14/09/2014 - 16:03

Nâng cao nghiệp vụ bơi lội và cứu hộ cứu nạn cho các tài công

Giờ thực hành bơi lội của học viên khóa đầu tiên về đào tạo nghiệp vụ bơi lội và cứu hộ cứu nạn (do Trường Trung cấp Thể dục thể thao TP Cần Thơ phối hợp với Công ty TNHH Kinh Tài Việt tổ chức) do thầy Tô Ngọc Huy, giáo viên bơi lội Trường Trung cấp Thể dục thể thao (TC TDTT) TP Cần Thơ phụ trách, khá nghiêm túc. Mở đầu buổi học, thầy ôn lại một số kiến thức cơ bản và hướng dẫn học viên cách khởi động tay, chân, trước khi bơi. Sau bài tập, mỗi đợt có 2 học viên thực hành bơi dưới sự hướng dẫn của thầy Huy. Theo thầy Huy, phần lớn học viên quen với sông nước, biết bơi lội nên chỉ cần cung cấp thêm cho học viên kiến thức chuyên môn sâu và thực hành, thực tập. Do thời gian khóa học ngắn nên giáo viên cung cấp kiến thức trọng tâm. Quan trọng là thời gian thực hành, thực tập phải nhiều hơn so với lý thuyết để học viên có thể bơi đúng kỹ thuật, đạt hiệu quả.

 Thầy Huy ôn lại kiến thức cơ bản cho học viên, trước khi thực hành bơi.

Khóa học thu hút các học viên là hướng dẫn viên du lịch, lái tàu, lái đò, giáo viên thể dục các trường, nhân viên cứu đuối các hồ bơi, học sinh - sinh viên…; các tài công lái tàu, thuyền các công ty du lịch. Các học viên được trang bị một số nội dung gồm: kiến thức kỹ thuật cơ bản về bơi lội, cấp cứu, cứu nạn; thực hành phương pháp cứu hộ cứu nạn… phục vụ rất nhiều cho công việc chuyên môn. Anh Trần Văn Biên, tài công của Du thuyền Cần Thơ, nói: “7 năm công tác trong ngành, tôi tham gia nhiều khóa tập huấn nghiệp vụ, phòng cháy chữa cháy,… Song, đây là lần đầu tiên tôi tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ bơi lội và cứu hộ cứu nạn. Qua khóa học, tôi được bổ sung thêm nhiều kiến thức bơi lội, bơi đúng kỹ thuật, biết cách sơ cấp cứu cho người bị đuối nước...”. Theo Luật Giao thông đường thủy nội địa, người tham gia phương tiện đường thủy (nhất là người đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng), đòi hỏi phải có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn. Sau khóa đào tạo, các học viên được cấp chứng nhận về nghiệp vụ bơi lội và cứu hộ cứu nạn (do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp, có giá trị toàn quốc), đáp ứng quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Theo thầy Tô Ngọc Huy, khóa học đào tạo nghiệp vụ bơi lội và cứu hộ cứu nạn hết sức cần thiết đối với mọi người và nhất là các tài công, phải thường xuyên đối mặt với sông nước và những rủi ro có thể xảy ra. Mọi người đều có thể học và biết bơi; song bơi đúng kỹ thuật và biết cách sơ cấp cứu khi bị đuối nước không phải ai cũng thực hiện được, đòi hỏi bản thân phải học tập thêm. Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Công ty TNHH Kinh Tài Việt, cho rằng: Việc mở khóa học nhằm trang bị cho học viên những kiến thức bơi lội, cứu hộ cứu nạn để phòng, chống đuối nước, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn dưới nước cho người bị nạn. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 08 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn và Nghị định 158 về việc phạt vi phạm trong lĩnh vực văn hóa thể thao và du lịch… Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là các đơn vị, chủ tàu, thuyền và tài công công tác trong lĩnh vực đường thủy nội địa vẫn chưa thật sự quan tâm công tác này nên việc tuyển sinh hết sức khó khăn. Sắp tới, công ty sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ mở lớp tập huấn bơi lội, cứu đuối cho giáo viên các trường tiểu học và THCS trong TP Cần Thơ.

Bài, ảnh: NG.NGÂN

Chia sẻ bài viết