28/12/2018 - 19:12

Nâng cao nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp 

(CT)- Ngày 28-12-2018, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp. Đại diện các tỉnh, thành và các viện, trường, nhà khoa học thuộc khu vực ĐBSCL đến dự.

Đại biểu tham quan mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp được trình diễn tại hội thảo.

Theo các nhà khoa học, nông nghiệp 4.0 là nền nông nghiệp thông minh, ứng dụng kỹ thuật số và kết nối các thiết bị để điều khiển tự động trong quá trình sản xuất. Đồng thời là nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông minh, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ… Thời gian qua, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp cùng các địa phương, đơn vị sản xuất nghiên cứu, ứng dụng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ 4.0, như: mô hình trồng rau thủy canh, trồng cây trong nhà màng; ứng dụng hệ thống điều khiển tưới thông minh cho vườn cây ăn trái; giám sát thông số môi trường ao nuôi tôm, cá; giám sát đồng ruộng bằng UAV; tự động hóa trong chăn nuôi gia súc… mang lại hiệu quả cao, đảm bảo an toàn sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, hiện nay tại ĐBSCL cũng như cả nước, quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ, không tập trung; thói quen canh tác, nuôi trồng theo kinh nghiệm, truyền thống; sự liên kết giữa nghiên cứu - quản lý và chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 còn rời rạc, hạn chế… Đây là những vấn đề cần có sự hỗ trợ, liên kết sản xuất của hệ thống chính quyền các cấp.

Tại hội thảo, nhiều nghiên cứu được trao đổi, giới thiệu đến đại biểu, như: mô hình phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản, sử dụng hệ thống cảm biến tự động quan trắc độ mặn trong đất và nước phục vụ cho canh tác nông nghiệp, nhu cầu và kết nối nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0… Nhiều đại biểu kiến nghị các địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện (vốn đầu tư, ưu đãi thuế, hội thảo, tập huấn kỹ thuật) cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, trang trại, hợp tác xã tiếp cận công nghệ, ứng dụng tự động hóa vào sản xuất; tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ nhằm đưa ra giải pháp, kỹ thuật mới phù hợp với thực tiễn; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực biết ứng dụng công nghệ cao nhằm cung cấp cho các địa phương trong quá trình triển khai ứng dụng…

Tin, ảnh: H.VĂN

Chia sẻ bài viết