27/03/2011 - 10:04

Nâng cao năng lực các chuỗi sản xuất nông sản

Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, nguyên nhân làm cho giá cả đầu ra nhiều loại nông sản của nước ta bấp bênh là do người sản xuất còn đang thiếu thông tin thị trường, chưa có khả năng trực tiếp tham gia thị trường, phải tiêu thụ sản phẩm thông qua trung gian. Đầu ra nông sản bấp bênh còn bởi người sản xuất chưa nắm bắt và đáp ứng tốt các nhu cầu của người tiêu dùng, về chất lượng và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm…

* Nông sản rớt giá vì chất lượng bị buông lỏng!

Để nông sản có đầu ra tốt, nông dân cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
 

Hiện nay, phần lớn nông dân tiêu thụ nông sản thông qua thương lái, ít nông dân có thể bán hàng cho các doanh nghiệp và bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Bán cho thương lái thường không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên rất dễ gặp tình trạng rộ mùa rớt giá. Mặt khác, thương lái với mục đích mua hàng để bán lại kiếm lợi nên luôn muốn mua được với mức giá thấp và bán lại với giá cao.

Tuy nhiên, nhìn vào một khía cạnh khác, chúng ta có thể nhận ra rằng, yếu tố chất lượng mới là nguyên nhân chính làm cho giá cả nhiều loại nông sản bấp bênh. Thực tế cho thấy, do chất lượng chưa ổn định và chưa đảm bảo, nhất là độ đồng đều của sản phẩm, nên hiện nhiều nông dân còn ngại bán hàng và cung cấp hàng cho các doanh nghiệp và siêu thị. Nông dân sợ phải đáp ứng nhiều yêu cầu phiền phức và lo lắng vì tỷ lệ hàng bị dạt nhiều. Còn bán hàng cho thương lái có thể bán hàng xô, được thanh toán tiền ngay, không cần phân loại hàng và thậm chí không phải quan tâm nhiều đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chính từ cách nhận thức và hành động chưa quan tâm, giữ uy tín, chất lượng cho sản phẩm đã làm cho chất lượng nhiều loại nông sản bị buông lỏng dẫn đến giá cả không ổn định và bấp bênh. Ông Sơn Minh Thành, cán bộ Nông nghiệp xã Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, dẫn chứng: “Cách đây không lâu, có thời điểm hành củ ở Vĩnh Châu hút hàng mạnh, giá tăng cao và hàng được nhiều thương lái và đầu mối thu gom đem đi xuất khẩu. Nhưng vì muốn thu gom hàng nhanh để bán kiếm lời, nhiều thương lái đã không ngần ngại mua hành củ mới thu hoạch chỉ phơi nắng được 3-4 ngày (trong khi thường phải phơi nắng 8-10 ngày hành củ mới đảm bảo chất lượng và để lâu không bị hư). Nhiều nông dân thấy thương lái đến thu mua giá cao, lại khỏi phải tốn công phơi hành thêm nữa, đã vội bán hành mà quên đi vấn đề bảo đảm chất lượng và uy tín cho sản phẩm của mình. Thế là sau đó, có những lô hành xuất khẩu bị đối tác nước ngoài trả lại vì chưa đảm bảo chất lượng, ngay lập tức giá hành củ ở Vĩnh Châu liền bị rớt giá...”. Thu hoạch nông sản “non” và vội bán hàng khi chưa phơi sấy, sơ chế, bảo quản đúng cách không phải là trường hợp cá biệt đối với mặt hàng hành củ ở Vĩnh Châu mà đã và đang diễn ra đối với nhiều loại hàng nông sản khác. Ông Sơn Văn Luận ở xã Tân Thành, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, lo lắng nói: “ Hiện nay, mặt hàng khoai lang ở Bình Tân đang xuất khẩu rất mạnh, giá tăng cao. Thấy bán được giá, không ít thương lái đã đến thu mua khoai non và không ít nông dân thấy mua giá cao đã đồng ý bán khoai. Trong khi đó, khoai non thu hoạch còn dưới 4 tháng tuổi, củ dễ mềm và không dẻ ruột, mau hư nếu đem xuất khẩu rất dễ làm mất uy tín chung về chất lượng cho khoai lang Việt Nam...”.

* Nâng cao chất lượng và giá trị cho hàng nông sản

Nhằm góp phần giúp cho nông dân tại ĐBSCL nâng cao chất lượng và đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho nông sản, trường Đại học Cần Thơ đã quyết định thực hiện dự án “Năng lực tham gia thị trường của các chuỗi sản xuất nông sản thông qua đào tạo và huấn luyện” và đã nhận được sự tài trợ của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Dự án này sẽ được Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Trường Đại học Michigan State (Mỹ) và Trường Đại học Kasetsart (Thái Lan) thực hiện trong 2 năm (2011-2012). Theo Trường Đại học Cần Thơ, dự án này sẽ tiến hành cung cấp thông tin và các chương trình tập huấn, đào tạo cho nông dân và những người trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản nhằm giúp nông dân nâng cao chất lượng, giá trị cho hàng nông sản và đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, từ đó đẩy mạnh được việc tiêu thụ, nâng cao thu nhập.

Theo Tiến sĩ Lý Nguyễn Bình, Phó Trưởng khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, để cho đầu ra hàng nông sản được tốt hơn, hiện có nhiều bất cập trong chuỗi sản xuất các nông sản phải sớm được khắc phục nhằm nâng cao chất lượng và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho sản phẩm. Cụ thể, về sản xuất: hiện nhiều nông dân còn chưa quan tâm hoặc chưa biết cách để đảm bảo việc sản xuất các loại nông sản được đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi thu hoạch sản phẩm còn chưa chọn đúng thời điểm (lúc thời tiết phù hợp, nông sản đã đúng độ thu hoạch...) và chưa đúng kỹ thuật thu hoạch dẫn đến chất lượng nông sản bị giảm. Ngoài ra, chất lượng nông sản còn bị ảnh hưởng do nhiều nông dân còn dùng dụng cụ thu hoạch và bao bì đựng sản phẩm chưa đảm bảo vệ sinh, thu hoạch sản phẩm xong bỏ đống xuống nền đất và sử dụng nước để rửa nông sản chưa hợp vệ sinh. Trong khi đó, sản phẩm khi đem đi tiêu thụ còn ít được đóng gói lại và sử dụng các phương tiện chở hàng thô sơ, dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết và các điều kiện vệ sinh môi trường xung quanh. Nhiều nơi bán hàng chưa đảm bảo vệ sinh, nhận thức của người bán hàng và cả người mua hàng còn thấp, cứ thấy hàng đẹp, mới, tươi thì mua mà đôi lúc quên quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, dự án “Năng lực tham gia thị trường của các chuỗi sản xuất nông sản thông qua đào tạo và huấn luyện” đang hướng đến việc giúp cho nông dân và những người trong các chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản phải có nhận thức đúng để có sự điều chỉnh từ nơi sản xuất đến bàn ăn. Tiến sĩ Lý Nguyễn Bình cho rằng, bản thân từng người trong chuỗi sản xuất cần quan tâm đúng mức đến việc đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm nông sản. Có như vậy, mới nâng cao được giá trị và tiêu thụ hàng qua các đầu mối tốt như: siêu thị, doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu... Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải có các chính sách để khuyến khích người dân sản xuất và sử dụng các loại nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những loại nông sản chưa đảm bảo ATVSTP được bán trên thị trường.

Bài,ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết