những quyết tâm về chính trị, mà nhiều tỉnh, thành phố đang xây dựng chương trình hỗ trợ rất tích cực và cụ thể cho DN, đặc biệt khối DN dân doanh và DN nhỏ. Đối với cộng đồng DN, doanh nhân, chúng tôi cho rằng thiết lập một môi trường kinh doanh tốt bằng những chính sách hợp lý là rất quan trọng. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị lãnh đạo các địa phương cần cụ thể hóa bằng những chương trình, hoạt động và có sự giám sát đánh giá các cấp huyện, thị và sở, ngành để thực sự có một môi trường tốt cho DN phát triển. Riêng TP Cần Thơ, chúng tôi mong lãnh đạo thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan tham gia và nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư, trong đó cần thiết lập chính sách mới, ưu tiên nhiều hơn trong thu hút đầu tư, chính sách ưu đãi cho phát triển DN, DN khởi nghiệp, xử lý mạnh hơn các DN vi phạm trong gian lận thương mại để tạo một hình ảnh tích cực về một thành phố minh bạch và bình đẳng trong kinh doanh. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư hạ tầng, tiếp thị hình ảnh thành phố nhiều hơn để thu hút các DN tham gia, thực sự là đô thị trung tâm về thương mại dịch vụ của vùng.

* Xin cảm ơn ông!

Nam Hương (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết