16/10/2022 - 08:19

Nâng cao kỹ năng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi 

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Từ năm 2017 đến nay, TP Cần Thơ triển khai Ðề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại 77 xã, phường, thị trấn. Mỗi địa phương đều có câu lạc bộ Người cao tuổi giúp người cao tuổi và câu lạc bộ Tình nguyện viên tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Những nỗ lực của ngành Dân số và chính quyền, ban ngành đoàn thể các cấp đã góp phần nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội với người cao tuổi.

BS Nguyễn Thị Ngọc Ðảnh, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - KHHGÐ TP Cần Thơ hướng dẫn các tình nguyện viên kỹ năng tập phục hồi chức năng cho người cao tuổi. 

Theo tiêu chuẩn của thế giới, người cao tuổi là người trên 65 tuổi trở lên. Tuy nhiên, Việt Nam quy định, người trên 60 tuổi là người cao tuổi; tỷ lệ người 60 tuổi hiện chiếm trên 10% tổng dân số. Giai đoạn dân số già có tỷ lệ người trên 60 tuổi chiếm trên 20% dân số. Nước ta đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ 10 năm trước và nằm trong tốp những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Kết quả Ðiều tra Quốc gia về người cao tuổi năm 2011, hơn 60% số người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu, mắc đồng thời nhiều bệnh mạn tính. Cuối năm 2016, Bộ Y tế phê duyệt “Ðề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025” nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chủ động thích ứng với tình trạng già hóa dân số của đất nước. Ðề án gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2017-2020) tập trung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng và giai đoạn 2 (2021-2025) tổng kết giai đoạn 1, lựa chọn đẩy mạnh các mô hình hay, hoạt động đạt hiệu quả để nhân rộng. Ðề án đề ra nhiều mục tiêu, hướng đến nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc người cao tuổi; nâng cao sức khỏe của người cao tuổi trên cơ sở kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi.

Từ năm 2017, TP Cần Thơ đã triển khai Ðề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Mỗi năm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGÐ) TP Cần Thơ chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, từng bước triển khai, nhân rộng mô hình. Mỗi xã, phường triển khai Ðề án đều có một câu lạc bộ Người cao tuổi giúp người cao tuổi và tổ Tình nguyện viên tư vấn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng. Trong tháng 9-2022, Chi cục Dân số - KHHGÐ thành phố đã tập huấn cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số và thành viên các câu lạc bộ, tổ tình nguyện viên ở tất cả các quận, huyện. Dịp này, nhân rộng thêm 18 xã mới triển khai Ðề án, nâng tổng số 77/83 xã, phường, thị trấn của thành phố triển khai mô hình. Một số quận, huyện như Ô Môn, Cái Răng, Phong Ðiền phủ khắp các xã, phường có các câu lạc bộ và tổ tình nguyện viên.

BS CKI Nguyễn Thị Ngọc Ðảnh, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - KHHGÐ TP Cần Thơ cho biết, chương trình tập huấn lồng ghép nhiều nội dung, vừa triển khai xã mới, vừa hướng dẫn, nói chuyện chuyên đề và bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ. Bên cạnh đó, tổ chức nâng cao kỹ năng cho nhóm cộng tác viên yếu kém, chưa thực hiện hiệu quả. Qua các lớp tập huấn, Chi cục cũng hướng dẫn các kỹ năng cơ bản giúp tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho người cao tuổi mắc các bệnh tật về vận động. Theo kế hoạch, đến năm 2024, thành phố sẽ phủ khắp mô hình của Ðề án. Ðề án chú trọng vào nội dung tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Xây dựng và phổ biến mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi. Hoàn thiện chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.

Hiện TP Cần Thơ đã bước vào giai đoạn 2 của Ðề án; ngành Dân số đã tổng kết giai đoạn 1, lựa chọn đẩy mạnh các hoạt động của Ðề án đã triển khai có hiệu quả; nhân rộng các mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi, ưu tiên cho các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; tạo môi trường thân thiện cho người cao tuổi thông qua việc thúc đẩy phong trào tại địa phương phù hợp với người cao tuổi. Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn tổ chức, quản lý các cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chính sách huy động các nguồn lực bao gồm cả tư nhân trong việc thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Kết quả thực hiện Ðề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi TP Cần Thơ 6 tháng đầu năm 2022, có gần 1.000 tình nguyện viên tham gia hoạt động, chăm sóc cho gần 1.700 cụ tại cộng đồng.

Chia sẻ bài viết