15/04/2017 - 16:36

Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêm chủng

Tiêm chủng đã giúp giảm mạnh số ca mắc các bệnh nguy hiểm, lây nhiễm cao cho trẻ em và cho cả cộng đồng. Tuy nhiên, hàng năm, các tỉnh phía Nam vẫn có trẻ mắc các bệnh có vắc-xin phòng phải nhập viện, bị biến chứng hay thậm chí là tử vong. Nguyên nhân phần lớn là do phụ huynh "quên" tiêm chủng cho con. Vì vậy, công tác quản lý đối tượng tiêm chủng đang được đặt ra cho hệ y tế dự phòng các tỉnh phía Nam.

Lợi ích từ tiêm chủng

Mỗi năm, vắc-xin ngăn ngừa được 2,5 triệu trường hợp trẻ tử vong trên toàn cầu. Riêng ở Việt Nam, nhờ thực hiện nhiều chương trình lớn về tiêm chủng, hàng năm, số trẻ mắc lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, Viêm gan B, viêm màng não do Hib… càng giảm.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương tại Hà Nội đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho hơn 50 trẻ bị mắc bệnh ho gà.

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh: Từ năm 1984 cho đến 2014, nhờ tiêm chủng, trên cả nước, số ca mắc ho gà giảm hơn 900 lần, bạch hầu giảm gần 600 lần, sởi hơn 550 lần, uốn ván giảm gần 60 lần. Ước tính, Việt Nam đã dự phòng cho được 6,7 triệu trẻ em khỏi mắc bệnh và 43.000 trẻ khỏi tử vong do các bệnh lao, bạch hầu, ho gà uốn ván, sởi. Chiến dịch tiêm chủng góp phần giảm 2/3 tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trong giai đoạn 1990-2015.

"Đây là những con số hết sức thuyết phục chứng minh được sự quan trọng của tiêm chủng đối với trẻ nhỏ. Về mặt kinh tế, đầu tư tiêm chủng tiết kiệm nhiều chi phí hơn so với điều trị. Chẳng hạn, chi phí cho trẻ tiêm sởi chỉ mất 1/23 cho trẻ điều trị sởi" - Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng nhận định.

Không chỉ vậy, khi càng có nhiều trẻ được tiêm chủng, vô hình trung cũng bảo vệ cho những trẻ chưa được tiêm chủng nhờ giảm nguồn lây hay giúp dự phòng cho cả thế hệ sau này.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Nếu trẻ không được chủng ngừa, ngoài ảnh hưởng đến bản thân sức khỏe tương lai của trẻ mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội. Do trẻ có thể lây bệnh sang những người khác chưa được chủng ngừa hoặc tiêm chủng không đầy đủ như những trẻ còn quá nhỏ để được chủng ngừa hoặc những người bị suy yếu miễn dịch (như người nhận ghép tạng và những người bị ung thư…). Điều này có thể dẫn đến các biến chứng dài hạn và thậm chí tử vong cho những người dễ bị tổn thương này.

Nâng cao tỷ lệ tiêm chủng

Những năm gần đây, số trẻ được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc-xin của các tỉnh phía Nam đều đạt trên 90% (năm 2016 đạt 97,6%). Tuy nhiên, sự bùng phát các bệnh có thể phòng ngừa được vẫn có thể xảy ra khi nhiều bậc cha mẹ bỏ qua cơ hội hoặc duy trì tiêm chủng không đầy đủ, đúng lịch cho con mình.

Thực tế, năm 2016 tại khu vực phía Nam, một số nơi có tình trạng nhiều người bị sốt phát ban. Những trường hợp này chủ yếu trên 18 tuổi và 1/3 từ 9-18 tháng. May mắn là tình trạng này chỉ rải rác ở một số nơi chứ chưa thành dịch trong cộng đồng. Họ bị sốt phát ban là do không tiêm chủng hoặc không đủ liều sởi – rubella. Cũng vậy, trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong năm vừa qua, số người mắc đều là trẻ lớn và người lớn và hầu hết do họ không được tiêm chủng hay không tiêm chủng đầy đủ.

Theo Phó viện Trưởng Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Vũ Thượng: Sở dĩ vẫn còn tình trạng trên một phần do nhận thức của người dân về tiêm chủng chưa cao (sợ con bị sốt, biếng ăn, hay mỏi mệt sau khi tiêm chủng). Mặt khác, những vùng có khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, có hiện tượng dân di biến động. Khi dân di biến động như vậy, đôi khi do mưu sinh người dân đem con đến nơi khác sinh sống dễ dẫn đến "quên" tiêm ngừa cho con cũng như không nhớ đã đưa con chích ngừa những mũi nào do mất giấy tờ về tiêm chủng.

Do đó, để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của tiêm chủng cũng như quản lý đối tượng tiêm chủng nhằm tránh tình trạng dân di biến động, nhiều tỉnh phía Nam sẽ triển khai thí điểm cấp mã số cho trẻ em để theo dõi lịch tiêm chủng.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Sắp tới sẽ có thay đổi trong cách quản lý trẻ tiêm chủng. Ngay khi mới sinh ra, trẻ sẽ được cấp một mã số. Khi trẻ đã có mã số, bất kể trẻ đi tiêm chủng ở đâu, tiêm loại vắc-xin nào (tiêm chủng mở rộng hay tiêm chủng dịch vụ), các thông tin của trẻ, tiền sử tiêm chủng đều được nhân viên y tế ghi nhận và theo dõi liên tục. Bên cạnh đó, các thông tin của trẻ trên phần mềm sẽ được thông tin, kết nối với người dân qua các công cụ, phần mềm. Qua đó, phụ huynh tự theo dõi về quá trình tiêm chủng của trẻ, hiểu thêm các thông tin về vắc-xin tiêm chủng và lịch tiêm. Phụ huynh có thể đăng ký lịch tiêm trực tuyến, giúp phụ huynh chủ động, thuận tiện trong việc sắp xếp thời gian đưa trẻ đi tiêm chủng.

Ngoài ra, phần mềm quản lý tiêm chủng này còn hỗ trợ các tiện ích tin nhắn mời tiêm, nhắc lịch tiêm để giúp trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Lan Phương (TTXVN)

Chia sẻ bài viết